banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
CĐ cơ sở là chỗ dựa cho người lao động
Cập nhật lúc 03:28 ngày 08/11/2015

Pháp luật lao động quy định các chủ thể tham gia trong quan hệ lao động ở các doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm, song trong thực tế, vị thế của người lao động luôn ở thế yếu, bởi lẽ họ chỉ là những người bán hàng hóa sức lao động, làm công ăn lương do chủ doanh nghiệp trả, nhưng ở nhiều nơi nhất là khu vực ngoài Nhà nước tiền lương không đảm bảo, có nơi vi phạm nghiêm trọng pháp luật lao động làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và tâm tư tình cảm của CNLĐ.

 

Để bảo vệ người lao động có hiệu quả, đòi hỏi đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp cần nắm vững chế độ, chính sách pháp luật liên quan đến CNLĐ và công đoàn nhằm thực hiện tốt quyền công đoàn cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của CNLĐ tại doanh nghiệp; thường xuyên có các hình thức tổ chức phù hợp để tuyên truyền phổ biến cho người lao động về Luật Công đoàn, Luật lao động, các chế độ, chính sách, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của CNLĐ, người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về lao động; kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ CNLĐ giao kết hợp đồng lao động cá nhân đảm bảo thể hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khi mới tuyển dụng, tích cực xây dựng thỏa ước lao động tập thể… Đây là căn cứ pháp lý quan trọng bảo vệ người lao động khi xảy ra tranh chấp lao động.

Ban Chấp hành công đoàn cơ sở cần làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, yêu cầu thực hiện đúng, đủ, kịp thời cho CNLĐ như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, BHXH, BHTN, bảo hộ lao động, giải quyết chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản… và yêu cầu người sử dụng lao động giải quyết các khiếu nại, tố cáo đồng thời tham gia một cách chủ động, có hiệu quả trong công tác hòa giải lao động ở cơ sở, tránh để xảy ra đình công, lãn công trong doanh nghiệp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phối hợp với chủ doanh nghiệp thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, để CNLĐ trực tiếp tham gia quản lý doanh nghiệp thông qua tổ chức tốt phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đây là biện pháp tổng hợp có hiệu quả thiết thực nhất vì nó gắn với quyền và trách nhiệm của CNLĐ tại doanh nghiệp. CNLĐ được trực tiếp tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất – kinh doanh của đơn vị, cùng tham gia quản lý vật tư, kỹ thuật, tài chính từ đó CNLĐ sẽ có ý thức tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm uy tín và thương hiệu doanh nghiệp, qua đó làm cho người lao động thấy rõ lợi ích cá nhân của mình gắn liền với kết quả sản xuất kinh doanh từ đó góp phần thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm cá nhân.

Trong mỗi doanh nghiệp cần phải có đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có bản lĩnh chính trị, nhiệt tình, có năng lực trình độ, có chuyên môn cao, hiểu biết pháp luật, năng động trong hoạt động kinh tế, có uy tín và có phương pháp hoạt động mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của công đoàn tại doanh nghiệp. Do vậy, ở mỗi kỳ đại hội CĐCS người lao động cần phải lựa chọn người đủ phẩm chất đó để bầu vào ban chấp hành nhằm hoạt hoạt động có hiệu quả, chăm lo và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.