banner2019
 
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 20 tháng 01 năm 2025
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường: Nâng cao năng lực cán bộ chủ chốt công đoàn trong xu thế hội nhập
Cập nhật lúc 08:59 ngày 01/06/2016

“Vận động, thuyết phục người lao động thế nào, chăm lo bảo vệ người lao động ra sao và triển khai nhiệm vụ công tác CĐ trong tình hình mới làm sao để hiệu quả là những vấn đề cấp bách cần được trao đổi thảo luận tìm ra biện pháp giải quyết” - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường chỉ đạo tại buổi khai mạc lớp tập huấn “Chủ tịch LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương và tương đương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN năm 2016”, diễn ra sáng 31.5, tại TP.Hải Phòng. 


Chủ tịch Tổng LĐLĐVN tặng quà cho Cty TNHH 100% vốn nước ngoài Bluecom Vina (KCN Tràng Duệ, TP.Hải Phòng) ngày 31.5.

Tài chính công đoàn không phải ngân sách nhà nước

Lớp tập huấn tập trung 31 cán bộ CĐ chủ chốt là Chủ tịch LĐLĐ các tỉnh, thành phố, CĐ ngành T.Ư và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN. Phát biểu khai mạc lớp học, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong việc điều hành, lãnh đạo tổ chức CĐ, đặc biệt trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và xu thế hội nhập quốc tế. “Mỗi sáng kiến, mỗi quyết định quản lý của các đồng chí đều tác động mang tính quyết định đối với phong trào công nhân và hoạt động CĐ ở đơn vị mình” - Chủ tịch Bùi Văn Cường nói. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng cho rằng, mục đích của Tổng LĐLĐVN khi tổ chức lớp tập huấn là để các báo cáo viên, các cán bộ CĐ trao đổi thảo luận tìm ra các biện pháp hiệu quả, ý tưởng hay áp dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động CĐ của đơn vị mình.

Sau khi Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu khai mạc lớp tập huấn, trong buổi sáng 31.5, đồng chí Đặng Ngọc Tùng - nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã điều hành lớp học, chia sẻ trao đổi với các học viên về những kinh nghiệm điều hành tổ chức CĐ. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề tài chính CĐ, khẳng định việc thu kinh phí CĐ là phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “Tài sản của tổ chức CĐ là sở hữu của tổ chức CĐ. Tài chính CĐ không phải là ngân sách nhà nước. Kinh phí CĐ thu từ 2% lương cơ bản NLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ, việc chi tiêu như thế nào phải có quyết định, hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN. Các cấp CĐCS phải nắm được điều này. Quyền sử dụng tài sản CĐ do Tổng LĐLĐVN quy định”.

Khóa tập huấn diễn ra theo mô hình mở nên các đại biểu thẳng thắn trao đổi với giảng viên những vấn đề thực tiễn tại cơ sở để từ đó có hướng giải quyết cụ thể. Lớp tập huấn kéo dài 8 ngày từ 31.5 - 7.6. Ban tổ chức lớp học đã chuẩn bị 11 nội dung trao đổi, xen kẽ giữa các nội dung sẽ có các hoạt động đi thực tế tại CĐ Khu kinh tế Hải Phòng và Quảng Ninh.

Xây dựng quan hệ hài hòa giữa DN và người lao động

Chiều cùng ngày, đoàn công tác do đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - dẫn đầu, cùng đồng chí Nguyễn Văn Ngàng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và các đồng chí trong ban chuyên trách Tổng LĐLĐVN đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ LĐLĐ TP.Hải Phòng và thị sát tại Cty TNHH BluecomVina (đóng tại KCN Tràng Duệ, huyện An Dương, TP.Hải Phòng).

Cty TNHH Bluecom Vina chính là nơi ngày 11.4 xảy ra vụ việc gần 1.000 công nhân đồng loạt ngừng việc yêu cầu Cty nhanh chóng thành lập tổ chức CĐ nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, điều chỉnh các khoản phụ cấp và những bất cập về giờ làm việc mà Cty đang áp dụng. Sau vụ ngừng việc tập thể nêu trên, Cty đã thành lập được tổ chức CĐ và hiện tổ chức CĐ đang hoạt động khá tốt. Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đánh giá cao sự tích cực của Cty cũng như tổ chức CĐ Cty trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động.

Làm việc với LĐLĐ TP.Hải Phòng, đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng thời gian qua Hải Phòng khá “nóng” về tình trạng ngừng việc tập thể. Tổ chức CĐ phải tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, xây dựng quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Tính đến 30.5, tại Hải Phòng xảy ra 10 vụ ngừng việc tập thể tại 10 DN với tổng số lao động tham gia ngừng việc là 7.549 người. Mỗi vụ ngừng việc kéo dài từ 1-4 ngày gây thiệt hại lớn cho cả NLĐ và DN. Điều đáng nói, số vụ ngừng việc tập thể trong 5 tháng đầu năm đã nhiều hơn cả năm 2015. Các vụ việc này thể hiện quan hệ khá phức tạp giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Theo đánh giá của LĐLĐ TP.Hải Phòng, nguyên nhân xảy ra các vụ ngừng việc tập thể chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ trong thời gian dài song không được phát hiện. Một số vụ việc do người sử dụng lao động không thực hiện xây dựng thang, bảng lương; tính và trả lương cho NLĐ chưa theo đúng Nghị định 49/2013/NĐ-CP và các nghị định về điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng; Không thực hiện đầy đủ việc đóng BHXH; BHYT, BHTN và trả sổ BHXH cho NLĐ; hỗ trợ ăn ca, mức thấp (dưới 10.000 đồng/ bữa).

Theo Chủ tịch CĐ Khu kinh tế Hải Phòng Phạm Thị Hằng, các vụ ngừng việc tập thể chủ yếu xuất phát từ sự thiếu thiện chí trong giải quyết mâu thuẫn của chủ DN. Đối với NLĐ thì cho rằng cứ ngừng việc thì những quyền lợi của mình sẽ được giải quyết.

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN theo đó yêu cầu các đại biểu cùng trao đổi các biện pháp khắc phục tình trạng ngừng việc tập thể và khẳng định: Việc trong 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn Hải Phòng xảy ra liên tiếp nhiều vụ ngừng việc tập thể gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về quan hệ giữa NLĐ và DN. Để giải quyết tình trạng này, tổ chức CĐ phải là cầu nối tạo dựng mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ và người sử dụng lao động. Thỏa ước lao động tập thể tại các DN cần được xây dựng với những tiêu chí rõ ràng như chế độ ăn ca; NLĐ nữ được hưởng những gì trong chế độ thai sản... Thời gian tới, Hải Phòng cần tiến hành khảo sát toàn diện về tình hình chăm lo đời sống NLĐ tại các khối như da giày, xây dựng, công nghiệp… để từ đó đưa ra những khuyến cáo, biện pháp giải quyết hài hòa lợi ích các bên, tránh để xảy ra các vụ ngừng việc tập thể như thời gian qua. 

Nguồn Báo LĐ