banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Không thể để công nhân vất vưởng với đồng lương rẻ mạt
Cập nhật lúc 10:34 ngày 16/09/2015

Ngày 3/9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) cũng “chốt” được phương án lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức tăng bình quân 12,4% so với năm 2015 (tăng từ 250.000 - 400.000 đồng tuỳ từng vùng). 

Ảnh minh họa

Nhìn chung, hoạt động của Hội đồng dần chuyên nghiệp hơn, cố gắng tìm tiếng nói đồng thuận hơn. Song, nhìn nhận một cách rất khách quan, Tổng LĐLĐVN - đại diện tiếng nói trên 10 triệu CNLĐ - đưa ra ý kiến không chỉ bảo vệ quyền lợi NLĐ, mà tính cả đến lợi ích của chủ DN, những người đang nắm giữ khối lượng lớn việc làm của những NLĐ. Bởi việc làm là gốc của mọi thương lượng, là lợi ích của NLĐ. DN phải “khỏe”, có việc làm, rồi mới nói đến các yêu cầu khác. Song, mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN và của đại diện giới sử dụng LĐ vẫn đang có khoảng cách rất xa, tức là các thành viên chưa tìm được tiếng nói chung. Vẫn là theo thông lệ, với người phải trả lương, 1 đồng chi ra cũng là nhiều, còn với người nhận lương - NLĐ, luôn kêu ít. Mà ít thật, “hẻo” thật!

Theo báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn trong khảo sát vào tháng 4 - 5/2015 với gần 2.000 phiếu hỏi, nhu cầu chi tiêu tối thiểu của CN đang vượt quá mức lương tối thiểu (tính chung ở cả 4 vùng) là 22%. Có nghĩa là CNLĐ đang sống thấp hơn tiêu chuẩn sống của con người. Mà họ lại đang được gọi là “nguồn vốn quý nhất” của DN như lời của vị đại diện giới sử dụng LĐ.

Gần đây nhất, trên báo Lao Động và báo Người Lao Động đồng loạt có chuyên mục thảo luận về chính sách tiền lương nói chung, các mức lương tối thiểu nói riêng, nhiều chủ tịch CĐCS và đặc biệt những công nhân lao động đều lên tiếng. Sự lên tiếng của công nhân lao động là đúng đắn, không sớm, không muộn, nhưng điều quan trọng bậc nhất là tiếng “kêu” của họ thấu được đến giới sử dụng LĐ, Chính phủ nghe và thấu hiểu những trăn trở, bức xúc của họ.

Lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu giúp người lao động ổn định cuộc sống và có tích lũy. Vậy tại sao các chủ DN cứ cò kè, thêm bớt những đồng tiền tính vào lương trả cho NLĐ? Tại sao họ không biết (hoặc cố tình không biết) mức lương tối thiểu mà họ mặc cả, đang thấp dưới mức nhu cầu sống của con người và tại sao họ cứ đòi NLĐ phải có năng suất trong khi họ phó mặc “nguồn tài nguyên quý giá nhất của DN” mãi vất vưởng, co kéo trong mức lương rẻ mạt?

PGS.TS Vũ Quang Thọ

Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn