banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Tiền lương chưa tạo động lực cho người lao động nâng cao tay nghề!
Cập nhật lúc 10:34 ngày 27/05/2016

“Chính sách tiền lương chưa tạo động lực cho người lao động (NLĐ) tự nâng cao tay nghề, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) hiện nay chưa phát huy được vai trò đào tạo lại để NLĐ quay trở lại thị trường lao động” - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính nêu quan điểm tại hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp (KCN) và khu chế xuất (KCX) ở Việt Nam” diễn ra vào sáng 26.5 tại TPHCM do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ GDĐT, Bộ LĐTBXH, Chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) tổ chức.


DN cần tham gia vào quá trình đào tạo nghề cho LĐ.

Doanh nghiệp thiếu nguồn lao động chất lượng

Hiện nay, cả nước có hơn 300 KCN-KCX với hơn 2 triệu lao động làm việc. Trong đó, 80% là lao động phổ thông. Theo TS Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - hiện nay công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ CN có tay nghề còn nhiều yếu kém, chất lượng và cơ cấu nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu và nhu cầu của doanh nghiệp (DN). “Những năm gần đây khoảng 80% số NLĐ trong KCN, KCX là lao động phổ thông (LĐPT). Nhiều lao động qua đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của DN. Do đó, rất nhiều DN, nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài, không muốn nhận sinh viên tốt nghiệp. Họ tự đào tạo lao động cho DN vì không tin tưởng vào chất lượng nhiều cơ sở đào tạo ở Việt Nam” - ông Đức nói.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - cho rằng: “Thực tế, vẫn còn nhiều DN chỉ muốn tuyển LĐPT, không qua đào tạo nghề, một phần vì tính chất công việc của sản xuất, phần khác vì NLĐ qua đào tạo phải trả lương cao”.

Theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - hiện nay chính sách tiền lương và BHTN chưa khuyến khích được NLĐ nâng cao tay nghề. “Tiền lương bị “chẻ” ra nhiều khoản, gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp, không có sự chênh lệch mức lương giữa NLĐ đã qua đào tạo nghề và chưa qua đào tạo nghề hoặc bậc thợ. DN xây dựng thang bảng lương để đối phó, mỗi bậc thợ hơn nhau vài chục ngàn đồng mà có đến mấy chục bậc, NLĐ làm cả đời cũng không tăng lương được bao nhiêu. Nếu trước đây, qua các cuộc thi tay nghề, NLĐ đạt yêu cầu sẽ được nâng bậc lương, bậc thợ nhưng hiện nay, các phong trào thi tay nghề, luyện tay nghề đếm trên đầu ngón tay. NLĐ không có động lực để nâng cao tay nghề cho bản thân” - ông Mai Đức Chính nói.

Bên cạnh đó, theo ông Chính, chính sách BHTN hiện nay đang đi chệch hướng khi hiện nay quỹ BHTN chủ yếu là để chi trả trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ mà chưa làm được công tác đào tạo để NLĐ quay trở lại thị trường lao động với một công việc tốt hơn, trình độ cao hơn.

Cần mạnh dạn vượt qua những rào cản của văn bản, cơ chế

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để nâng cao chất lượng nhân lực trực tiếp cho các KCN, KCX, cần khuyến khích hình thành các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm đào tạo tại KCN, xây dựng mô hình “trường trong DN”.

TS Lê Hồng Huyên - Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương - cho rằng: Cần xác định rõ, đào tạo nghề phải theo nguyên tắc thị trường, theo “cầu” chứ không phải theo “cung” như hiện nay. “Phải xóa bỏ tư duy về bao cấp dạy nghề kiểu xin-cho, cần coi dạy nghề là hoạt động theo nguyên tắc thị trường” - TS Huyên nói.

Ông Host Sumer - GĐ Tổ chức Hợp tác phát triển nghề CHLB Đức - khá ngạc nhiên khi không thấy vai trò của DN trong công tác đào tạo nghề ở Việt Nam. Ông Sumer nói: “Nên thu hút DN tham gia vào hoạt động đào tạo nghề ở từng công đoạn. Ví dụ, DN có thể tham gia vào xây dựng tiêu chuẩn nghề và kiểm tra xem quá trình đào tạo tại trường có phù hợp với DN không? Có DN tham gia vào hoạt động đào tạo nghề mới đánh giá được tiêu chuẩn, văn hóa nghề, tác phong nghề nghiệp có phù hợp với thực tiễn”.

TS Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật - Công nghệ TPHCM - chia sẻ, về mô hình đào tạo hợp tác cho lĩnh vực xử lý nước thải hợp tác giữa Đức và Việt Nam trong lúc cơ chế chính sách, văn bản chưa đồng bộ giữa các ngành, bộ thì phải phát huy tính chủ động để đáp ứng nhu cầu cho học viên và DN. Qua đó, cũng rất cần sự hỗ trợ của DN trong công tác đào tạo nghề.

Nguồn Báo Lao động