banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
TPP và những tác động đến hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 10:28 ngày 13/10/2015

Sau khi đạt được bước đột phá về bản quyền sinh học, đàm phán Hiệp định TPP đã kết thúc. So với dự kiến ban đầu là kéo dài trong 2 ngày, 12 quốc gia tham dự đã đàm phán đến ngày thứ 5. Tuy nhiên, bù lại có rất nhiều điều khoản được thông qua thành công. 

Tham gia TPP sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ về hoạt động công đoàn, sự biến động về đội ngũ công nhân, lao động và cán bộ, đoàn viên công đoàn, về pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn. Những yếu tố đó tạo ra tác động tích cực và tiêu cực đan xen đối với tổ chức và hoạt động công đoàn.


Tác động tích cực tới tổ chức và hoạt động công đoàn

Tham gia TPP đưa đến sự tăng nhanh số lượng lao động và đơn vị doanh nghiệp. Đây là nguồn phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức công đoàn. Do áp lực về việc làm người lao động thường chấp nhận những thiệt thòi về phía mình vì vậy trong quá trình tham gia quan hệ lao động không tránh khỏi phát sinh mâu thuẫn giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Người lao động sẽ có nhu cầu được tổ chức công đoàn quan tâm đến đời sống, việc làm, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng. Đây là điều kiện thuận lợi để công đoàn tập hợp, vận động người lao động tham gia tổ chức của mình.

Tham gia TPP đòi hỏi hệ thống pháp luật nước ta phải hoàn thiện, phù hợp với thông lệ và pháp luật quốc tế. Trong đó, những quy định về quyền và nghĩa vụ của không chỉ người lao động mà còn của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động phải minh bạch và bảo đảm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả sẽ giúp cho công đoàn hoạt động được thuận lợi hơn, phát huy được vai trò và thực hiện chức năng, nhiệm vụ tốt hơn. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ các quan hệ thương mại sẽ góp phần tạo cơ hội gia tăng quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn. Điều này tạo cơ hội thuận lợi để Công đoàn Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động đối ngoại góp phần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm hoạt động và tranh thủ sự hỗ trợ mọi mặt của công đoàn các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tác động tiêu cực tới tổ chức và hoạt động công đoàn

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng nhanh sau khi TPP chính thức được ký kết dẫn đến tình trạng lao động tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu và quan hệ lao động sẽ phức tạp hơn. Vì vậy, trong những năm đầu tham gia TPP sẽ có những thách thức lớn đối với tổ chức và hoạt động công đoàn. Những thách thức đó là: Giữ vững và phát triển đoàn viên, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động trong khi điều kiện về tổ chức bộ máy, về năng lực cán bộ chưa được chuẩn bị một cách chu đáo.

Tự do hóa thương mại và cạnh tranh làm cho nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản dẫn đến một bộ phận người lao động bị mất hoặc thiếu việc làm, cuộc sống bị xáo trộn ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động công đoàn cơ sở, tới ổn định tổ chức đoàn viên và sự gắn bó của người lao động, đoàn viên với tổ chức công đoàn. Những vấn đề liên quan đến lao động và công đoàn (quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể) cũng như những chính sách, quy định pháp luật nói chung, những chính sách, quy định pháp luật lao động và công đoàn nói riêng sẽ có sự thay đổi phù hợp với những công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cũng sẽ có tác động tới môi trường lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

TPP đặt ra những thách thức không nhỏ cho Công đoàn Việt Nam, nhưng thời cơ đi kèm trong những thách thức đó cũng chính là hứa hẹn cho sự phát triển vững mạnh của Công đoàn Việt Nam khi Công đoàn Việt Nam có sự chuẩn bị về chiến lược và đối sách hiệu quả nhằm hạn chế những tiêu cực, phát huy tích cực, kiểm soát được cam kết về lao động và công đoàn theo cách có lợi cho sự phát triển của Công đoàn Việt Nam.

Một số giải pháp cơ bản trong hoạt động công đoàn khi TPP được thực hiện

Tham gia TPP tạo nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức đối với người lao động và Công đoàn Việt Nam. Trong khi Công đoàn còn nhiều khó khăn, bất cập về đội ngũ cán bộ, về kinh phí, về tổ chức bộ máy, về hệ thống quản lý, về chính sách đãi ngộ và bảo vệ cán bộ công đoàn đang đặt ra những thách thức lớn đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải vượt qua để hoàn thành sứ mệnh của mình. Để làm được điều đó, trước tiên các cấp CĐ cần đẩy mạnh tuyên truyền phát triển và giữ vững đoàn viên.

Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức công đoàn bởi vậy Công đoàn Việt Nam cần có chiến lược cụ thể về phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh trong đó cần đào tạo và bố trí những cán bộ công đoàn giỏi, có kinh nghiệm, giàu nhiệt tình đảm nhiệm công tác phát triển đoàn viên.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu về Công đoàn Việt Nam, hiểu lợi ích của bản thân khi gia nhập công đoàn từ đó tự giác gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn. Trong phát triển đoàn viên, không chỉ chú trọng các đơn vị doanh nghiệp khu vực kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mà còn quan tâm phát triển đoàn viên trong khu vực phi kết cấu, bởi đây là khu vực hiện nay vẫn chiếm phần lớn lực lượng lao động ở nước ta và người lao động trong khu vực này đang là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi nhất như: điều kiện làm việc không bảo đảm, tiền công không đủ trang trải cuộc sống cũng như không được bảo vệ. Phát triển được đoàn viên trong khu vực phi kết cấu chẳng những giúp cho Công đoàn Việt Nam tăng thêm số lượng đoàn viên, thực hiện toàn diện hơn chức năng bảo vệ người lao động mà còn là biện pháp để các tổ chức khác với danh nghĩa bảo vệ người lao động không còn chỗ hoạt động.

Để làm tốt công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, các cấp công đoàn cần linh hoạt, sáng tạo sử dụng nhiều hình thức, biện pháp như: phát hành tài liệu tuyên truyền về Công đoàn Việt Nam với hình thức tờ gấp có nội dung ngắn gon, dễ hiểu; dựng pano, áp phích, khẩu hiệu truyên truyền tại các khu công nghiệp, khu đông người lao động ở. Cán bộ công đoàn cần trực tiếp tiếp cận người lao động để tuyên truyền, vận động. Có thể tiếp cận với từng cá nhân, từng nhóm nhỏ hoặc tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi tại ký túc xá, khu dân cư có đông người lao động ở để qua đó tuyên truyền về Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh việc tuyên truyền phát triển đoàn viên, các cấp công đoàn cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, bởi chính chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn là minh chức có sức thuyết phục nhất đối với người lao động để họ gia nhập công đoàn.

Thứ hai cần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Chức năng “bẩm sinh” và mục tiêu để hình thành, tổ chức hoạt động của công đoàn là “đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn”. Tham gia TPP, cùng với sự gia tăng lao động trong các thành phần kinh tế là những vấn đề bức xúc, phức tạp có xu hướng tăng lên trong quan hệ lao động như: Tình trạng lao động bị thất nghiệp (do doanh nghiệp bị phá sản hoặc sắp xếp tinh giản lao động; do người lao động không đáp ứng yêu cầu về sức khỏe, trình độ, kỹ năng lao động). Tình trạng người lao động thay đổi việc làm, thay đổi chỗ làm việc, việc di chuyển lao động giữa các vùng miền, trình trạng vi phạm pháp luật lao động (sa thải lao động trái luật, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; an toàn vệ sinh lao động, hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội). Tranh chấp lao động và đình công sẽ có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy, hơn bao giờ hết Công đoàn Việt Nam cần phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ người lao động, phải thường xuyên quan tâm chăm lo đến đời sống, việc làm; quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc của đoàn viên, người lao động.

Để bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, các cấp công đoàn đặc biệt là công đoàn cơ sở cần:

- Hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp hoặc đại diện được ủy quyền hợp pháp của doanh nghiệp; đại diện cho người lao động xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định của pháp luật về lao động; giám sát, kiểm tra và thúc đẩy việc thực hiện những điều khoản đã được ký kết, động viên người lao động thực hiện tốt nghĩa vụ của mình và những quy định trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

- Đại diện tập thể lao động thương lượng với chủ sử dụng lao động để giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người lao động. Thực hiện đối thoại giữa tập thể lao động với chủ sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động.

- Đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, chống lại việc vi phạm pháp luật và xúc phạm nhân phẩm người lao động; tham gia hội đồng hòa giải, đẩy mạnh các hoạt động ngăn ngừa tranh chấp lao động giữa người lao động với chủ sử dụng lao động. Khi thấy cần thiết, công đoàn tổ chức đình công để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

- Tham gia ý kiến với chủ sử dụng lao động trong việc xây dựng thang bảng lương, xây dựng định mức lao động và các quy chế nội bộ đặc biệt là quy chế sử dụng các quỹ phúc lợi.

- Tham gia với chủ sử dụng lao động trong việc  xây dựng kế hoạch và biện pháp an toàn vệ sinh lao động; tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành các quy định  về bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường.

Như vậy, công đoàn bảo vệ người lao động là bảo vệ ngay từ lúc họ bắt đầu tham gia quan hệ lao động; bảo vệ trong quá trình lao động sản xuất, kinh doanh; trong xảy ra tranh chấp lao động; bảo vệ không chỉ cho riêng họ mà còn thể hiện  sự chăm lo cho họ khi họ bị mất việc hoặc gia đình gặp khó khăn. Làm được điều đó là công đoàn đã chứng minh để người lao động thấy được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của họ, là minh chứng thuyết phục nhất để họ tin tưởng công đoàn, sẵn sàng gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn.

