banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể ở Australia
Cập nhật lúc 08:43 ngày 06/07/2016

Ở những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, thương lượng là phương thức chính để giải quyết các tranh chấp lao động tập thể. Pháp luật có thể điều chỉnh và đặt ra những giới hạn nhất định đối với quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể song vẫn đảm bảo một cách rộng rãi quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp.

Trong khi đó, ở Australia, hòa giải và trọng tài Nhà nước lại được xem là phương thức giải quyết tranh chấp lao động tập thể chủ yếu.


Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể dựa trên hòa giải và trọng tài Nhà nước của Australia có những điểm đáng chú ý như sau:

Thứ nhất, các cơ quan giải quyết tranh chấp là cơ quan thường trực, độc lập, do Nhà nước thành lập và tài trợ kinh phí.

Đây là một trong những điểm đặc thù của cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Australia. Ở các quốc gia phát triển khác, cơ quan giải quyết thường là do các bên thỏa thuận thành lập hoặc lựa chọn. Cơ quan này có thể là cơ quan thường trực hoặc được thành lập theo vụ việc và thường là cơ quan giải quyết tranh chấp tư nhân. Thông thường, khi sử dụng các cơ quan giải quyết tranh chấp này, các bên tranh chấp phải trả phí. Bên cạnh đó, thành phần của các cơ quan giải quyết tranh chấp lao động tập thể có thể bao gồm đại diện của các bên tranh chấp. Ở Australia, thành viên của các cơ quan giải quyết tranh chấp lao động tập thể có thể được lựa chọn từ những người có mối liên hệ với các nghiệp đoàn của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhưng khi đã được lựa chọn, những người này phải chấm dứt mối liên hệ đó và phải thực hiện nhiệm vụ của mình như một bên thứ ba trung lập.

Thứ hai là tính bắt buộc của cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể

. Đây cũng là một đặc trưng nổi bật của cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể ở Australia. Luật pháp quy định NSDLĐ và các nghiệp đoàn có đăng ký có trách nhiệm phải thông báo cho cơ quan nhà nước khi tranh chấp lao động tập thể xảy ra và cơ quan này phải khởi động thủ tục hòa giải để giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, pháp luật Australia không quy định bất kỳ chế tài nào cho việc không thực hiện nghĩa vụ thông báo này. Trên thực tế, hầu hết các tranh chấp lao động tập thể (nhất là các tranh chấp nhỏ) là do các bên tự giải quyết mà không có sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, xét về mặt thực tế, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể chỉ trở nên bắt buộc khi cơ quan giải quyết tranh chấp của Nhà nước nhận được thông báo về tranh chấp lao động tập thể.

Thứ ba là sự quan tâm của các cơ quan giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Australia đến kết quả giải quyết tranh chấp.

Trong khi ở các quốc gia khác, cơ quan giải quyết tranh chấp thường chỉ tập trung vào việc tìm ra giải pháp cho các bên tranh chấp, thì ở Australia, cơ quan giải quyết tranh chấp còn chú ý đến nội dung của giải pháp đó bởi một trong những nhiệm vụ của cơ quan này là “bảo vệ lợi ích công cộng”.

Thứ tư là cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể thông qua hòa giải và trọng tài Nhà nước chỉ dành cho các nghiệp đoàn có đăng ký. Pháp luật Australia chỉ cho phép các nghiệp đoàn có đăng ký được đại diện cho NLĐ hoặc NSDLĐ trong thủ tục hòa giải và trọng tài Nhà nước. Quy định này đã khuyến khích các nghiệp đoàn thực hiện thủ tục đăng ký, song cũng đã bị nhiều người chỉ trích. Cụ thể, quy định này bị xem là đã hạn chế các hoạt động công đoàn vì để được chấp nhận đăng ký, tổ chức công đoàn phải đáp ứng một số điều kiện do pháp luật quy định. Thêm vào đó, quy định này còn gián tiếp hạn chế quyền đình công của công đoàn bởi lẽ khi tranh chấp lao động tập thể đã được thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thủ tục hòa giải hoặc trọng tài Nhà nước đã bắt đầu thì công đoàn phải dừng ngay mọi hành động công nghiệp chống lại NSDLĐ.

Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể nêu trên đã tồn tại ở Australia trong suốt một thời gian dài, kể từ cuối thế kỷ XIX. Sự hình thành của cơ chế này được giải thích bởi nhiều yếu tố. Về phương diện lịch sử, cơ chế này ra đời trong bối cảnh phong trào công đoàn đang đi xuống và nền kinh tế Australia đang trải qua thời kỳ suy thoái. Truyền thống can thiệp vào quan hệ lao động của Nhà nước cũng là một nhân tố quan trọng. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiết lập cơ chế hòa giải và trọng tài Nhà nước là nhằm tạo ra một môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tồn tại ở Australia suốt hơn 100 năm qua, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể dựa trên hòa giải và trọng tài Nhà nước đã phát huy khá tốt vai trò của mình trên thực tế song cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Do đó, kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Australia đã tiến hành một số cải cách quan trọng về cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Những cải cách này đã dẫn đến việc ban hành Luật về Công bằng Nghề nghiệp năm 2009 (Fair Work Act 2009). Với sự ra đời của đạo luật này, cơ chế giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Australia đã có một diện mạo mới. Tuy vậy, cơ chế mới vẫn giữ lại về cơ bản những đặc trưng nêu trên, ngoại trừ một điểm đáng chú ý là cơ chế hòa giải và trọng tài Nhà nước không còn mang nặng tính bắt buộc như trước.

CIRD