banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Xây dựng mối quan hệ lao động trong ngành Công Thương: Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn
Cập nhật lúc 12:51 ngày 16/11/2015

Tại Hội thảo “Quan hệ lao động hài hòa” do Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) và Hội đồng Công đoàn kim khí Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 10 - 11/11 tại Hà Nội, bà Lê Thị Tâm - Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, CĐCTVN khẳng định vai trò của tổ chức công đoàn trong xây dựng mối quan hệ lao động ngày càng được phát huy.  


CĐ các cấp ngày càng quan tâm tới việc bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ

CĐCTVN hiện đang quản lý 16 công đoàn cấp trên cơ sở (15 đơn vị sản xuất - kinh doanh, 1 đơn vị sự nghiệp hành chính) và quản lý trực tiếp 148 công đoàn cơ sở (108 đơn vị sản xuất - kinh doanh, 44 đơn vị hành chính sự nghiệp). Tổng số lao động của toàn ngành khoảng 17.000 người.

Theo thống kê của CĐCTVN, tình hình tranh chấp lao động trong ngành tính từ năm 2008 đến nay đã có 4 trường hợp xảy ra với diễn biến ngừng việc tập thể, đòi tăng lương, giảm giờ làm và cải thiện bữa ăn. Các cuộc tranh chấp này xảy ra tại: Công ty CP Xuất nhập khẩu da giầy Sài Gòn (năm 2008), Công ty CP Giày Yên Viên (năm 2008), Công ty CP TNHH Phụ tùng xe máy ôtô Machino (năm 2010) và Công ty CP Giày Đông Anh (2011). Nguyên nhân chính của những cuộc đình công này là do mức thu nhập còn khá thấp so với thành quả làm ra. Trong khi đó, những thương lượng ký kết về thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng mong muốn chính đáng của người lao động. Tại nhiều doanh nghiệp, TƯLĐTT không còn phù hợp nhưng vẫn áp dụng...

Tuy nhiên, đánh giá chung về tình hình quan hệ lao động hiện nay trong ngành Công Thương Việt Nam theo bà Lê Thị Tâm là “tương đối ổn định”. Có được điều này là do CĐCTVN đã xây dựng Văn phòng tư vấn pháp luật lao động, hệ thống văn bản chỉ đạo; công tác tư vấn pháp luật ngày càng được triển khai mạnh mẽ và hoàn thiện, phù hợp với cuộc sống thực tiễn...

Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế, sau khi Việt Nam đã ký kết thành công các hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), công đoàn các cấp ngày càng quan tâm đến công tác pháp luật, coi đó là phương tiện hữu hiệu để thực hiện chức năng chính của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Đại đa số các doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương đã quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động. Trình độ học vấn chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề của người lao động cũng từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc.

Việc thực hiện ký kết TƯLĐTT không ngừng được nâng cao về chất lượng cũng như số lượng. Nội dung các bản TƯLĐTT đã từng bước hạn chế được tính hình thức. Điều này cho thấy, các bên liên quan đều đang dần nhận thức được tầm quan trọng của việc thương lượng, ký kết các TƯLĐTT tại doanh nghiệp, góp phần quan trọng tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Thông qua việc ký kết các TƯLĐTT, quyền dân chủ, ý thức trách nhiệm, tính tổ chức kỷ luật của người lao động ngày càng được nâng cao. Người lao động ngành Công Thương đã mạnh dạn góp ý, đề xuất ý kiến vào các kế hoạch sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, tham gia vào thực hiện chế độ, chính sách như: Quy chế trả tiền lương, trả thưởng; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội...; sử dụng và phân phối các quỹ phúc lợi… Điều này đã góp phần thúc đẩy sản xuất - kinh doanh của chính doanh nghiệp.

Vai trò của tổ chức CĐCTVN trong xây dựng mối quan hệ lao động ngày càng được phát huy, thể hiện trong việc tham gia tích cực với người sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách pháp luật, chế độ lương - thưởng, quy chế dân chủ, chú trọng công tác an toàn vệ sinh lao động nhằm hạn chế mức thấp nhất tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.