banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Bác Hồ với công tác phụ nữ
Cập nhật lúc 04:03 ngày 02/07/2015

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác Hồ luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, bình đẳng và tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam.

Với Bác, giải phóng phụ nữ luôn gắn chặt với giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Và đó chính là con đường xóa bỏ áp bức, bóc lột, nghèo nàn, bất bình đẳng. Như vậy, sự nghiệp giải phóng phụ nữ phải gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp.

 

Người luôn tự hào rằng “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng... Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”, cả trong kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ “ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ”. “Từ trước đến nay phụ nữ Việt Nam ta có rất nhiều đóng góp cho cách mạng, phụ nữ ta rất đáng kính, phụ nữ ta đã có nhiều tiến bộ”. Tuy nhiên, “Bác còn mong phụ nữ tiến bộ nhiều hơn nữa”.

Người chỉ ra rằng: “Hiện nay, trong các ngành, số phụ nữ tham gia còn ít. Đảng và Chính phủ rất hoan nghênh, sẵn sàng cất nhắc và giao cho phụ nữ những chức trách quan trọng. Muốn vậy, bản thân phụ nữ phải: Gắng học tập chính trị, học tập văn hóa kỹ thuật; nâng cao tinh thần yêu nước và giá ngộ XHCN; hăng hái thi đua thực hiện “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng giai đình”. Chúc chị em phụ nữ cố gắng học tập, tiến bộ nhiều, tiến bộ mãi để xứng đáng làm chủ nước nhà” (Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ tích cực Thủ đô lần thứ hai 8/3/1960).

Đặt vấn đề giải phóng phụ nữ, Người không nói chung chung mà đã quan tâm đến những quyền lợi thiết thân nhất đối với phụ nữ trên hai lĩnh vực cơ bản: Trong hoạt động sản xuất, xã hội và trong hôn nhân gia đình. Người phụ nữ Việt Nam từ xã xưa đã đóng vai trò quan trọng trong lao động sản xuất nhưng dưới thời phong kiến, thực dân, lao động của phụ nữ vẫn bị xem nhẹ. Họ lao động nhưng là cách thể hiện bản năng kiếm sống cho bản thân và gia đình, với tư thế của người nô lệ. Cách mạng Tháng 8/1945 đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam và là lần đầu tiên người phụ nữ Việt Nam được thực hiện các quyền tự do, dân chủ của con người một cách đích thực, bước đầu đem lại quyền bình đẳng và sự tiến bộ cho phụ nữ. Trong đó, xác định phụ nữ có thể tham gia vào nhiều ngành nghề trong xã hội mới, đồng thời gạt bỏ những trở ngại đã hạn chế việc phát huy tiềm tàng về năng lực trí tuệ và phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Chính nhờ đường lối đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, phụ nữ đã tham gia vào tất cả các ngành nghề và các lĩnh vực khác nhau để lao động sản xuất làm ra của cải cho xã hội, tham gia trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu với tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” như lời đề tặng của Bác Hồ; cùng với nhân dân cả nước đóng góp công sức to lớn vào thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và trong sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Với Người, việc giao trọng trách cho phụ nữ phải gắn liền với việc giải phóng phụ nữ, bởi “để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”. Thế nhưng “muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti... phải có ý chí tự cường tự lập”. Bởi vậy, những gì trái với quy tắc nam nữ bình đẳng Người đều có thái độ kiên quyết phản đối.

Tư tưởng nam nữ bình quyền của Bác được ghi trong luận cương của Đảng, được thể chế hóa sớm nhất trong điều 9 Hiến pháp năm 1946. Từ đó, quyền bình đẳng nam nữ được công bố và thừa nhận qua các văn bản quan trọng, Hiến pháp, luật về Hôn nhân và gia đình, các chỉ thị, chính sách... đối với lao động nữ.

Minh Hằng