banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Xã hội hoá công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Cập nhật lúc 04:07 ngày 02/11/2015

Trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thì hoạt động tuyên truyền, huấn luyện có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, việc xã hội hoá hoạt động này là hết sức cần thiết, có ý nghĩa và hiệu quả to lớn với đối với công tác ATVSLĐ ở nước ta.

 

Nâng cao công tác huấn luyện về ATVSLĐ

Theo dự tính, đến năm 2010, cả nước sẽ có trên 300.000 DN với khoảng 10 triệu LĐ tham gia vào khu vực SX (95% là thuộc DN ngoài quốc doanh) cùng với sự chuyển dịch LĐ từ nông nghiệp sang công nghiệp đang ngày càng gia tăng. Muốn thực hiện tốt xã hội hoá công tác ATVSLĐ, trong đó có công tác tuyên tuyền, huấn luyện ATVSLĐ thì cần phải tiến hành đồng bộ giữa chức năng quản lý nhà nước với việc phát huy vai trò, sự đóng góp của các tầng lớp xã hội, các tầng lớp nhân dân vào công tác ATVSLĐ nói chung và tuyên truyền nói riêng.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vấn đề xã hội hoá công tác ATVSLĐ, chúng ta cần có những quy định, cơ chế cụ thể cho việc thực hiện xã hội hoá, trước hết là sự phân công, phân cấp giao trách nhiệm, quyền hạn cho các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan trong công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ. Song song với việc quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, trách nhiệm và nghĩa vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, TCty, các DN và người sử dụng LĐ, cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các tổ chức xã hội... để tạo cơ sở pháp lý cho sự tham gia của họ vào công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ.

Theo PGS-TS Nguyễn An Lương – Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam (VOSHA) - thì phải tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, các quy định của pháp luật về ATVSLĐ cho đông đảo các tầng lớp nhân dân thông qua việc huy động tốt sự tham gia của các cơ quan truyền thông đại chúng, nhằm dấy lên một phong trào quần chúng rộng rãi học tập, tìm hiểu các quy định, kiến thức về ATVSLĐ.

Đồng thời, cần tổ chức tốt việc biên soạn giáo trình, bài giảng cho các đối tượng khác nhau, áp dụng các phương pháp và phương tiện hiệu quả để nâng cao chất lượng các lớp huấn luyện về ATVSLĐ, phải nâng tầm môn học về ATVSLĐ có chất lượng tại các trường nghề một cách hiệu quả nhất.

Coi trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên

Tại nước ta, các DN vừa và nhỏ chiếm hơn 95% tổng số các DN trong cả nước, trong đó đại bộ phận là các DN thuộc khu vực ngoài nhà nước với những cơ sở kinh doanh nhỏ, riêng lẻ, không có cấp trên trực tiếp. Vì vậy, việc tổ chức các lớp huấn luyện về ATVSLĐ cho người sử dụng LĐ và NLĐ của DN vừa và nhỏ có ý nghĩa rất lớn đối với toàn bộ hoạt động tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ.

Muốn nâng cao tỉ lệ người sử dụng trong các DN vừa và nhỏ được huấn luyện ATVSLĐ thì trước hết phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Xây dựng kế hoạch mở các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ, hỗ trợ các DN tuyên truyền viên về ATVSLĐ cho NLĐ ngay tại đơn vị. Để làm tốt công tác huấn luyện ATVSLĐ cho hàng trăm nghìn DN với hàng chục triệu LĐ cần phải huy động một lực lượng đông đảo các tổ chức, cá nhân có chuyên môn về ATVSLĐ tham gia.

Trong khi đó, lực lượng này ở nước ta hiện nay quá mỏng, do đó tỉ lệ người sử dụng LĐ và NLĐ được huấn luyện ATVSLĐ hàng năm còn rất thấp. Do vậy, cần có cơ chế, tạo điều kiện để xã hội hoá công tác huấn luyện ATVSLĐ. Đồng thời cần hết sức coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có trình độ làm nhiệm vụ huấn luyện ATVSLĐ, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu huấn luyện ATVSLĐ cho các DN vừa và nhỏ - lực lượng đông đảo nhất đang cần được huấn luyện ATVSLĐ ở nước ta hiện nay.

 An Nguyên