banner2019
 
Thứ hai, ngày 13 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 13 tháng 01 năm 2025
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 25/3
Cập nhật lúc 05:31 ngày 25/03/2016
Trong ngày 25 tháng 3 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ba doanh nghiệp Việt không bán phá giá ống thép hàn không gỉ vào Thổ Nhĩ Kỳ; Hai doanh nghiệp xăng dầu có bị thu thuế, phạt oan hàng trăm tỉ đồng?; Doanh nghiệp nhựa trong nước buộc phải lớn lên để cứu lấy mình; Xử lý nghiêm việc mua bán máy móc cấm nhập khẩu tại Tân Bình (TP.HCM); Thêm một công ty xin trả lại giấy phép bán hàng đa cấp.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Ba doanh nghiệp Việt không bán phá giá ống thép hàn không gỉ vào Thổ Nhĩ Kỳ.


Ngày 24/3, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương cho biết, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã có quyết định cuối cùng về việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, 3 doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã được kết luận không bán phá giá. Trước đó, ngày 12/12/2014, Tổng vụ Nhập khẩu Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, do nghi ngờ có hiện tượng lẩn tránh thuế chống bán phá giá đang được Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với Trung Quốc từ năm 2006.

Trong bản kết luận cuối cùng, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ xác định có 3 nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam đã tự sản xuất sản phẩm bị điều tra và không thực hiện bất kỳ giao dịch lẩn tránh thuế chống bán phá giá nào, do đó được kết luận là không có hành vi lẩn tránh thuế. Các công ty khác cũng có sản phẩm ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ do không hợp tác trả lời đầy đủ bản câu hỏi/cung cấp thiếu thông tin nên bị coi là không hợp tác và bị sử dụng các dữ liệu sẵn có để xác định việc lẩn tránh thuế. Do đó, mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng với ống thép hàn không gỉ cuộn cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc (25,27%) cũng sẽ được áp dụng đối với các công ty này.

2. Hai doanh nghiệp xăng dầu có bị thu thuế, phạt oan hàng trăm tỉ đồng?

Cuối năm 2015, Chi cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Hải quan Hải Phòng đã ra quyết định ấn định thuế, quyết định phạt nộp chậm thuế với 2 công ty đầu mối nhập khẩu xăng dầu là Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hai thành viên của Hiệp hội Xăng dầu này đã tạm nộp theo quyết định của Hải quan Hải Phòng nhưng số tiền "tạm nộp" đó hiện được cho là rất khó để đòi lại.  Theo Báo điện tử Dân trí, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương "kêu khổ" cho 2 thành viên của Hiệp hội này bị ấn định thuế, phạt chậm nộp thuế hàng trăm tỉ đồng.

Về phía cơ quan Hải quan, việc một số lô hàng xăng dầu nhập về bị ấn định mức thu thuế và phạt do chậm nộp như một số lô hàng nhập từ Singapore về của PV Oil là do các lô hàng này "không đủ điều kiện để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt" do không có sự thống nhất trong việc ghi xuất xứ trên một số ô của C/O cấp cho lô hàng nhập về. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lại có văn bản gửi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho rằng, các lô hàng này là hợp lệ.

Được biết, ngoài số lô hàng của PV Oil hiện vẫn chưa được hoàn thuế với số tiền trên 51,1 tỉ đồng nêu trên, số lô hàng cũng chưa được hoàn trả tiền thuế của Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà cũng rất lớn, lên tới hàng trăm tỉ đồng nhưng Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam không nêu rõ trong văn bản "kêu khổ" cho doanh nghiệp này.

3. Doanh nghiệp nhựa trong nước buộc phải lớn lên để cứu lấy mình.

Thị trường nhựa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao, có không ít doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Trong lĩnh vực nhựa xây dựng có Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh; nhựa gia dụng có Duy Tân, Đại Đồng Tiến; bao bì nhựa có Tân Tiến, Ngọc Nghĩa hay túi nhựa sinh học có Nhựa An Phát... Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, những doanh nghiệp tiềm năng nhưng quy mô nhỏ rất dễ bị thâu tóm. Trước sức ép cạnh tranh, hiện nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong ngành nhựa đã bán một phần hoặc bán hết cho đối thủ nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhựa trong nước đang có nhiều động thái thay đổi phát triển chính mình để tận dụng được những lợi thế cũng như phát triển lâu dài thì các doanh nghiệp buộc phải mở rộng quy mô, tăng vốn, mua lại cổ phần… để củng cố được năng lực của mình để có thể tránh được nguy cơ bị thâu tóm. Cơ hội rất rộng mở nhưng chỉ thuộc về những doanh nghiệp có tiềm lực, chủ động nắm bắt thời thế.

4. Xử lý nghiêm việc mua bán máy móc cấm nhập khẩu tại Tân Bình (TP.HCM).


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về kết quả kiểm tra, xác minh phản ánh của Đài Truyền hình Việt Nam về việc máy móc, thiết bị cấm nhập khẩu được bán tràn lan. Xét báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Công an, Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để xử lý các kiến nghị trên theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp tỉnh, cơ quan chức năng tập trung triển khai thực hiện; bảo đảm quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, mua bán các loại hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

5. Thêm một công ty xin trả lại giấy phép bán hàng đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa thông báo nhận được hồ sơ của Vi Na Linh về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp. Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu, thương mại Vi Na Linh được thành lập năm 2007 tại TP.HCM. Địa điểm hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tại số 39 Nguyễn Bá Tòng (phường 11, quận Tân Bình, TP HCM). Theo trình bày của Vi Na Linh, từ ngày 10/3/2016, doanh nghiệp này đã ngừng mọi hoạt động liên quan đến đa cấp.

Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi ban hành văn bản tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, Vi Na Linh phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật. Đây là công ty thứ 6 dừng hoạt động kinh doanh đa cấp kể từ sau vụ Công ty đa cấp Liên Kết Việt lừa người dân 1.900 tỷ đồng bị phanh phui. Gần đây, Bộ Công Thương liên tục rút giấy phép của nhiều công ty đa cấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đáng chú ý một vài công ty đa cấp cũng tự nguyện xin ngừng hoạt động bán hàng theo hình thức này.

Hiện đã có 5 công ty bị rút giấy phép gồm: Công ty Liên kết sản xuất-thương mại Việt Nam (Liên Kết Việt), Công ty sản xuất thương mại Con đường Việt; Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 56B; Công ty New Power Việt Nam; Công ty xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế TNC.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)