banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Làm sao để có “4 thật” trong thỏa ước lao động tập thể
Cập nhật lúc 07:15 ngày 01/07/2016

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.

Nội dung của thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là căn cứ, cơ sở ràng buộc về mặt pháp lý, là những cam kết mà trong đó quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm rất cụ thể rõ ràng giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) nhằm tạo hài hòa lợi ích, xây dựng mối quan hệ thân thiết, chia sẻ, gắn bó chặt chẽ giữa NLĐ với NSDLĐ vì mục đích chung là ổn định và phát triển doanh nghiệp.


Thông qua TƯLĐTT các doanh nhân, NSDLĐ cũng thể hiện được tốt nhất việc quản trị doanh nghiệp nhằm đáp ứng theo tiêu chuẩn lao động theo các cam kết với tổ chức lao động quốc tế về điều kiện, tiêu chuẩn lao động; đồng thời đề cao trách nhiệm xã hội doanh nghiệp thông qua chế độ phúc lợi đối với NLĐ. Và cũng chính qua TƯLĐTT tổ chức công đoàn thể hiện rõ nhất vai trò chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ. Bên cạnh đó NLĐ cũng thấy được sự quan tâm, hỗ trợ của NSDLĐ, thấy được trách nhiệm và lợi quyền của mình qua TƯLĐTT. Để có được một TƯLĐTT tốt, đảm bảo lợi quyền của NLĐ và NSDLĐ thì 4 yếu tố cấu thành quan trọng không thể thiếu là “ Đối tác thật - Thương lượng thật - Nội dung thật - Thực hiện thật” của TƯLĐTT. Từ đó tạo không khí dân chủ, chia sẻ, đồng thuận, khuyến khích người lao động yên tâm gắn bó và cống hiến hết mình vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Mục đích cốt lõi trong TƯLĐTT: “Chú trọng chất lượng”

Trong bản TƯLĐTT thì mục đích hướng đến để thương lượng và ưu tiên hàng đầu là những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật dù chỉ là những điều khoản nhỏ nhất, chứ không nên sao chép lại những quy định đã có của pháp luật. Tránh tình trạng nhiều bản TƯLĐTT rất dài nhưng có rất ít các điều khoản có lợi cho NLĐ, thậm chí không có điều nào có lợi cho NLĐ, cá biệt còn có điều vi phạm và trái với quy định của pháp luật. Do vậy cần đặt mục tiêu “chất lượng” trong TƯLĐTT lên hàng đầu, chú trọng vào “chiều sâu” của việc thương lượng qua các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Ví dụ như: tiền lương trong thời gian thử việc của NLĐ theo Bộ Luật lao động quy định ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó, khi thương lượng nên đưa vào TƯLĐTT là: tiền lương thử việc được trả ít nhất bằng 90% mức lương của công việc đó; qua điều đó cho thấy tiền lương của NLĐ thử việc dù tăng thêm 5% trong TƯLĐT so với quy định của pháp luật cũng cho thấy giá trị của việc thương lượng hiệu quả, cụ thể thiết thực đối với NLĐ.

TƯLĐTT cần chú trọng “chất lượng hơn số lượng” bởi nếu có TƯLĐTT mà nội dung chỉ sao chép các quy định của pháp luật thì cũng gần như không có giá trị và ý nghĩa về mặt thương lượng gần như không có, qua đó cũng cho thấy tổ thương lượng đã không thực hiện đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình trước NLĐ. Đồng thời cũng cần đề cao trách nhiệm và “tâm - đức” của các doanh nhân, của NSDLĐ, nhất là khi Việt Nam đã và đang gia nhập các hiệp định thương mại tự do của khu vực và thế giới, cùng với đó là nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn, cam kết về tiêu chuẩn lao động, về sản phẩm thân thiện với môi trường, có tác động tích cực, lan tỏa đến cộng đồng. Trong đó yêu cầu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải được đề cao hơn, cụ thể là quan hệ lao động tại doanh nghiệp phải ổn định, hài hòa, tiến bộ, nhất là mối quan hệ gắn bó và không ngừng chăm lo đời sống vật chất tinh thần đối với NLĐ. Và những người tiêu dùng thông minh ngày càng có ý thức rõ hơn về cách các sản phẩm họ mua và sử dụng đã được sản xuất trong điều kiện môi trường lao động như thế nào.

Đối tác thật: “Tự nguyện - Thiện chí - Bình đẳng - Công khai - Minh bạch”

TƯLĐTT là một văn bản thỏa thuận, mà đã là thỏa thuận thì giữa hai chủ thể và đối tác thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện, thiện chí trong quá trình thương lượng và ký kết. Ở đây thể hiện việc các bên tham gia có ý thức tự giác, xuất phát từ nhận thức rằng vì quyền lợi của mình mà tự nguyện tham gia và nhận rõ trách nhiệm trong việc xúc tiến ký kết thỏa ước. Do đó giữa các đối tác tham gia TƯLĐTT cần tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, không chấp nhận một sự ép buộc nào từ một bên đối với bên kia và của bên thứ ba. Chỉ có những thỏa ước được ký kết trên tinh thần thiện chí, tự nguyện mới có cơ sở để các bên tự giác chấp hành một cách nghiêm túc các cam kết.

