banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Chính sách bảo hiểm xã hội một lần nhìn từ góc độ công đoàn
Cập nhật lúc 09:56 ngày 18/09/2015

Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách trụ cột trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động (NLĐ) trong quá trình làm việc cũng như đảm bảo cuộc sống lâu dài cho NLĐ khi nghỉ hưu. Hơn 20 năm qua kể từ khi thực hiện, chính sách BHXH đã thực sự đi vào cuộc sống. Số lượng NLĐ tham gia BHXH ngày một tăng.


Luật BHXH năm 2014 đã được Quốc hội Khóa XIII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 với nhiều chế định mới được quy định như: Đối tượng áp dụng được mở rộng đến người làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; người tham gia BHXH tự nguyện với 02 chính sách hưu trí và chế độ tử tuất…Những quy định này nhắm hướng tới mục đích làm cho NLĐ được đảm bảo chính sách an sinh xã hội lâu dài.

Tuy nhiên, ngày 26/3/2015, đã xảy ra sự kiện hơn 80.000 công nhân lao động (CNLĐ) tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam ở Tp.Hồ Chí Minh đã ngừng làm việc tập thể để thể hiện quan điểm không đồng tình với Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH (năm 2014) trong bối cảnh Luật vừa được ban hành và chưa đến ngày có hiệu lực. Đồng thời, ngay sau đó việc phản ứng đã lan sang các địa phương khác như: Long An, Tiền Giang, Tây Ninh.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao NLĐ lại phản ứng với Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH (năm 2014) về chế độ hưởng trợ cấp 1 lần? (Để tiện theo dõi, trong bài viết này, tác giả chủ yếu phân tích ở góc độ chính sách cho NLĐ). Theo tôi, đứng trên góc độ nghiên cứu chính sách BHXH, ta có thể phân tích “phản ứng” này của NLĐ bởi mấy lý do sau:

Thứ nhất, về nội dung của điểm a, Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định: NLĐ quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: "Đủ tuổi người lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện”.

Quy định này nếu thực thi sẽ khó khăn hơn so với quy định trong Luật BHXH (Luật hiện hành). Luật BHXH (Luật hiện hành) quy định chính sách hưởng BHXH một lần: “Sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH”. Chính sách này hiện vẫn đang vận hành, chưa có gì vướng mắc trong thực tiễn. Có ý kiến cho rằng: “Số người hưởng lương hưu thấp hơn rất nhiều lần số người BHXH một lần qua thống kê hằng năm”. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân thắt chặt điều kiện để hưởng BHXH một lần? Nếu đúng như vậy thì thật là sai lầm. Bởi lẽ, thay vì chúng ta phải mở rộng cho NLĐ có thể lựa chọn hình thức hưởng BHXH và đẩy mạnh việc tuyên truyền về những ưu việt của những quy định trong Luật BHXH đến NLĐ thì lại quy định “thắt chặt” hơn do có số đông hưởng trợ cấp một lần.

Thứ hai, về cơ cấu, trình độ lao động: Thị trường lao động nước ta có sự phân bố không đồng đều. Các tỉnh thành phố có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thường là những địa điểm thu hút CNLĐ từ các vùng nông thôn đến; trình độ, kỹ năng lao động thấp, mặt bằng tiền lương và điều kiện làm việc cũng là nguyên nhân nảy sinh tình trạng nhảy việc. Nhiều ngành nghề như dệt may, da giầy, thủy sản…NLĐ khó có thể làm việc cho đến tuổi nghỉ hưu (do sức ép và cường độ làm việc), do đó trong nhiều trường hợp việc nhận BHXH một lần là cứu cánh để giúp họ chuyển đổi công việc cho bản thân và gia đình phù hợp với điều kiện thực tế.

Thứ ba, xét về mặt lý luận, ta thấy Điều 23 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp…”, Điều 34 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định “Công dân có quyền được đảm bảo an sinh xã hội”. Như vậy, có thể nói để đảm bảo an sinh xã hội và quyền sở hữu về thu nhập thì NLĐ có quyền định đoạt khoản tiền đóng BHXH của mình trong quá trình làm việc. Do vậy, nên chăng Nhà nước, pháp luật tạo ra nhiều hình thức, cơ chế, điều kiện để NLĐ tự định đoạt quyền của mình trong hưởng chính sách BHXH.

Vừa qua, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội Khóa XIII đã đưa nội dung của chính sách BHXH một lần của NLĐ vào chương trình nghị sự. Điều đó cho thấy, Quốc hội đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của NLĐ, các ý kiến kiến nghị của tổ chức đại diện NLĐ là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN). Quốc hội đã có một quyết định hết sức sáng suốt, hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội và đời sống của NLĐ. Quốc hội đã ra Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 quy định:

1. NLĐ được bảo lưu thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014”.

Trong trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia BHXH tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH một lần.

2. Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

3. Mức hưởng BHXH một lần đối với người tham gia BHXH tự nguyện đươc tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

Tin rằng, nếu NLĐ được tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật một cách đầy đủ, hiểu biết rõ mục đích, ý nghĩa của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già và khi điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước tốt hơn cùng với việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong đóng - hưởng; xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ của NLĐ, tạo sự minh bạch, rõ ràng trong hệ thống, NLĐ chắc chắn sẽ lựa chọn chính sách an sinh xã hội lâu dài để đảm bảo cuộc sống của họ.

Lê Trọng Sang