banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Anh Bảy Cần câu
Cập nhật lúc 11:12 ngày 12/10/2015

 "Bàn tay đã cho ta, tất cả. 

Nếu là con chim, chiếc lá, 

Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh. 

Lẽ nào vay mà không có trả 

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình"

Đó là những câu thơ mà vị Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam dành để nói về “anh Bảy Cần câu” Cao Văn Tám – Tổ trưởng tổ Cơ điện Nhà máy Nông dược Bình Dương. Sở dĩ gọi anh là “anh Bảy Cần câu” vì anh Tám nguyên là công nhân lái máy cẩu của Nhà máy Cơ khí đóng tàu Đồng Tiến từ những ngày đầu sau Giải phóng 1975. Đến năm 1981, anh Tám chuyển về Xí nghiệp Tân Thuận (năm 2006 đã giải thể khi Công ty chuyển thành Công ty cổ phần) và bén duyên với một cô gái cùng Công ty, sau đó trở thành người bạn đời của anh. Hai người đã gắn bó với Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam cho đến bây giờ.

Khuôn mặt hiền lành, chân chất, đôi bàn tay thô ráp, Cao Văn Tám đã có hơn 30 năm hành nghề “bác sĩ cơ điện”. Đến nỗi bây giờ, nhắm mắt lại, chỉ nghe kể thôi “anh Bảy Cần câu” cũng có thể hình dung ra các cỗ máy và với các triệu chứng đó thì nó đang mắc bệnh gì, cần sửa như thế nào. Đam mê với nghề sửa chữa cơ điện, anh Tám bảo, với anh mọi sáng kiến đều có chung mục tiêu là giúp nâng cao năng suất của người lao động và từ đó giúp họ nâng cao thu nhập. Chứng kiến Nhà máy từ những ngày đầu trứng nước, khi dây chuyền sản xuất còn lạc hậu, cho đến bây giờ đã có rất nhiều đổi khác với công cuộc hiện đại hóa mạnh mẽ dây chuyền sản xuất, Cao Văn Tám vẫn không ngừng tìm tòi sáng tạo để đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến có lợi cho Nhà máy.

Anh Cao Văn Tám nhận bằng khen của Công đoàn Công Thương Việt Nam

Khi dây chuyền cũ kỹ, lạc hậu, năng suất kém, anh đề xuất các sáng kiến hợp lý hóa, thậm chí là chế tạo các bộ phận thay thế mà khi hỏng, nếu phải đặt mua của nước ngoài sẽ cực kỳ tốn kém, hoặc không thể tìm được do máy đã quá cũ. Khi dây chuyền đã hiện đại hơn, anh quản lý một cách khoa học để máy móc hoạt động hết công suất, đem lại hiệu quả cao nhất. Có lẽ vì thế nên khi được chuyển lên làm tổ phó, rồi tổ trưởng tổ Cơ điện Nhà máy Nông dược Bình Dương, anh đã sắp xếp công việc để chỉ 6 anh em trong tổ đảm nhiệm được phần việc mà trước kia gần gấp đôi người làm mới xuể. Lúc đó, lãnh đạo Nhà máy có lo lắng về tình trạng thiếu người, hỏi anh có cần thêm người không. Nhưng anh Tám phân tích, lúc cao điểm có thể thiếu, nhưng bình thường không có việc thì thêm người lại thành thừa. Thế là anh xin lãnh đạo cho mình chủ động sắp xếp công việc. Vào lúc cao điểm sửa chữa, anh cho anh em tập trung cao độ để tránh ngừng máy, ảnh hưởng năng suất. Thời gian còn lại thì lập kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng máy móc thường xuyên, hạn chế tối đa sự cố. Chưa kể còn lập kế hoạch dự trù thiết bị, cái cần thì đặt mua, cái nào tự chế tạo được thì anh em tự chế tạo. Ngay cả lúc xảy ra sự cố anh cũng tính toán sao cho thời gian ngừng máy là thấp nhất, thậm chí tính toán cả đến việc lắp cho máy chạy tạm, đợi đến lúc anh em công nhân nghỉ ăn ca mới sửa chữa tiếp cho hoàn chỉnh rồi mình đi ăn sau. Với cách làm việc như vậy, Tổ của anh đã luôn hoàn thành nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì máy móc trong Công ty, hạn chế thấp nhất các sự cố trong quá trình sản xuất.

Là Tổ trưởng Cơ điện, Cao Văn Tám rất tích cực và gương mẫu trong công tác chuyên môn. Ngoài đời, “anh Bảy Cần câu” sống đơn giản, biết thương yêu và quan tâm đến người khác. Anh em đồng nghiệp quí mến anh bởi cái tính thương người, luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp mà không bao giờ đòi hỏi điều gì cho riêng mình. Điều anh quan tâm và theo đuổi trong suốt hơn 30 năm gắn bó với nghề sửa chữa máy móc chính là làm thế nào để những cỗ máy luôn khỏe mạnh, mượt mà, đạt hiệu suất cao nhất, để anh em công nhân luôn có thu nhập ổn định.

Là bậc cây đa, cây đề trong Công ty, tham gia vào việc xây dựng các nhà máy mới ở Đức Giang (Hà Nội), Xưởng Thủy Xuân và Phú Bài (Huế), những sáng kiến mà anh đề xuất trong những năm qua không thể nào kể hết. Nhưng điển hình là những sáng kiến đã giúp anh 03 lần đạt Bằng Lao động sáng tạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam (2011, 2012) và Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (2014). Đó là sáng kiến: Chế tạo mới máy sàng bột gáo dừa, bột cây theo nguyên tắc sàng lắc, phục vụ cho kiểm tra chất lượng sản phẩm bột cây, bột gáo dừa cung cấp cho Công ty Mosfly Việt Nam; Thay đổi kết cấu tháp xử lý phân xưởng thuốc nước đạt hiệu quả; Thay đổi kết cấu máy ra chai Chang Mao (Đài Loan) từ chuyển động cam sang van hơi, đạt hiệu quả, thay đổi kết cấu vận hành các bộ phận của máy  bằng cách chỉnh lại các bộ phận truyền động bằng cam thay vì bánh răng để có thể phù hợp với nhiều loại chai. Chế tạo hệ thống đóng mở vòi ra chai, van cơ khí điều chỉnh thể tích ra chai đúng dung sai cho phép…

Chia sẻ về những thành công của mình, “anh Bảy Cần câu” cười hiền hậu. “Tôi chỉ biết nghĩ ra ý tưởng rồi báo cáo lên trên thôi, còn những danh hiệu mà tôi có được là nhờ công đoàn hết đó”. Tìm hiểu qua ông Nguyễn Xuân Đà - Chủ tịch Công đoàn Công ty, ông Đà cho biết, anh Tám là một người công nhân thuần chất, nên chỉ biết đến công việc, động đến giấy tờ, báo cáo thành tích thi đua là anh ấy ngại. Thế nên, mỗi lần cần hồ sơ xét thưởng thì Công đoàn phải làm giúp.

Sống dung dị và đam mê hết mình với công việc, trong hơn 30 năm công tác tại Nhà máy, “anh Bảy Cần câu” luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng của Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam. Anh là một trong số những nhân vật liên tục xuất hiện trên bục vinh quang của các cuộc tuyên dương Lao động giỏi – Lao động sáng tạo của ngành Hóa chất Việt Nam nói riêng và ngành Công Thương nói chung.

 Hồ Nga