Ngày 07/9/2015, CĐCTVN đã ban hành Kế hoạch số 389/KH-CĐCT về triển khai Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 03/8/2015của Tổng LĐLĐVN về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Ủy ban kiểm tra công đoàn. Sau đây xin giới thiệu tóm lược nội dung cơ bản của Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ và tình hình triển khai Nghị quyết tại CĐCTVN.
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI) họp ngày từ 02 đến 03/7/2015, tại Hà Nội, đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn và ngày 03/8/2015 Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chính thức ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện đến các cấp công đoàn.
Nội dung cơ bản của Nghị quyết 6b, ngày 03/8/2015
Nghị quyết đã đánh giá kết quả đã đạt được về công tác tổ chức và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn trong những năm qua về những cố gắng đổi mới nội dung và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Về số lượng chất lượng, cán bộ
Về số lượng chất lượng, cán bộ ủy ban kiểm tra tiếp tục được ban chấp hành, ban thường vụ công đoàn các cấp quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; một số đồng chí đã được đào tạo cơ bản và chuyên sâu về tài chính và pháp luật; một số cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm tra; một số ủy ban kiểm tra được cơ cấu hợp lý, đa số chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là ủy viên ban thường vụ, trong đó nhiều đồng chí là phó chủ tịch công đoàn cùng cấp.
Kết quả hoạt động của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp
Được sự quan tâm lãnh đạo của ban chấp hành và sự chỉ đạo, tạo điều kiện của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn, ban thường vụ công đoàn các cấp, uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp đã bám sát chương trình hàng năm của Uỷ ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp trên để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra; số lượng, chất lượng các cuộc kiểm tra được nâng lên, công tác giải quyết, tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời, đúng luật.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam, nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Công đoàn; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các biểu hiện vi phạm Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn, góp phần phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tăng cường quản lý thu, chi tài chính, tài sản công đoàn, hạn chế tiêu cực, phòng chống tham nhũng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Một số hạn chế, nguyên nhân, quan điểm mục tiêu và những chỉ tiêu phấn đấu
- Hàng năm có 100% ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; ít nhất 80% ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 50% công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra tài chính cùng cấp;
- Hàng năm ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương tổ chức kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cấp dưới về tài chính, 20% về chấp hành Điều lệ Công đoàn; công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức kiểm tra ít nhất 15% công đoàn cấp dưới về tài chính, 10% về chấp hành Điều lệ Công đoàn;
- 100% dấu hiệu vi phạm khi phát hiện được kiểm tra kịp thời;
- 100% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền công đoàn được giải quyết và 70% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước và tổ chức khác liên quan đến quyền lợi của đoàn viên và người lao động công đoàn có văn bản tham gia thể hiện rõ quan điểm giải quyết;
- 100% cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương; ít nhất 80% cán bộ chuyên trách ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trình độ đại học, trong đó số cán bộ được bố trí mới từ năm 2016 trở đi đảm bảo cơ cấu 50% được đào tạo về chuyên ngành luật và 50% về chuyên ngành tài chính, kế toán;
- Trong nhiệm kỳ 100% cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên cơ sở và 70% trở lên cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra và công đoàn.
Nhiệm vụ và giải pháp
- Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo của ban chấp hành, sự chỉ đạo của ban thường vụ công đoàn các cấp đối với tổ chức và hoạt động uỷ ban kiểm tra công đoàn
- Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động ủy ban kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra
- Thường xuyên kiện toàn, củng cố tổ chức ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp
- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ uỷ ban kiểm tra công đoàn
Quy định trách nhiệm của công đoàn ngành trung ương
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với đặc điểm tình hình của từng địa phương, ngành.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn các cấp tổ chức triển khai thực hiện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn.
Tình hình triển khai Nghị quyết tại CĐCTVN
Để triển khai Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ban hành kế hoạch số 389/KH-CĐCT, ngày 07/9/2015.
Theo đó, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) là một công đoàn đa ngành nghề, hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Tính đến ngày 30/6/2015, CĐCTVN quản lý và chỉ đạo trực tiếp: 16 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 580 công đoàn cơ sở với 164.692 đoàn viên/175.470 lao động.
Tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2015, hệ thống UBKT Công đoàn Công Thương Việt Nam gồm: Cấp Ngành có 01 UBKT với 09 ủy viên; cấp trên trực tiếp cơ sở có 16 UBKT với 64 ủy viên (trong đó:có 397 UBKT trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở với 1.278 UV UBKT); cấp cơ sở có 123 đơn vị có ủy ban kiểm tra hoặc người làm nhiệm vụ UBKT với 389 ủy viên (Trong số 153 công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam có 30 đơn vị dưới 30 đoàn viên chưa có ủy ban kiểm tra hoặc người làm nhiệm vụ của UBKT. Tính chung toàn Ngành kể cả công đoàn cơ sở trực thuộc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở toàn Ngành có 542 UBKT với 1.749 ủy viên.
Kết quả đạt được
Trong thời gian qua UBKT Công đoàn các cấp trực thuộc CĐCTVN đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tích cực, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, bám sát chương trình và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, cả về thời gian và nội dung trên cơ sở quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Quy chế hoạt động của UBKT. Mặt khác UBKT CĐCTVN và UBKT công đoàn các cấp đã phát huy vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình, chỉ đạo và chủ động tổ chức chương trình công tác nên đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các biểu hiện vi phạm để xử lý; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài chính tài sản và hoạt động kinh tế công đoàn đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả và đúng chế độ, hạn chế tiêu cực, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng; giải quyết và tham gia giải quyết các khiếu nại, tố cáo phát sinh đảm bảo pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động khi có tranh chấp lao động, góp phần vào việc phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.
Tồn tại
Kết quả hoạt động của UBKT chưa được đồng đều ở các cấp, chỉ mới tập trung ở cấp Ngành và cấp trên trực tiếp cơ sở, tính chuyên nghiệp và chuyên môn hóa trong hoạt động UBKT chưa cao, đội ngũ cán bộ UBKT thường xuyên biến động, trình độ nghiệp vụ, kinh nghiệm, bản lĩnh ý chí trong công tác kiểm tra, sự am hiểu về pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ UBKT còn hạn chế, còn tư tưởng e ngại, né tránh, nể nang trong thực hiện nhiệm vụ trước yêu cầu, do sức ép của công việc và những diễn biến khó khăn, phức tạp trong hoạt động UBKT. Chất lượng một số cuộc kiểm tra chưa cao, một số đơn vị việc giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đảm bảo, công tác thông tin báo cáo hoạt động về thời gian, nội dung, số lượng báo cáo, việc tổ chức sinh hoạt UBKT một số đơn vị chưa đảm bảo.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đáng khích lệ đã đạt được, khắc phục yếu kém,tồn tại và thực hiện đảm bảo Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, giải pháp thực hiện trong Kế hoạch số Số 389/KH-CĐCT, ngày 07 tháng 9 năm 2015 như sau:
Mục tiêu
- Tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa về nhận thực trong cán bộ công đoàn các cấp trước hết trong ban chấp hành và người đứng đầu ban chấp hành về công tác kiểm tra và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn góp phần ngăn ngừa, hạn chế vi phạm về Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và các quy định của công đoàn. Bảo đảm công tác thu, phân cấp thu, phân phối nguồn thu, sử dụng, quản lý tài chính, tài sản, hoạt động kinh tế của công đoàn theo đúng quy định; giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động.
- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra, nòng cốt là đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ lãnh đạo ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Chỉ tiêu cụ thể
- Công đoàn Công Thương Việt Nam và 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, 50% công đoàn cơ sở có ủy ban kiểm tra thực hiện kiểm tra cùng cấp hàng năm về thực hiện Điều lệ hoặc tài chính. 100% dấu hiệu vi phạm Điều lệ khi phát hiện được kiểm tra.
- Hàng năm Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Công Thương Việt Nam kiểm tra ít nhất 25% công đoàn cấp dưới về tài chính và 20% về chấp hành Điều lệ. Ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra ít nhất 20% công đoàn cấp dưới về tài chính và 15% về chấp hành Điều lệ.
- 100% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của công đoàn được giải quyết, 90% đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền cơ quan nhà nước và tổ chức khác liên quan đến quyền lợi của đoàn viên và người lao động công đoàn các cấp tham gia giải quyết kịp thời, khách quan, đảm bảo pháp luật.
- 100% đơn vị thực hiện đảm bảo công tác quy hoạch cán bộ Ủy ban kiểm tra, thường xuyên kiện toàn, bổ sung khi thiếu ủy viên UBKT.
