banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Công đoàn Công Thương VN: Tích cực, chủ động trước thềm TPP
Cập nhật lúc 08:51 ngày 24/06/2016

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay mà Việt Nam tham gia, hơn nữa đây là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu. Các bên kỳ vọng Hiệp định sẽ tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường mới, hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trưởng đoàn đàm phán Trần Quốc Khánh, bên cạnh mục tiêu kinh tế, TPP tạo cho VN sức ép thay đổi cơ chế điều hành xã hội với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước, giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính… Và điều này chắc chắn có tác động không nhỏ đến lao động, việc làm và hoạt động của tổ chức CĐ. Đứng trước tình hình đó, CĐ Công Thương VN đã chủ động xây dựng nhiều kế hoạch hoạt động để phù hợp với những sự tác động của việc thực hiện TPP vừa là cơ hội, vừa là thách thức đó đối với đoàn viên của mình cũng như hoạt động của tổ chức CĐ.

Chủ tịch Lý Quốc Hùng (thứ hai từ phải sang) đi thăm CNLĐ 

Tích cực tuyên truyền

Ông Lý Quốc Hùng - Chủ tịch CĐ Công Thương VN cho rằng, muốn thích ứng với bất cứ vấn đề gì thì phải hiểu thật kỹ về vấn đề đó. Do vậy, CĐ Công Thương xác định công tác tuyên truyền phải được chú trọng, quan tâm sao cho không chỉ cán bộ CĐ mà cả chủ DN lẫn NLĐ  tiếp cận, cập nhật được thông tin trước tình hình mới. Ông Hùng cho biết thêm: Ngay trong quá trình Hiệp định đang được đàm phán, trên bản tin và website của CĐ Công Thương (www.vuit.org.vn) đã đăng tải nhiều bài của các nhà nghiên cứu chuyên môn về nội dung, tác động của TPP đến những lợi ích của VN có thể thu được cũng như bất lợi tiềm tàng của TPP đối với VN; TPP tác động như thế nào tới việc làm của NLĐ? Mang lại lợi ích nào cho DN? VN tham gia TPP công nhân được gì, mất gì?...

Có thể nói, CĐ Công Thương VN  là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị cung cấp thông tin, có những phân tích đánh giá, dự báo về xu hướng, thách thức cũng như cơ hội mang lại của TPP và tác động đến NLĐ và tổ chức CĐ. Điển hình như năm 2014 đã tổ chức 2 hội thảo lớn: “Vấn đề lao động và vai trò CĐ trong Hiệp định Thương mại tự do”. Năm 2015  tổ chức 2 hội nghị giới thiệu về hiệp định TPP. Đặc biệt, vào tháng 10/2015, CĐ Công Thương VN đã mời Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đến nói chuyện, giới thiệu về nội dung cũng như các mặt tác động cụ thể của TPP trong hoạt động CĐ, đối với lao động, việc làm đến các đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch, cán bộ CĐ phụ trách công tác tuyên giáo, đại diện lãnh đạo một số DN trực thuộc các tập đoàn, TCty trong Bộ Công thương.  

CĐ Công Thương VN cũng là đơn vị đi đầu trong việc soạn thảo, phát hành sách “TPP - việc làm, đời sống NLĐ và hoạt động CĐ”  để phát đến các DN, đơn vị và NLĐ trong ngành để tuyên truyền, phổ biến một cách khái quát nhất về TPP và dự báo tác động và các đề xuất giải pháp mang tính lý luận và thực tiễn. Bên cạnh đó, trang thông tin điện tử của CĐ Công Thương VN cũng là một kênh tuyên truyền vô cùng hiệu quả về TPP. Trên trang chủ của website, các quản trị viên đã thiết lập banner để link các trang TPP của Bộ Công Thương, khiến cho các thông tin trao đổi, nghiên cứu về TPP luôn được cập nhật.

Chủ động đổi mới phương thức hoạt động

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, khi tham gia TPP, đòi hỏi các DN Việt Nam phải duy trì các điều kiện LĐ ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP. Đây là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ đó giảm sức cạnh tranh của DN. Đối với các DN có tâm lý dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các DN có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phá sản, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận LĐ sẽ xảy ra. Bởi thế, theo ông Lý Quốc Hùng,  qua công tác tuyên truyền, cán bộ CĐ các cấp đã nhận thức được rất rõ vấn đề sống còn của tổ chức CĐ hiện nay là phải phát triển đoàn viên, giữ được đoàn viên. Muốn làm được điều này, không có cách nào khác là phải đi sâu, đi sát với cơ sở chứ không  chỉ là “hướng về cơ sở” bởi chỉ có khi nào tổ chức CĐ thực sự đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích cho NLĐ thì NLĐ mới tin tưởng đứng trong hàng ngũ của tổ chức CĐ.

Chính vì lẽ đó, CĐ Công Thương VN đã có nhiều chương trình, kế hoạch về thực hiện chính sách pháp luật đối với NLĐ thông qua chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT”. Bên cạnh đó,   triển khai phổ biến chính sách pháp luật, đi đôi với việc kiểm tra, giám sát theo chuyên đề về chính sách pháp luật, hoạt động của Ủy ban Kiểm tra, tài chính công đoàn, chính sách đối với LĐ nữ... Từ năm 2013 đến nay, CĐ Công Thương VN đã tiếp 76 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh; nhận 100 đơn khiếu nại tố cáo (trong đó có 87 đơn khiếu nại, 13 đơn tố cáo). Đến nay cơ bản các khiếu nại, tố cáo được giải quyết theo quy định, quyền lợi của NLĐ được đảm bảo, các đơn vị có phát sinh đơn sau khi giải quyết đã ổn định trong hoạt động.

CĐ Công Thương VN đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành Quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị; tổ chức hướng dẫn các đơn vị thực hiện các văn bản mới liên quan đến Quy chế dân chủ. Đến nay đã có 100% số cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có tổ chức hội nghị CBCC; số DNNN, Cty CP, Cty TNHH có tổ chức Hội nghị NLĐ đạt 97,63% - 94,07%; Số DN có tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với NLĐ đạt 82,71%; số đơn vị có Quy chế dân chủ đạt 93,77%. Bên cạnh đó, số DN có TƯLĐTT đạt 94,75%, trong đó số DN có vốn đầu tư nước ngoài có tổ chức CĐ có TƯLĐTT đạt 87,87%. Để đảm bảo các bản thỏa ước ngày càng có chất lượng, mới đây, CĐ Công Thương VN đã tổ chức tọa đàm về “Nâng cao chất lượng TƯLĐTT trong DN” cho các cán bộ CĐ chủ chốt. Đặc biệt, CĐ Công Thương VN cũng triển khai xây dựng thư viện TƯLĐTT, qua đó chấm điểm, đánh giá chất lượng các bản TƯLĐTT của các đơn vị, kịp thời biểu dương khen thưởng những bản thỏa ước tốt.

Trương Hoàng (Báo Lao động)