banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Vai trò Công đoàn trong cơ quan quản lý nhà nước
Cập nhật lúc 02:17 ngày 04/09/2015

Công đoàn Việt Nam tiền thân là Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, được thành lập ngày 28 tháng 7 năm 1929, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Công đoàn nằm trong hệ thống chính trị của Việt Nam, là một tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, đội ngũ trí thức và những người lao động tự nguyện lập ra. Công  đoàn hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và trong khuôn khổ Hiến pháp, Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Vai trò vị trí của Công đoàn được Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “ Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

Như vậy trong hệ thống chính trị các cơ quan nhà nước, Công đoàn được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng cùng cấp và Công đoàn cấp trên trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ công chức, viên chức và người lao động (CBCCVC-LĐ), vì vậy tổ chức Công đoàn có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

- Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Giáo dục nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, pháp luật, khoa học kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCCVC-LĐ.

- Tổ chức vận động CBCCVC-LĐ trong cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của CBCCVC-LĐ, tham gia quản lý cơ quan, đơn vị cải tiến lề lối làm việc và cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

- Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên, CBCCVC-LĐ. Hướng dẫn giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động.

- Cùng với lãnh đạo cơ quan, đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện trong CBCCVC-LĐ. 

- Phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức hội nghị cán bộ công chức cơ quan, đơn vị; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, CBCCVC-LĐ. 

- Đấu tranh ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn xã hội, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết các tranh chấp lao động và thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở theo quy định của pháp luật.             

- Phát triển quản lý đoàn viên; xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng tổ chức Đảng ở cơ quan, đơn vị luôn trong sạch vững mạnh./.

                                                                                                               Võ Văn Thiệu