- 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 80% công đoàn cơ sở có ủy ban kiêm tra ban hành đầy đủ quy chế hoạt động, chương trình hoạt động theo định kỳ và tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp.
- Trong nhiệm kỳ 100% cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 90% cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.
Nhiệm vụ, giải pháp
- Công đoàn các cấp trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam có trách nhiệm xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết và hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Tiếp tục đổi mới phương pháp hoạt động ủy ban kiểm tra, tăng cường số lượng và nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra.
- Thường xuyên thực hiện công tác quy hoạch, kiện toàn, củng cố tổ chức ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ ủy ban kiểm tra công đoàn.
- Đảm bảo điều kiện làm việc để ủy ban kiểm tra công đoàn thực hiện đảm bảo các chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Với đặc điểm tình hình thực tế của Ngành, của Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tiến hành phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết tới các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban Kiểm tra, cán bộ nhân viên Cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam và đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam. Đối với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức hoặc phối hợp tổ chức triển khai phù hợp, đảm bảo thời gian, nội dung, đối tượng và đưa những nội dung của Nghị quyết vào các chương trình công tác hàng năm, định kỳ và sơ tổng kết theo quy định.
Công đoàn Công Thương Việt Nam và các cấp công đoàn triển khai phổ biến bằng nhiều hình thức như thông qua tổ chức các Hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm, gửi văn bản, đăng tải lên trang thông tin điện tử và nhiều hình thức phù hợp khác. Để triển khai thực hiện đảm bảo Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ, ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn đã đặt ra yêu cầu rất lớn đối với các cấp công đoàn nói chung và ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, tuy nhiên qua thực tế hoạt động cần thiết có những kiến nghị với các cấp công đoàn như sau:
Kiến nghị, đề xuất
Đối với Tổng Liên đoàn:
- Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có ý kiến tham gia với Nhà nước để có quy định, chế tài để người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật nói chung, của Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo trong việc giải quyết tranh chấp lao động.
- Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức đạo tạo, tập huấn nghiệp vụ hoạt động UBKT các cấp và vận dụng chế độ, chính sách phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ làm công tác kiểm tra như chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ tham gia các đoàn kiểm tra theo Quyết định số 12/2014/QĐ-TTg ngày 27/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Cần đưa vào chương trình đào tạo cán bộ công đoàn của các trường đào tạo cán bộ công đoàn nội dung hoạt động của UBKT là môn bắt buộc.
- Cần quy định việc tổng kết hoạt động Ủy ban kiểm tra hàng năm từ cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên như một số mảng chuyên đề khác, theo đó có chế độ động viên khen thưởng hàng năm.
Đối với BCH, BTV công đoàn các cấp trong Ngành:
- Đề nghị các cấp công đoàn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động UBKT công đoàn các cấp đảm bảo sự thường xuyên, tập trung, thống nhất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Chỉ đạo 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở kiểm tra đồng cấp, tăng cường kiểm tra cấp dưới. Chỉ đạo, đôn đốc UBKT các cấp bổ sung, hoàn thiện và ban hành các quy chế hoạt động, xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của UBKT.
- Các cấp công đoàn quan tâm thực sự đến công tác quy hoạch cán bộ ủy ban kiểm tra, đối với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần bố trí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra là cán bộ chuyên trách, tốt nhất là các phó chủ tịch kiêm nhiệm.
- Điều chỉnh tăng số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra cho phù hợp với quy định mới của Điều lệ về số lượng và có kế hoạch, chiến lược đào tạo, nâng cao trình độ của cán bộ lãnh đạo, cán bộ UBKT về tiêu chuẩn và số lượng và tiêu chuẩn đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hoạt động UBKT.
- Tăng cường tập huấn nghiệp vụ hoạt động cho UV UBKT các cấp tại một số đơn vị chưa tổ chức tập huấn, đổi mới nội dung và phương pháp trong công tác bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động UBKT.
- BCH, BTV các cấp cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ việc thực hiện chế độ thông tin báo cáo và trao đổi nghiệp vụ, nhằm đáp ứng cho nhu cầu tổng hợp báo cáo đánh giá hoạt động giúp cho công tác quản lý, điều hành hoạt động đạt kết quả.
Lê Văn Hiếu