banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Tổng LĐLĐVN: Đẩy mạnh đối thoại tại doanh nghiệp
Cập nhật lúc 12:10 ngày 15/10/2015

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐVN, dù số doanh nghiệp (DN) tổ chức đối thoại còn thấp, nhưng đối thoại tại các DN mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết kịp thời bức xúc của NLĐ, tháo gỡ những vướng mắc giữa các bên, qua đó thiết lập quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN.


CĐ tham gia tổ chức đối thoại tại DN góp phần tháo gỡ vướng mắc giữa người sử dụng LĐ và NLĐ, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa trong DN (ảnh minh họa). Ảnh: T.L

Tăng cường gắn kết giữa các bên

Với quan điểm đối thoại là phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế ngừng việc tập thể, giải quyết tranh chấp LĐ, Cty TNHH Sung Woo Vina (100% vốn Hàn Quốc, KCN Đình Trám, Bắc Giang) thường xuyên tổ chức đối thoại. Ông Lê Văn Huân - Chủ tịch CĐCS Cty Sung Woo Vina - chia sẻ: “Đối thoại được tổ chức ngay khi có vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, đời sống của NLĐ mà các CBCĐ nắm bắt được. Đối thoại không nhất thiết phải theo khuôn mẫu, một thời gian biểu, một nơi quy định mà đối thoại sẽ được tổ chức ở bất kỳ nơi nào, khi nào, ít hay nhiều người. Đối thoại giữa các bên diễn ra với tinh thần gần gũi, chân tình, cởi mở, mang lại hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa NSDLĐ và NLĐ, giữa CĐCS và lãnh đạo DN. Qua đó, tại Cty những năm gần đây không có tranh chấp LĐ, ngừng việc tập thể; hằng năm lãnh đạo Cty đều xét tăng lương 1 lần cho NLĐ, quan tâm hơn đến điều kiện làm việc, cuộc sống của NLĐ”.

Theo khảo sát của Ban Chính sách kinh tế xã hội và Thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN (viết tắt là Ban Chính sách) tại một số LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành T.Ư về việc tổ chức đối thoại trong các DN, mới có 60,84% số DN có tổ chức CĐ tổ chức hội nghị NLĐ. Trong số đó, có 82,6% số DN bầu thành viên đối thoại, 34,5% xây dựng và ban hành quy chế đối thoại. Trưởng ban Chính sách Đặng Quang Điều nhận xét: “Tuy số DN tổ chức đối thoại còn thấp, nhưng các DN có tổ chức đối thoại kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của NLĐ, tháo gỡ những vướng mắc trong quan hệ giữa các bên NSDLĐ và NLĐ, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa NSDLĐ và NLĐ, thiết lập quan hệ LĐ hài hòa, ổn định, góp phần làm cho SXKD của DN phát triển, đời sống NLĐ được đảm bảo”.

Nâng cao năng lực cán bộ CĐCS

Theo ông Đặng Quang Điều, việc tổ chức đối thoại tại DN trong thời gian qua còn nhiều hạn chế là do một số địa phương vẫn coi việc thực hiện quy chế dân chủ nói chung, tổ chức đối thoại nói riêng là của CĐ, có biểu hiện “khoán trắng” cho CĐ, chưa thường xuyên tuyên truyền, quán triệt quy định của pháp luật về đối ngoại cho NSDLĐ; nhiều nơi chưa tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng đối thoại cho cán bộ CĐCS; CĐ cấp trên trực tiếp chưa sâu sát cơ sở, chưa hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ cơ sở khi gặp khó khăn, vướng mắc trong đối thoại.

Theo quan điểm của Tổng LĐLĐVN: Tổ chức đối thoại tại DN là yếu tố quan trọng có tính quyết định góp phần xây dựng quan hệ LĐ hài hòa, ổn định và tiến bộ, giảm tối đa các vụ tranh chấp LĐ và đình công tại DN. Đối thoại phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức đa dạng và mềm dẻo. Ưu tiên đối thoại đột xuất và những vấn đề bức xúc, cấp thiết liên quan tới NLĐ và các bên trong quan hệ LĐ. Các cấp CĐ phải luôn chủ động trong chuẩn bị nội dung đối thoại, đề xuất hình thức đối thoại, kiểm tra giám sát thực hiện đối thoại. Đối thoại phải kịp thời ngay khi phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng nhỏ.

Để số lượng DN tổ chức đối thoại tăng lên, thời gian tới, các cấp CĐ sẽ chủ động tham mưu đề xuất với các cấp ủy, chuyên môn đồng cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đối thoại trong DN; đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức để cán bộ CĐCS, NLĐ và NSDLĐ nhận thức được lợi ích và trách nhiệm khi tham gia tổ chức đối thoại tại DN; CĐCS chủ động đề xuất với NSDLĐ tổ chức đối thoại; CĐ cấp trên và các Trung tâm tư vấn pháp luật của CĐ có trách nhiệm tư vấn cho CĐCS khi có yêu cầu và có thể cử cán bộ trực tiếp tham gia cuộc đối thoại có nội dung phức tạp mà CĐCS thiếu thông tin để trao đổi với NSDLĐ.

Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, để tổ chức đối thoại trong DN thành công, cần phải nâng cao năng lực của các cán bộ CĐCS và do đó cần bổ sung các kiến thức về pháp luật LĐ và CĐ, tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng đối thoại cho các cán bộ CĐCS để họ có thể chủ động đề xuất với NSDLĐ xây dựng và ban hành quy chế đối thoại.

Ngày 13.10, Tổng LĐLĐVN tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Nghị quyết “Đẩy mạnh công tác đối thoại tại khu vực DN”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính chủ trì hội nghị. Tham dự buổi góp ý có đại diện của 24 LĐLĐ tỉnh, TP, CĐ ngành T.Ư. Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban Chính sách sẽ trình bày, xin ý kiến tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN diễn ra ngày 16-17.10 tới đây.   

Thu Hà (Báo Công Thương)