banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Sửa luật cho hợp với TPP
Cập nhật lúc 09:09 ngày 05/07/2016

Thực hiện cam kết khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung một số điều luật.

Vừa qua, tại TP Đà Nẵng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, việc làm, an sinh xã hội phù hợp Hiến pháp 2013, hội nhập quốc tế và thực thi cam kết TPP”.

 

Nhiều thách thức đối với Công đoàn

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho biết việc tham gia TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam hoàn thiện nhanh hơn thể chế kinh tế thị trường, cơ cấu lại nền kinh tế, lực lượng lao động và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. “Trong lĩnh vực lao động, các cam kết của TPP đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động theo Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của ILO” - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, việc thực hiện các cam kết về lao động trong TPP như xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động, quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động (NLĐ)… cũng chính là tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là một thành viên. Điều này không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng nhiệm vụ và tổ chức, hoạt động của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng những cam kết về Công đoàn (CĐ) trong TPP, nhất là việc cho phép NLĐ trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của mình đã đặt ra thách thức rất lớn cho tổ chức CĐ. “Nếu tổ chức CĐ không nhanh chóng đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động thì rất dễ xảy ra “dòng chảy” đoàn viên CĐ từ CĐ Việt Nam sang tổ chức mới của NLĐ” - ông Chính nhìn nhận. Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chỉ ra thực tế tổ chức của NLĐ ở các nước chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Trong khi đó, hệ thống CĐ Việt Nam phải thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức chính trị - xã hội nên nguồn lực bị phân tán, thiếu cơ chế chủ động trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng…

Một số quy định không tương thích

Ông Chang - Hee Lee, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, cho rằng TPP đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Dù thế, chỉ khi nào Việt Nam thực hiện các yêu cầu tiền đề như đổi mới pháp luật lao động và thiết chế để tôn trọng đầy đủ tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, đặc biệt là tự do liên kết và thương lượng tập thể, thì TPP mới có hiệu lực tại Việt Nam và khởi động quá trình giảm thuế. Sau 5 năm thực hiện TPP, cả hai bên tiến hành rà soát quá trình thực hiện. Nếu việc thực hiện đổi mới được cho rằng không đáp ứng các yêu cầu trong kế hoạch song phương Việt Nam - Mỹ thì lộ trình giảm thuế sẽ tạm dừng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, để đáp ứng yêu cầu của TPP, Việt Nam cần điều chỉnh chương XIII trong Bộ Luật Lao động, cho phép NLĐ trong doanh nghiệp được thành lập tổ chức của mình. Ngoài ra, ông Lợi đưa ra một số điểm cần chú ý điều chỉnh liên quan đến quy định về đình công, lao động cưỡng bức, phân biệt đối xử. Cũng đề xuất điều chỉnh chương XIII trong Bộ Luật Lao động, ông Mai Đức Chính cho biết theo kế hoạch Việt Nam và Mỹ về tăng cường quan hệ thương mại và lao động, Việt Nam sẽ quy định cho phép NLÐ làm việc trong một doanh nghiệp, không có sự phân biệt, được thành lập tổ chức của NLÐ ở cấp cơ sở theo lựa chọn của họ mà không cần phải xin phép trước.

Vì thế, sắp tới đây, Chính phủ sẽ phải ban hành nghị định hoặc sửa chương XIII trong Bộ Luật Lao động 2012 về điều kiện thành lập và điều kiện đăng ký hoạt động của tổ chức của NLĐ ở cấp cơ sở. Cũng theo ông Chính, theo thỏa thuận thì Việt Nam sẽ không sửa điều 10 Hiến pháp năm 2013 và điều 1 Luật CĐ năm 2012. Vì vậy, Luật CĐ năm 2012 chủ yếu sửa đổi nội dung mang yếu tố kỹ thuật, về câu từ.

Ông Đỗ Đình Lương - chuyên viên của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp - cho biết qua so sánh, đối chiếu những yêu cầu của TPP trong chương lao động và thỏa thuận song phương với Mỹ cũng như quy định của pháp luật hiện hành, nhận thấy có nhiều bất cập cần điều chỉnh mới có thể tương thích. Ngoài đề xuất sửa đổi các điều luật, ông Lương đề nghị nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước, nhất là các quốc gia thành viên như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Singapore, để có phương án hoàn thiện pháp luật lao động, bảo đảm giữ vững chủ quyền và thực thi nghiêm các cam kết trong TPP cũng như thỏa thuận song phương với Mỹ.

Ưu tiên sửa đổi Bộ Luật Lao động

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển quan hệ lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết căn cứ vào cam kết về lao động (bao gồm CĐ) trong TPP, Việt Nam sẽ phải thực hiện 3 nghĩa vụ lớn. Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung pháp luật về lao động. Thứ hai, tổ chức bộ máy về quan hệ lao động và bộ máy, cơ chế đa phương và song phương với Mỹ về thực thi TPP. Thứ ba, tổ chức thực thi có hiệu lực và hiệu quả: cơ chế, thiết chế, con người, nguồn lực tài chính. Trong đó, nghĩa vụ thứ nhất và thứ hai sẽ phải hoàn thành xong trước khi TPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Nghĩa vụ thứ ba sẽ được theo dõi, giám sát trong vòng 10 năm.

Nguồn Báo Người Lao động