banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
An toàn lao động: Phụ thuộc vào nhận thức của doanh nghiệp
Cập nhật lúc 04:13 ngày 03/11/2015

Theo điều tra mới nhất của Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB-XH) về cải thiện điều kiện lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), chỉ 20% DN có điều kiện lao động đạt yêu cầu; 80% DN có điều kiện lao động chưa đạt yêu cầu.

Điều này một lần nữa cho thấy công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức về VSATLĐ trong các DNNVV trở lên cần thiết hơn bao giờ hết.


Cùng với các bộ, ban, ngành liên quan thực hiện chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, với nhiệm vụ thực hiện dự án "Nâng cao chất lượng công tác BHLĐ trong các DNNVV" VCCI cũng đang nỗ lực hỗ trợ, đào tạo, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cho các DNNVV.

Thách thức từ phía DN

Theo các chuyên gia về ATVSLĐ, con số 80% DNNVV chưa quan tâm tới ATVSLĐ có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân chính là do đa số họ là các DN mới thành lập, vốn ít, quy mô nhỏ hẹp nên DN này thường yếu kém trong việc đáp ứng với nhu cầu và yêu cầu thay đổi đầu tư, cập nhật nâng cấp cơ sở. 

Thậm chí nhiều DN còn cố tình lơ là, bỏ qua việc huấn luyện an toàn lao động. Nguyên nhân khác được xác định là do nhận thức việc  lợi ích của việc tham gia huấn luyện ATVSLĐ còn chưa sát với quy mô thực tế, nên nhiều nơi chưa nhận thức được vai trò quan trọng của vấn đề này. Hậu quả là nhiều vụ tai nạn thương tâm và đáng tiếc đã liên tục diễn ra. Chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người lao động.

Nhiều DN cho biết, họ chưa hoàn toàn sẵn sàng cho việc trả phí và chủ động thuê tổ chức các lớp huấn luyện về cải thiện điều kiện lao động, mặc dù họ vẫn thừa nhận các hoạt động của về ATVSLĐ trong DN rất hữu ích cho sự phát triển của DN. Bên cạnh đó, cũng phải khẳng định rằng sự quan tâm của bản thân người lao động về công tác này chưa đúng mức. Họ không yêu cầu hay đòi hỏi chủ sử dụng lao động phải trang bị cho họ những vật dụng bảo hộ lao động tối thiểu khi làm việc, thậm chí ở một số DN có trang bị nhưng cũng chỉ làm vì, người lao động không sử dụng các trang bị bảo hộ lao động này.

Chia sẻ

Trước thực trạng trên, các bộ, ban, ngành liên quan đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện và nâng cao nhận thức của cộng đồng DN nói chung, đặc biệt là các DNNVV trong công tác ATVSLĐ. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, VCCI cũng đang thực hiện nhiều chương trình và được sự hưởng ứng nhiệt tình của các DN. 

Các hoạt động về tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động trong lĩnh vực an toàn lao động đang được VCCI đẩy mạnh. Nhiều hoạt động về đào tạo huấn luyện cũng đã được triển khai mạnh mẽ. Mục tiêu mà VCCI đặt ra là phấn đấu trên 60% người lao động của các DN hội viên VCCI được làm việc trong môi trường an toàn và vệ sinh, trên 60% DN hội viên của VCCI được nâng cao hiệu quả quản lý ATVSLĐ.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Giám đốc VP DN vì sự phát triển bền vững VCCI, đơn vị đầu mối thực hiện dự án "Nâng cao chất lượng công tác BHLĐ trong các DNNVV" của VCCI cho biết, VCCI đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là công tác đào tạo trang bị kiến thức về ATVSLĐ được VCCI đẩy mạnh như: tổ chức khóa đào tạo “Nâng cao chất lượng công tác bảo hộ lao động trong các DN nhỏ và vừa”; tập huấn “Nâng cao chất lượng cộng tác BHLĐ trong các DNNVV của khu vực đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; tổ chức Hội thảo “An toàn vệ sinh lao động - Chìa khóa thành công cho các DN” tại Hải Phòng... Qua đó các DN đã hiểu lợi ích của việc thực hiện ATVSLĐ trong DN để từ đó xây dựng các chiến lược cụ thể cho DN mình.

Các chuyên gia về VSATLĐ thuộc VCCI một lần nữa khuyên rằng, để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh, không có cách nào khác, các DN nên quan tâm hơn nữa tới công tác ATVSLĐ,  bởi thực  hiện tốt công tác An toàn – BHLĐ, quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và điều kiện lao động sẽ nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo tính bền vững của DN.