banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước
Cập nhật lúc 03:38 ngày 18/10/2015

Xuyên suốt lịch sử giữ nước và xây dựng đất nước, người phụ nữ Việt Nam có vai hết sức quan trọng. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, người phụ nữ cũng luôn vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến và luôn vững chắc.

Ngày nay, đất nước đang thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (CNH, HĐH), lại tiếp tục không thể thiếu vắng vai trò của người phụ nữ. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu thời đại này, đòi hỏi chị em phải không ngừng trau dồi phẩm chất, đạo đức, học tập và rèn luyện.

 

Người phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH - HĐH đất nước

Nói đến người phụ nữ Việt Nam, bốn đức tính người ta luôn nhắc đến là công, dung, ngôn, hạnh. Từ 4 đức tính đó mà người phụ nữ Việt Nam đã làm nên lịch sử, đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ và dựng xây quê hương. Cũng chính vì thế mà người phụ nữ luôn được tôn vinh. Tuy nhiên, điều khiến dư luận bức xúc, trăn trở trong những năm gần đây là khi đất nước đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, khi đang cần sự vào cuộc quyết liệt của các tầng lớp nhân dân để tạo bước đột phá phát triển đất nước hơn bao giờ hết thì không ít phụ nữ lại đang bị xói mòn về phẩm chất, đạo đức. Ngày ngày, trên các mặt báo xuất hiện khá dày hình ảnh những người phụ nữ vi phạm pháp luật, buôn bán trẻ em, ma túy, hốt “tín dụng đen”; phụ nữ giết chồng, giết con; các hình ảnh rao bán phụ nữ qua mạng; tìm chồng giàu, chồng ngoại…

Nhằm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và ngăn chặn nguy cơ xói mòn về phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, ngày 12/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước giai đoạn 2010-2015”.

Đề án hướng đến tập trung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ theo 5 tiêu chí: Có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và giàu lòng nhân hậu.

Ngay sau khi đề án ra đời, bám sát tình hình thực tiễn Hà Tĩnh, BTV Hội LHPN tỉnh đã thống nhất với các ban, ngành liên quan, trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập BCĐ chung cho 3 đề án của Chính phủ, bao gồm: Đề án về “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm”; đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước” và đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010 -2015. Đồng thời, Hội LHPN tỉnh cũng đã chủ động xây dựng tài liệu hỏi - đáp về "Chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước" chuyển đến 100% xã phường, chi hội học tập; tổ chức quán triệt nội dung đến đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện. Và thông qua đội ngũ này, 100% Hội cơ sở đã gắn sinh hoạt hàng tháng truyền thông nội dung tài liệu đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Hội cũng đã phối hợp với Trung ương Hội tổ chức tập huấn cho 75 báo cáo viên cấp tỉnh, 12 huyện, thị, thành phố trực thuộc về các kỹ năng sống, giáo dục gia đình trong thời kỳ mới; các kỹ năng, phương pháp truyền thông giáo dục mới; văn hoá gia đình Việt nam, "tứ đức" người phụ nữ truyền thống- hiện đại. Ngoài ra, tỉnh Hội cũng đã hỗ trợ cho các huyện, thị, thành phố 48 triệu đồng để triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông tại cơ sở.

Để nội dung giáo dục tạo sức lan toả trong cộng đồng, tỉnh Hội đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức các cấp hội cơ sở tổ chức hội thi hát dân ca lồng ghép truyền thông về chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước; thành lập các CLB đọc sách, báo, CLB phụ nữ với pháp luật, xây dựng các tủ sách chuyên đề về phụ nữ...

Các huyện, thị, thành phố cũng đã thành lập BCĐ đề án và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2011 và những năm tiếp theo phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng đối tượng, địa bàn; đã tổ chức tuyên truyền đến tận cơ sở với nhiều hình thức. Chị Hà Thị Lan – Chủ tịch Hội LHPN Kỳ Anh cho biết: “Mặc dù không được tỉnh Hội chọn làm chỉ đạo điểm triển khai đề án nhưng chúng tôi đã chủ động lồng ghép nội dung trong các hoạt động. Đặc biệt, chúng tôi đã lồng ghép tuyên truyền về phẩm chất, đạo đức người phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong các hội thi về xây dựng nông thôn mới, để chị em hiểu rõ vai trò, vị thế của mình trong cuộc xây dựng địa phương hiện nay, từ đó ý thức sâu sắc hơn về sự rèn luyện, thể hiện trách nhiệm. Nhìn chung, hoạt động của đề án rất cần thiết, phù hợp và thiết thực. Chị em đều đồng tình hưởng ứng”.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đây là đề án lớn, có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh đất nước hiện nay. Bước đầu triển khai đề án tại tỉnh ta đã có nhiều thuận lợi như đã nhận được sự quan tâm trong các tầng lớp phụ nữ; cấp uỷ, chính quyền và xã hội đánh giá cao sự chủ động, chuyển hướng truyền thông giáo dục có trọng tâm, góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra trong xã hội hiện đại; các đơn vị chủ động triển khai, lồng ghép, huy động nguồn lực để thực hiện... Mục tiêu của đề án từ nay đến năm 2015: Có trên 70% phụ nữ và trên 95% hội viên phụ nữ, nữ thanh niên, nữ cán bộ, nữ công chức, nữ viên chức, nữ công nhân được tuyên truyền, giáo dục về phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy CNH, HĐH đất nước; trên 95% báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội, Đoàn Thanh niên, công đoàn các cấp, đội ngũ quản lý, giáo viên, phóng viên, cán bộ của ngành giáo dục, cơ quan truyền thông, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phụ trách mảng đề tài phụ nữ từ cấp xã trở lên được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.

Hội LHPN tỉnh xác định, đây không chỉ là một đề án chỉ tập trung cho một nhiệm kỳ (2011-2016) mà sẽ triển khai hoạt động trở thành phong trào của Hội, trong đó sẽ tập trung xây dựng phẩm chất người phụ nữ với khẩu hiệu: “Phụ nữ Việt Nam tự tin, tự trọng, đảm đang, trung hậu”, nghĩa là, người phụ nữ biết tuân thủ pháp luật, tuân thủ các chuẩn mực giá trị đạo đức, sống không dựa dẫm, biết vươn lên khẳng định mình. Điều này hướng đến mục tiêu chung là xây dựng người phụ nữ Việt Nam “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong công cuộc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, vừa bảo đảm nòng cốt xây dựng “tế bào xã hội” vững chắc, làm nền tảng cho địa phương, đất nước phát triển bền vững.

 HaTinhOnline