Trên thực tế để NLĐ và tổ chức đại diện tập thể NLĐ, tổ chức công đoàn được được là “đối tác” và “bình đẳng theo đúng nghĩa” với NSDLĐ trong doanh nghiệp là điều không dễ dàng. Do vậy một điểm mấu chốt trong TƯLĐTT thì bình đẳng luôn gắn bó chặt chẽ với tự nguyện và là cơ sở của “đối tác thật” vì trên thực tế nếu không có bình đẳng thì cũng không thể có tự nguyện. Nhưng dù muốn hay không trong quá trình lao động thì NLĐ và NSDLĐ có địa vị pháp lý và kinh tế khác nhau, có các quyền và nghĩa vụ khác nhau, nhưng lại gặp nhau ở một điểm chung đó là lợi ích kinh tế. Đối với NSDLĐ là sức lực, trí lực của NLĐ, là hiệu quả sản xuất kinh doanh, là lợi nhuận. Còn đối với NLĐ là việc làm đảm bảo, là thu nhập, điều kiện lao động, đời sống văn hóa tinh thần của mình. Cả hai bên lại rất cần có nhau trong suốt quá trình lao động. Vì vậy, để đảm bảo được lợi ích của cả hai phía, họ phải biết đối xử với nhau trên tinh thần thiện chí, bình đẳng, tôn trọng và hợp tác.

Một đối tác quan trọng, là đối tượng thụ hưởng trực tiếp và có nghĩa vụ, trách nhiệm phải thực hiện các điều khoản trong TƯLĐTT đó là tập thể NLĐ. Và để thực sự là đối tác thì tập thể NLĐ phải được biết, được tham gia đóng góp ý kiến để khắc phục được tình trạng quy trình xây dựng dự thảo thỏa ước không xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của NLĐ, quá trình thương lượng không có sự tham gia của NLĐ. Qua đó nguyên tắc công khai minh bạch được đề cao trong TƯLĐTT và được quy định rất rõ ràng trong Bộ Luật lao động và các văn bản quy phạm liên quan, do vậy rất cần thiết và quan trọng khi NLĐ được tham gia, đóng góp ý kiến, được giám sát việc thực thi của TƯLĐTT.

Thương lượng thật: “Kiên quyết - Kiên trì - Linh hoạt - Sáng tạo”

Việc ký kết TƯLĐTT tạo nên sự đoàn kết, nhất trí của NLĐ, của tổ chức công đoàn và NSDLĐ cần thương lượng theo nguyên tắc “động” và “mở”; trong bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, nếu có vấn đề bất thường phát sinh thì đại diện NLĐ, tổ thương lượng và đại diện NSDLĐ kịp thời xem xét, điều chỉnh bổ sung các điều khoản cho phù hợp với chính sách mới của Nhà nước có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động. Vì theo quy định của pháp luật thì TƯLĐTT định kỳ được tiến hành ít nhất một năm một lần, khoảng cách giữa hai lần thương lượng tập thể định kỳ liền kề tối đa không quá 12 tháng.

Đối với các thành viên tổ thương lượng cần có những người am hiểu pháp luật, có kỹ năng đàm phán, thương lượng, có uy tín và nắm chắc tình hình sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, luôn đổi mới sáng tạo cách thức thương lượng để khi thương lượng với NSDLĐ đạt được những điều khoản mang lại hiệu quả, thiết thực cho NLĐ. Để tổ thương lượng “Thương lượng thật” với NSDLĐ thì tổ thương lượng cần có sự chuẩn bị kĩ càng với các chiến lược có tính thuyết phục và phải đưa ra được luận điểm hợp tình, hợp lý phù hợp với tình hình thực tế làm sao để có được sự đồng thuận chung nhất và đạt được lợi ích tối đa cho NLĐ. Đồng thời hạn chế những bất lợi dù là nhỏ nhất đối với NLĐ và mang đến kết quả khiến cả hai bên cùng hài lòng.

Với quan điểm, nguyên tắc là tôn trọng khác biệt, phát huy những điểm tương đồng, dễ trước khó sau, hai bên cùng có lợi, hai bên cùng thắng. Với phương châm kiên quyết, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo bao gồm việc xây dựng, chuẩn bị kỹ càng phương án đàm phán, thương lượng để đạt các mục tiêu đề ra. Trong thương lượng quyền lợi mong muốn của các bên được thảo luận, tranh luận lành mạnh, quyền được nói lên ý kiến và yêu cầu của mình; cần có sự thỏa hiệp để đưa ra sự đồng thuận chung nhất, đưa ra cam kết và thực hiện cam kết.

