banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Hội nhập kinh tế quốc tế - Những tác động tới lao động Việt Nam
Cập nhật lúc 10:43 ngày 17/09/2015

Lao động là vấn đề mới được đưa vào trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây và gây ra chia rẽ đáng kể trong quan điểm giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.

Hoa Kỳ, đối tác quan trọng trong đàm phán TPP, đặc biệt nhấn mạnh và đưa ra nhiều đòi hỏi cao đối với vấn đề này trong TPP (bao gồm cả những vấn đề nhạy cảm và có cách hiểu khác nhau giữa các nước như quyền lập hội, quyền can thiệp vào các trường hợp sử dụng lao động trẻ em, quyền can thiệp của Nhà nước vào các tranh chấp lao động…). Đặc biệt, các nhóm đại diện người lao động (công đoàn, liên đoàn lao động…) ở Hoa Kỳ cũng như các nước TPP vận động rất mạnh cho vấn đề này. Trong khi Việt Nam lại khá e dè và còn nhiều cách hiểu khác biệt.

Gần đây, Tổ chức Công đoàn thế giới (ITUC) đã đưa ra một bản Dự thảo Chương lao động và cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan đến lao động cho đàm phán TPP, dựa trên Hiệp định Thương mại tự do Hoa Kỳ - Peru (hai thành viên của TPP hiện tại). Dự thảo này được sự ủng hộ của 7 tổ chức công đoàn lớn ở các nước thành viên TPP (trong đó có Liên minh Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ và Các tổ chức liên đoàn các ngành công nghiệp Hoa Kỳ AFL-CIO; Hội đồng các liên đoàn lao động Australia ACTU, Hội đồng các liên đoàn lao động New Zealand CTU…). Vì vậy, suy đoán là bản dự thảo này sẽ có trọng lượng nhất định trong đàm phán TPP và Việt Nam cần có sự xem xét đầy đủ và cụ thể đối với các đề xuất mà các bên trong TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ, có thể đưa ra dựa trên Dự thảo này.

Xem xét sơ bộ Dự thảo của ITUC cho thấy, Dự thảo này đòi hỏi nhiều nghĩa vụ phức tạp và rất khó chấp nhận từ góc độ lý thuyết, thực tiễn cũng như năng lực thực hiện của Việt Nam. Dự thảo này cũng đưa ra những vấn đề vượt quá xa phạm vi vấn đề lao động ở các Hiệp định thương mại tự do tương tự (đặc biệt là các FTA mà Hoa Kỳ đã ký với Australia, Peru, Singapore, Chi lê), với rất nhiều các quy định can thiệp vào quyền tự quyết của từng quốc gia. Dự thảo này, nếu được thông qua sẽ đòi hỏi những thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật lao động ở Việt Nam.

Người lao động cần nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ, tay nghề

Thực trạng về lao động Việt Nam

Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đòi hỏi thị trường lao động ở Việt Nam phát triển linh hoạt để hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thế nhưng, do mới hình thành và phát triển chưa đồng bộ, nên thị trường lao động Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm yếu lẫn mâu thuẫn, trong đó nghiêm trọng nhất là mất cân bằng giữa cung và cầu, năng suất lao động thấp. Trong khi chúng ta dư thừa sức lao động ở nông thôn thì ở lĩnh vực phát triển công nghiệp, các ngành dịch vụ trung cao cấp lại thiếu hụt lao động trầm trọng.

Lao động Việt Nam giàu lực lượng, nghèo kỹ năng, đó là đánh giá của không ít các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nguồn nhân lực ở Việt Nam rất dồi dào nhưng lại thiếu trầm trọng về chất lượng. Lao động Việt Nam được đánh giá là khéo léo, thông minh, sáng tạo, tiếp thu nhanh những kỹ thuật và công nghệ hiện đại được chuyển giao từ bên ngoài nhưng thiếu tính chuyên nghiệp. Trên thị trường lao động hiện tại, nguồn nhân lực cao cấp và công nhân tay nghề cao vẫn đang là mối quan tâm của nhà tuyển dụng. Thị trường đang rất cần các chuyên gia về quản trị kinh doanh, lập trình viên, kỹ thuật viên, các nhà quản ly trung gian  hiểu biết về tài chính và tiếp thị với yêu cầu cơ bản về tiếng Anh, những công nhân có tay nghề cao, ham học hỏi. Tuy nhiên, nguồn cung ứng lao động có chất lượng trên thị trường còn hạn chế. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hợp tác để hoàn thành công việc của lao động Việt Nam quá yếu kém. Nhiều nhà quản lý nước ngoài đã nhận xét: “Lao động Việt Nam làm việc rất tốt khi tự mình giải quyết công việc, nhưng nếu đặt họ trong một nhóm thì hiệu quả kém đi nhiều”. Chính điều này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp không thể thành đạt được, cho dù họ đã tập hợp được đội ngũ nhân công có đẳng cấp cao.

Khi tham gia TPP, Việt Nam có lợi thế là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2014, quy mô lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam là 53,8 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động là 47,52 triệu người. Tỷ lệ lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 47,1%; khu vực công nghiệp và xây dựng 20,8%; khu vực dịch vụ là 32,1%. Chất lượng lao động cũng đã từng bước được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 30% lên 40% trong vòng 10 năm trở lại đây (theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 30%. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật của Việt Nam đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp, do vậy, tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, đạt khoảng 30%. Chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo. Chất lượng nguồn nhân lực nước ta còn thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2012), lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 83,28% tổng số lao động; lao động đã qua đào tạo nghề chỉ chiếm tỷ lệ 4,84%; lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp là 3,61% và lao động có trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 8,26%. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo nghề (gồm cả dạy nghề chính quy và thường xuyên, phi chính quy, dạy nghề dưới 3 tháng và dạy nghề tại doanh nghiệp) chiếm khoảng 34% tổng số lao động trong cả nước. Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (trong khi Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ đạt 5,76 điểm; Malaysia đạt 5,59 điểm... Do vậy, nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Trong giai đoạn 2002 - 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Việt Nam còn thiếu nhiều lao động lành nghề, nhân lực qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu của trị trường lao động và doanh nghiệp về tay nghề và các kỹ năng mềm khác. Trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (năm 2011, Việt Nam xếp thứ 65/141 nước được xếp hạng về năng lực cạnh tranh).

