banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
116 triệu lao động “trong bóng tối” các chuỗi cung ứng của những thương hiệu nổi tiếng thế giới
Cập nhật lúc 10:44 ngày 20/01/2016

116 triệu lao động đang “núp trong bóng tối” các chuỗi cung ứng toàn cầu của 50 tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng thế giới như Apple, Samsung, Wallmart… Những lao động trên chỉ được trả đồng lương ít ỏi, phải làm việc trong môi trường không an toàn, chỉ được hưởng ít quyền chính đáng, buộc phải làm quá giờ, chỉ được ký HĐLĐ ngắn hạn bấp bênh...


116 triệu lao động đang bị bóc lột trong các chuỗi cung ứng của 50 tập đoàn đa quốc gia, theo báo cáo của ITUC

Lợi nhuận khủng - trả lương thấp

Ngày 18.1, Tổng Công đoàn quốc tế (International Trade Union Confederation- ITUC) ngày 18.1 đã công bố báo cáo mang tên “Scandal- Inside the global supply chains of 50 top companies” (Tạm dịch: Bê bối- Bên trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của những Cty hàng đầu thế giới). Báo cáo này đã liệt ra danh sách 50 Cty hàng đầu thế giới đang có lực lượng “hidden workforce” (tạm dịch “lực lượng lao động ẩn”) lên tới 116 triệu người.

Khái niệm LĐ “ẩn” để chỉ những LĐ đang “núp trong bóng tối” của các chuỗi cung ứng toàn cầu của 50 Cty đa quốc gia. Họ chỉ được trả đồng lương ít ỏi, làm việc trong môi trường không an toàn, chỉ được hưởng ít quyền chính đáng, buộc phải làm quá giờ, chỉ được ký HĐLĐ ngắn hạn bấp bênh...

Báo cáo này được công bố 1 ngày trước Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức tại Davos (Thụy Sỹ). Theo báo cáo trên, các chuỗi cung ứng toàn cầu của 50 tập đoàn đa quốc chỉ có 6% số người có mối quan hệ việc làm trực tiếp; trong khi dựa vào một lực lượng “LĐ ẩn” lên tới 94%.

“Chỉ 50 Cty (trong đó có Samsung, McDonalds và Nestle) đã có doanh thu 3,4 nghìn tỷ USD, và họ có sức mạnh để giảm bớt sự bất bình đẳng. Thay vì làm vậy, các Cty này lại tạo ra một kiểu kinh doanh dựa trên lực lượng lao động “ẩn” lên tới 116 triệu LĐ”- Tổng Thư ký ITUC Sharan Burrow cho hay.

Báo cáo này đã phơi bày một mô hình kinh doanh thiếu bền vững “phủ sóng” ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và “điểm mặt” 25 Cty có trụ sở tại Châu Á, Châu Âu và Mỹ.

Cụ thể, số tiền mặt trị giá 387 tỷ USD của 25 Cty có thể dùng để tăng lương cho 71,3 triệu “lao động ẩn” với số tiền lương là hơn 5.000 USD một năm. Tài sản của 24 Cty có trụ sở tại Mỹ (trong đó có Amazon, Walmart và Walt Disney) có thể mua được cả đất nước Canada; 9 Cty có trụ sở tại châu Á (như Foxconn, Samsung, Woolworths…) có tổng lợi nhuận là 705 tỷ USD, tương đương với giá của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. 17 Cty tại Châu Âu (như Siemens, Deutsche Post, G4S) có lợi nhuận 789 tỷ USD, tương đương với giá trị của Malaysia).

Lợi nhuận dựa trên việc chi trả bởi đồng lương thấp, không đủ sống cho NLĐ; lợi nhuận đánh đổi bởi môi trường làm việc không an toàn cho NLĐ (dẫn đến họ bị thương tật và tử vong); lợi nhuận được tạo bởi trốn thuế và có liên quan đến phá hủy môi trường và cộng đồng”- Theo Tổng Thư ký ITUC nói và cho biết thêm, khi các Cty không trả mức lương thỏa mãn nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ thì rõ ràng đã đẩy NLĐ và gia đình của họ phải sống trong đói nghèo.

Kế hoạch 4 bước

Một ví dụ từ bản báo cáo, đó là Apple- Cty vốn nổi danh thế giới với các sản phẩm như iPhone, iPad, Mac, iPod. Theo báo cáo của ITUC, Apple có khoảng 98.000 nhân viên; và có khoảng 1,6-2,3 triệu lao động trong các chuỗi cung ứng của mình. Mặc dù là thương hiệu nổi tiếng, nhưng đã có rất nhiều chỉ trích hướng về Apple liên quan đến điều kiện làm việc tại chuỗi cung ứng của Cty này. Đó là những báo cáo về việc công nhân phải làm việc 60 giờ/tuần; tình trạng tự tử của CN; lao động trẻ em; giữ tiền lương của CN; phân biệt đối xử với phụ nữ và nhóm thiểu số; đánh đập công nhân…Apple đã khắc phục một vài tình trạng trên, nhưng những đánh giá cả bên trong và từ phía ngoài đối với các chuỗi cung ứng trên vẫn cho thấy CN vẫn bị trả lương thấp; phải làm việc quá giờ; vẫn có tình trạng lao động cưỡng bức; tổn thương của lao động di cư; thiếu sự hiện diện của người lao động trong các ủy ban về sức khỏe và sự an toàn.

Báo cáo của ITUC

Bản báo cáo cũng nêu lên trường hợp Cty Samsung. Cty này có 286.000 nhân viên; số lượng CN trong chuỗi cung ứng của Samsung ước tính là 1,5 triệu người. Hoạt động của Cty này trải dài tận 220 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, và gần 2/3 LĐ là ở châu Á. Samsung đã bị chỉ trích về việc chống đối lại tổ chức CĐ của CN và có chính sách nói không với tổ chức CĐ. Vào năm 2011, 2 Cty của Samsung Electronics đã tự tử bằng cách nhảy xuống từ ký túc xá của Cty. Vào năm 2014, Cty đã đồng ý bồi thường cho một CN từng làm việc tại Cty vì bị mắc bệnh ung thư liên quan đến phơi nhiễm hóa chất, không phải tất cả trường hợp đều được như vậy. ..

ITUC đưa ra 5 khuyến cáo cho các Cty nằm trong danh sách để giải quyết tình trạng tồi tệ này. Bên cạnh đó, Tổng thư ký ITUC (cũng là đồng Chủ tọa tại Diễn đàn kinh tế thế giới) cho biết các lãnh đạo CĐ tại Diễn đàn này sẽ đưa ra kế hoạch 4 bước nhằm thay đổi hiện trạng. Kế hoạch này sẽ bao gồm việc các Cty đảm bảo việc phân chia công bằng lợi nhuận thông qua lương đảm bảo sức sống tối thiểu và thông qua thương lượng tập thể; các tiêu chuẩn an toàn cần thiết; và các chính phủ đặt ưu tiên phẩm giá trong “sàn bảo trợ xã hội” dành cho người dân.

“Chỉ bằng cách phơi bày cho người tiêu dùng và người dân trên toàn thế giới biết cung cách hoạt động của các Cty trên thì mới khiến các Cty bắt đầu phải chịu trách nhiệm với các chuỗi cung ứng toàn cầu của mình và tuân thủ theo luật pháp”- Tổng thư ký ITUC nói thêm.

Nguồn Báo Lao động