banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thực hiện Nghị định 60/2013/NĐ-CP: Đẩy mạnh quy chế dân chủ
Cập nhật lúc 10:19 ngày 23/09/2015

Sau hơn 2 năm đi vào thực tế, việc triển khai Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ đã giúp các công đoàn cơ sở đẩy mạnh quy chế dân chủ tại nơi làm việc, góp phần nâng cao tiếng nói người lao động.


Triển khai quy chế dân chủ, giúp người sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn (Ảnh: Quang Hưng)

Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động (NLĐ) ở cơ sở tại các công đoàn có sự chuẩn bị khá chu đáo về nội dung và hình thức. Nhiều doanh nghiệp (DN) thực hiện việc công khai, dân chủ về kế hoạch sản xuất - kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến NLĐ; nội quy, quy chế của DN; công khai tài chính, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội; xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với lãnh đạo DN. Các công đoàn ở DN đã tổ chức thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể... Những hoạt động trên đã khơi dậy tinh thần làm chủ của NLĐ, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống và công tác…

Theo bà Hồ Thị Huệ - Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Chế tạo máy điện Việt Nam - Hungary - triển khai quy chế dân chủ, trong đó có thực hiện đối thoại tại DN là hoạt động rất có ý nghĩa, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động và NLĐ trao đổi thông tin, hiểu biết nhau hơn, từ đó có thể cùng giải quyết những vấn đề vướng mắc.

Dù đã có hướng dẫn rất chi tiết, song sau 2 năm, nhiều công đoàn vẫn gặp khó khăn khi thực hiện. Bà Huệ lấy ví dụ về bầu thành viên đại diện NLĐ tham gia các cuộc đối thoại, căn cứ theo Hướng dẫn số 1755/HD-TLD, bầu đại diện NLĐ trên cơ sở lựa chọn các đồng chí là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Tuy nhiên, trong thực tế, các cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm và được trả lương bởi chính chủ sử dụng lao động, nên khi cán bộ công đoàn tham gia đối thoại hoặc tham gia ý kiến với chính quyền sẽ bị hạn chế. Mặt khác, một số DN không tổ chức hội nghị NLĐ thì bầu như thế nào?, bà Huệ nêu ý kiến. Tại các DN này, mọi vấn đề đều phụ thuộc hoàn toàn vào chủ sử dụng lao động thì đối thoại dân chủ chỉ là hình thức.

“Có những nơi không có tổ chức công đoàn, nếu có bầu thì chất lượng của các thành viên cũng khó đáp ứng vì không thể nắm sát nhân sự thực tế của DN. Hoặc DN có tổ chức công đoàn nhưng tổ chức đó không phát huy được vai trò thì việc thực hiện đối thoại DN sẽ không mang lại hiệu quả” - bà Huệ phân tích.

Ngoài ra, về quy định tổ chức đối thoại định kỳ 3 tháng/lần, bà Huệ băn khoăn, khi đến thời hạn 3 tháng mà không có nội dung cần đối thoại thì có phải thực hiện đối thoại không?; hoặc khi có vấn đề phát sinh phải giải quyết ngay nhưng nếu chủ DN yêu cầu đúng 3 tháng mới được tổ chức đối thoại thì sẽ thực hiện như thế nào?

Khẳng định Nghị định 60 mang lại hiệu quả rất tốt trong công tác dân chủ khi trao đổi với chúng tôi, nhưng ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Giấy Việt Nam - cho biết, quá trình thực thi cũng gặp phải vướng mắc nhỏ. “Nghị định chỉ nói đến cấp cơ sở nên các công đoàn không biết tổ chức đối thoại cấp trên cơ sở như thế nào? Ví dụ tại các DN như tổng công ty có mô hình công ty mẹ - con, trong đó, có cấp cơ sở có pháp nhân, có cấp cơ sở pháp nhân không đầy đủ thì sẽ tổ chức đối thoại ra sao?” - ông Xinh đặtt câu hỏi.

Triển khai quy chế dân chủ, trong đó có thực hiện đối thoại tại DN là hoạt động có ý nghĩa, tạo điều kiện cho chủ sử dụng lao động và NLĐ trao đổi thông tin, hiểu biết nhau hơn, từ đó có thể cùng giải quyết những vấn đề vướng mắc. 

 Nguyễn Phượng

(Nguồn: Báo Công Thương)