Từ những  đánh giá trên, có thể thấy, nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay có các đặc điểm sau:

- Nguồn nhân lực khá dồi dào, nhưng chưa được sự quan tâm đúng mức; chưa được quy hoạch, khai thác; chưa được nâng cấp; chưa được đào tạo đến nơi đến chốn.

- Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa lượng và chất.

- Sự kết hợp, bổ sung, đan xen giữa nguồn nhân lực từ nông dân, công nhân, trí thức,… chưa tốt, còn chia cắt, thiếu sự cộng lực để cùng phối hợp thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyên nhân chủ yếu của hiện trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp là do công tác đào tạo hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu sử dụng nhân lực và nhu cầu của người học, chưa theo kịp sự chuyển biến của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng, giữa dạy chữ với dạy người, dạy nghề…

Mặt khác, hệ thống thông tin của thị trường lao động Việt Nam hiện nay còn nhiều yếu kém và hạn chế, như bị chia cắt giữa các vùng, miền; khả năng bao quát, thu thập và cung ứng thông tin chưa đáp ứng được nhu cầu các đối tác trên thị trường lao động, đặc biệt là người chủ sử dụng lao động và người lao động. Hệ thống chỉ tiêu về thị trường lao động tuy đã ban hành nhưng chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, thiếu thống nhất và khó so sánh quốc tế. Do vậy, chưa đánh giá được hiện trạng của cung - cầu lao động, các “nút thắt” về nhu cầu nguồn nhân lực trong nước. Ngoài ra, còn thiếu mô hình dự báo thị trường lao động tin cậy và nhất quán, thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia làm công tác thống kê, phân tích, dự báo.

Những yếu kém trên đây cũng  chính  là những thách thức lớn đối với lao động Việt Nam,  đồng thời cũng đặt ra nhiệm vụ nặng nề trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế trong quá trình tham gia TPP và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giải pháp nâng cao trình độ nguồn nhân lực

Việt Nam đã đặt mục tiêu tạo ra một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2020. Trong đó 6 lĩnh vực được ưu tiên là chế biến nông lâm thủy sản, máy móc nông nghiệp, điện tử, đóng tàu, môi trường và tiết kiệm năng lượng, sản xuất ô tô. Quá trình chuyển dịch từ tăng trưởng dựa vào FDI sang tăng trưởng dựa vào công nghiệp đặt ra yêu cầu rất cao về trình độ, năng lực nguồn nhân lực bởi không có sự chuẩn bị tốt về nguồn nhân lực có kỹ năng sẽ không thể có sự phát triển. Việc sử dụng nhân công giá rẻ với năng suất lao động thấp hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng người lao động không có thời gian để đào tạo lại và nâng cao trình độ để đáp ứng được những đòi hỏi mới của công nghệ hiện đại; khi đó, nền kinh tế rơi vào vòng luẩn quẩn, thậm chí có thể suy thoái, mất cân đối trầm trọng về các yếu tố đầu vào có chất lượng cho sản xuất.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng khuyến cáo rằng Việt Nam cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vì đây là yếu tố then chốt đưa Việt Nam vượt khỏi ngưỡng nước có thu nhập trung bình trong những năm tới. Đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chính là chìa khóa để Việt Nam vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” thành công và trở thành nước có thu nhập cao trong thời gian sớm hơn dự báo là năm 2058.

Để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam, nhất là khi TPP được thông qua và Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm 2015, cần phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó, Nhà nước cần quan tâm quản lý phát triển nguồn nhân lực đồng thời thực hiện những chính sách về lao động và thị trường như:

- Chú trọng hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực thông qua việc tăng đầu tư cho giáo dục phổ thông, tập trung cải thiện hệ thống đào tạo kỹ năng nghề nghiệp và tăng cường cung cấp thông tin việc làm rộng rãi tới NLĐ. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ đào tạo, dạy nghề cho NLĐ.

- Cần tăng cường hệ thống các công cụ điều tiết thị trường lao động bằng cách hoàn thiện công cụ pháp luật bảo vệ người lao động như: Về việc làm, dịch chuyển lao động, đóng và hưởng BHXH, tăng cường công tác giáo dục pháp luật…; Áp dụng mạnh mẽ các công cụ kinh tế thay cho biện pháp hành chính trong điều chỉnh quan hệ lao động.

- Phát triển và thực thi có hiệu quả  các chính sách phát triển thị trường lao động như: Hệ thống dịch vụ giới thiệu việc làm; hoàn thiện chính sách đào tạo và đào tạo lại cho người lao động.

- Đối với tổ chức công đoàn để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người lao động nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập nâng cao trình độ kỹ năng nghiệp vụ, tay nghề; phối hợp với các đoàn thể quần chúng tuyên truyền tôn vinh người lao động, xóa bỏ bệnh sính bằng cấp, hình thành thang giá trị nghề nghiệp trong xã hội. Các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp xây dựng chiến lược phát triển, nâng cao kỹ năng nghề  cho lao động cấp mình.

Hồ Giao