banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Xây dựng định mức lao động cho mỗi vị trí việc làm
Cập nhật lúc 04:32 ngày 28/12/2015

Vấn đề phình to biên chế cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước ở ta lâu nay như một căn bệnh trầm kha; được nhắc đi nhắc lại hằng năm. Những lần gần đây nhất là đề án tinh giản biên chế từ năm 2007-2011 tiêu tốn hơn chục nghìn tỉ đồng, song vẫn không hiệu quả để rồi ba năm sau, chúng ta lại phải tiến hành đề án tinh giản biên chế mới từ năm 2014-2020 với kinh phí dự toán 8.000 tỉ đồng nhằm đưa ra khỏi biên chế Nhà nước 100.000 người.

Bộ máy hành chính Nhà nước lớn, song lại không hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiên nay có tới 30% cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp về!”. Mỗi Nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước từ khi ban hành đến lúc triển khai xuống cơ sở phải mất vài tháng, có khi hàng năm, thậm chí nằm nguyên trong tủ, nhân dân không ai biết có chính sách ấy là gì?



Vậy tại sao có căn bệnh trầm kha này? Theo chúng tôi có mấy nguyên nhân chính sau :

Việc thành lập các bộ phận chức năng chuyên môn thường theo chủ quan cảm tính của lãnh đạo chứ không xuất phát từ việc nghiên cứu thực tiễn, khoa học. Cần thì thành lập, không cần thì giải thể; có khi lại là cái cớ để cất nhắc hay đưa người quen thân vào biên chế. Việc xác định phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn mỗi ngành, cơ quan, đơn vị chưa thật rành mạch, rõ ràng nên mới có chuyện khi người dân có kiến nghị thì cơ quan này đùn cho cơ quan kia; cấp nọ đẩy cho cấp kia. Điển hình như chuyện năm nào có việc phải ngăn chặn gà nhập lậu từ Trung Quốc để đề phòng dịch cúm H5N1 thì ba bộ Công thương, Nông nghiệp, Y tế đều thoái thác, không Bộ nào nhận trách nhiệm về mình trước Quốc hội.

Việc tuyển dụng biên chế theo cơ chế xin - cho, theo cảm tính chủ quan của lãnh đạo, thậm chí do tình cảm riêng tư, do quan hệ tiêu cực. Sở dĩ có tình trạng này là do chúng ta chưa xác định được cụ thể công việc của từng vị trí việc làm, chưa định mức lao động được cho từng vị trí ấy nên không định biên được cho mỗi cơ quan, đơn vị để có khung pháp lý khống chế. Biên chế cơ quan cứ sau vài năm lại phình lên là điều tất yếu. Sự phình lên này lại tỉ lệ nghịch với hiệu quả hoạt động của nó. Bởi một việc có nhiều người làm nên “cha chung không ai khóc” “lắm vãi không ai quét cửa chùa”. Thói đời thường là vậy.

Công tác quản lý cán bộ, công nhân, viên chức của nước ta quá lỏng lẻo         

Hầu hết các cơ quan, đơn vị sự nghiệp hành chính đều quản lý theo kiểu điểm danh hàng ngày chứ không kiểm tra kết quả công việc. Vì vậy mới có 30% công viên chức  “sáng cắp ô đi, tối cắp về”. Đến cơ quan chỉ ngồi tán gẫu hay lên mạng giải trí, thậm chí rủ nhau ra quán bia bọt, chè chén cũng không sao. Quản lý như vậy thì tiến độ công tác ì ạch là tất yếu. 

Để khắc phục tình trạng này, theo chúng tôi cần :

Quy định phạm vi,  nhiệm vụ, quyền hạn từng cơ quan, bộ phận trong bộ máy hành chính Nhà nước thật cụ thể, rành mạch, rõ ràng; sao cho không chồng chéo lên nhau. Những quy định này cần niêm yết công khai trước cửa cơ quan để người dân nắm được mà giao dịch đúng cửa, không bị đùn đẩy sang cơ quan, đơn vị khác. Đồng thời để người dân giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị có đúng, đầy đủ không ? 

Xác định phạm vi công việc của từng bộ phận, từng vị trí việc làm thật rõ ràng, cụ thể để nâng cao trách nhiệm của mỗi bộ phận, mỗi cá nhân và dễ dàng cho việc đánh giá, kiểm tra, đôn đốc của cấp trên.

Quản lý chặt chẽ ngày công, giờ công cùng kết quả công việc cụ thể hàng ngày của mỗi người để trên cơ sở đó mà xây dựng định mức lao động cho từng vị trí việc làm, cũng như định biên cho đơn vị một cách khoa học, hợp lý. Muốn vậy phải in cho mỗi người một cuốn sổ nhật ký công tác trong năm với ba buổi : sáng, chiều, tối cho từng ngày. Mỗi buổi có các cột mục: thời gian, công việc, kết quả. Cuối tuần sổ này nộp cho Thủ trưởng và Chủ tịch Công đoàn kiểm tra, đánh giá, xếp loại để làm cơ sở cho việc xếp loại thi đua cho mỗi cá nhân theo định kỳ một cách chính xác, công bằng, ổn thỏa. Cần làm công tác tư tưởng cho mọi người ghi nhật ký một cách trung thực. Khi lãnh đạo đánh giá cần chú ý đến khối lượng, chất lượng công việc là chính chứ không lấy thời gian làm việc là chính. Tại sao ở lĩnh vực sản xuất vật chất, người lao động phải giao nộp sản phẩm hàng ngày để làm cơ sở cho việc tính lương; còn ở lĩnh vực sự nghiệp hành chính lại tùy tiện, không ghi công xếp loại lao động thường xuyên ? Đây chẳng phải là kẽ hở đẻ ra những kẻ “sáng cắp ô đi, tối cắp về” đó sao ?

Tổng hợp ngày công giờ công của tất cả các sổ nhật ký công tác qua một năm của đơn vị, có thể xây dựng được định mức lao động cho mỗi vị trí việc làm, cũng như định biên cho đơn vị một cách khoa học. Từ việc xây dựng được định mức biên chế hợp lý cho đơn vị, chúng ta tiến hành tinh giản biên chế dễ dàng bằng cách những người bị xếp loại thi đua thấp sẽ đưa ra khỏi cơ quan một cách khách quan, công bằng, ổn thỏa .

Nếu Bộ Nội vụ chỉ đạo tiến hành thực hiện nghiêm túc 4 biện pháp trên đây thì việc tinh giản biên chế sẽ diễn ra một cách bình thường, êm thắm, không tốn kém kinh phí là mấy.  Những người dôi dư sẽ chuyển làm công tác khác. Biên chế cơ quan đã có định mức rõ ràng nên không thể tùy tiện phình ra. Việc tuyển dụng sẽ thi theo Luật .

Điều lưu ý là sổ nhật ký công tác của mỗi người sẽ được duy trì mãi mãi để quản lý cán bộ, công nhân, viên chức được chặt chẽ và có căn cứ để điều chỉnh biên chế khi cần. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác của mỗi người vì mỗi ngày họ phải tự kiểm điểm đánh giá về mình qua nhật ký./.

 Vũ Duy Yên (TC Tuyên giáo)