Thứ ba là coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn.  “Cán bộ là gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu”. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng các doanh nghiệp ngày càng phát triển, lực lượng lao động ngày càng tăng,  quan hệ lao động ngày càng phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ công đoàn còn bộc lộ nhiều bất cập thì vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực, có kỹ năng, phương pháp hoạt động công đoàn, có hiểu biết về chuyên môn kỹ thuật là yêu cầu cấp bách, sống còn của tổ chức công đoàn.

Chúng ta phải mạnh dạn thừa nhận rằng: hiện tại, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ công đoàn chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ công tác công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều cán bộ công đoàn còn yếu về nghiệp vụ công tác công đoàn; hiểu biết về hội nhập quốc tế, về chính sách pháp luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ người lao động còn hạn chế. Trình độ học vấn, ngoại ngữ, tin học của cán bộ công đoàn còn yếu. cán bộ công đoàn các cấp  từ TLĐ đến cơ sở chưa có được nhiều đề xuất ngang tầm với vai trò vị trí của mình trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như trong quản lý kinh tế. Ngoài ra, hiện tượng làm việc theo tác phong hành chính của nhiều cán bộ công đoàn vẫn khá phổ biến khiến cho hoạt động công đoàn bị xơ cứng, trở thành quan liêu, hành chính hóa.

Để đáp ứng được yêu cầu tập hợp người lao động và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn, thực hiện tốt vai trò trung tâm tập hợp, bảo vệ quyền và lợi ích hượp pháp, chính đáng cho người lao động đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải tập trung xây dựng cho được đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Phải tính đến tính toàn diện trong năng lực cán bộ công đoàn. Tức là năng lực cán bộ công đoàn phải được nâng cao cả về chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tổ chức vận động, thuyết phục quần chúng, năng lực đàm phán thương lượng, năng lực tổ chức điều hành công việc…

Việc nâng cao năng lực cán bộ công đoàn phải được các cấp công đoàn tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, cần phải lựa chọn các khâu, các lĩnh vực cần tập trung. Đặc biệt cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Tích cực cải tiến nội dung, phương pháp đào tạo phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của cán bộ nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tăng cường khả năng hoạt động thực tiễn, tăng cường, nâng cao năng lực vận động, tổ chức người lao động trong mọi tình huống.

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động công đoàn, từ vai trò của cán bộ công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP, để nâng cao năng lực cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn cần quan tâm một số giải pháp sau:

- Đổi mới tư duy, nhận thức về cán bộ và công tác cán bộ công đoàn. Trên cơ sở đó có những giải pháp cụ thể để xóa bỏ quan điểm coi thường cán bộ công đoàn, cho cán bộ công đoàn chỉ là cán bộ quần chúng, lo “cơm áo gạo tiền” nên có yếu cũng không sao vì vậy bố trí cán bộ công đoàn nhất là cán bộ chủ chốt chỉ cần bố trí những người “dễ bảo” hoặc không làm được công việc chuyên môn; không thuộc “ê kíp”…

“Cán bộ nào phong trào nấy”. Trong quan hệ lao động, công đoàn có vai trò hết sức quan trọng, nếu không có công đoàn hoặc công đoàn không đủ mạnh thì không thể có quan hệ lao động đầy đủ, tiến bộ và người lao động cũng sẽ không được bảo vệ một cách đầy đủ. Vì vậy, các cấp công đoàn cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và đãi ngộ cán bộ công đoàn một cách tương xứng với cống hiến của họ.

- Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ công đoàn, trong đó quy định cụ thể về trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ để làm căn cứ tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng và đánh giá từng cán bộ công đoàn.

- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ công đoàn. Cán bộ công đoàn hoạt động vì lợi ích người lao động, do người lao động bầu ra vì vậy phải thông qua phong trào công nhân và hoạt động công đoàn để phát hiện, lựa chọn cán bộ. Khi đã lựa chọn được cán bộ thì đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ là vấn đề hết sức quan trọng. Cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức đào tạo để mọi cán bộ công đoàn có điều kiện, cơ hội được đào tạo, cần coi công tác bồi dưỡng cán bộ là giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ.

Cùng với WTO, TPP là một sân chơi tạo nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức đối với người lao động và hoạt động của Công đoàn Việt Nam. Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn nằm trong tổng thể quá trình đổi mới kinh tế của nước ta mà trong đó tham gia TPP là mục tiêu, là bước đi quan trọng của tiến trình đổi mới.

Với tinh thần chủ động, nắm bắt tình hình, hiểu rõ thời cơ, thách thức, tận dụng khai thác cơ hội, lường trước và xử lý những khó khăn, thách thức là những bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của Công đoàn Việt Nam.

Với vị trí, chức năng của mình, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần thiết phải có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong đó cùng với đổi mới nội dung và phương thức hoạt động thì đổi mới tư duy, nhận thức về công đoàn và đổi mới tổ chức bộ máy phù hợp với xu hướng phát triển và thông lệ quốc tế là yếu tố tiên  quyết.

Hồ Giao