Nội dung thật: “Tối đa những điều khoản có lợi NLĐ so với quy định của pháp luật”

Trước hết cần khẳng định những quy định của pháp luật về lao động dù muốn hay không thì các chủ thể tham gia đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phải tuân thủ thực hiện, do đó trong TƯLĐTT không nên nhắc lại những quy định của pháp luật mà chỉ nên tập trung vào các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật và quy định liên quan kèm theo. TƯLĐTT cần ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ để thực hiện và có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật. Ví dụ như: Tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp, nâng lương, định mức lao động: NSDLĐ cam kết sẽ trả mức lương tối thiểu cao hơn mức lương tối thiếu do Chính phủ quy định; làm đủ 12 tháng NLĐ sẽ được hưởng tháng lương thứ 13, NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng sẽ tính tỷ lệ tương ứng theo số tháng thực tế làm việc, bữa ăn ca được tối thiểu trên 15.000đ/người, phụ cấp đi lại, phụ cấp chuyên cần, hỗ trợ đi lại, lưu trú, nhà trọ, trợ cấp thâm niên; tiền thưởng đột xuất, thưởng tết…

Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, nghỉ giữa ca: Nghỉ ngắn giữa ca (ngoài thời gian nghỉ giữa giờ) tối thiểu là 10 phút, nghỉ trong trường hợp nghỉ do có thiên tai, mất điện đột xuất từ 2 giờ trở lên, NLĐ sẽ được trả 100% lương theo HĐLĐ; trường hợp làm thêm giờ từ 2 giờ/ngày trở lên, công ty hỗ trợ thêm một bữa ăn. NLĐ được nghỉ  hè hàng năm từ 1-3 ngày/năm/người. NLĐ được nghỉ từ 1-2 ngày khi con kết hôn, ông, bà, anh,chị, em ruột bên vợ hoặc bên chồng chết, chăm sóc vợ sinh, ngày thành lập doanh nghiệp (nếu đi làm ngày thành lập công ty được tính công bằng đi làm ngày Lễ). Lao động nữ mang thai chấp hành tốt nội quy lao động sẽ được nghỉ 1 ngày/tháng hưởng nguyên lương trong thời gian mang thai, được công ty hỗ trợ tiền khám thai định kỳ với mức hợp lý, ngoài khoản tiền trợ cấp BHXH cho chế độ thai sản, lao động nữ còn được hỗ trợ đối với con thứ nhất và thứ 2. Lao động nữ khi mang thai từ tháng thứ 7 (tuần 28) đến khi sinh con được bố trí làm công việc nhẹ hơn so với công việc đang đảm nhiệm…

Phúc lợi khác: Chế độ hỗ trợ, thưởng, thăm hỏi, tặng quà cho NLĐ (có mức tối thiểu và tối đa) như: Kết hôn, sinh con, bản thâm ốm đau, tai nạn lao động, trung thu, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tham quan du lịch, sinh nhật. Hỗ trợ, tặng quà các ngày lễ lớn như: Ngày (30/4), Quốc tế lao động (1/5), Quốc khánh (2/9), giỗ Tổ Hùng Vương, Quốc tế Thiếu nhi (1/6), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Hỗ trợ tiền tàu xe khi nghỉ phép, nghỉ lễ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phương tiện đi lại, hàng năm tổ chức tối thiểu 1 đoàn NLĐ tiêu biểu có thành tích xuất sắc đi tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong nước và nước ngoài…

Hoạt động công đoàn: NSDLĐ có trách nhiệm bố trí nơi làm việc và tạo điều kiện về phương tiện làm việc cần thiết cho công đoàn cùng cấp hoạt động như bố trí phòng công đoàn (đối với đơn vị có đông lao động) trang bị cơ sở vật chất như bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, điện thoại, máy vi tính. Cán bộ công đoàn không chuyên trách được chủ động việc sử dụng thời gian làm việc cho hoạt động công đoàn như: Chủ tịch, Phó chủ tịch công đoàn được tối thiểu 28 giờ/người/tháng, ủy viên BCH, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn được tối thiểu 18 giờ/người/tháng. NSDLĐ tạo điều kiện về thời gian, trả lương cho cán bộ công đoàn và người lao động khi đi tham gia các buổi hội nghị, hội thảo, tọa đàm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, biểu dương, các hoạt động phong trào do công đoàn cấp trên triệu tập theo kế hoạch, giấy mời...

Thực hiện thật: “Kiểm tra - Giám sát - Đánh giá - Không ngừng bổ sung”

Để TƯLĐTT được thực hiện trong thực tế được đầy đủ, nghiêm túc, các bên tham gia cần có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện. Do đó, các thành phần tham gia TƯLĐTT đều có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các cam kết, quy định trong TƯLĐTT. Đồng thời hàng năm cần đánh giá, không ngừng bổ sung những điều khoản mới, những điều có lợi cho NLĐ, đồng thời cũng lược bỏ những điều không còn phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế tại doanh nghiệp. Trên tinh thần thấu hiểu, chia sẻ, hợp tác giữa NSDLĐ, NLĐ và tổ chức  công đoàn sao cho mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp được hài hòa, ổn định, tiến bộ nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho NLĐ và cùng hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

     Trần Phong  (tổng hợp)