banner2019
 
Thứ hai, ngày 13 tháng 01 năm 2025
Thứ hai, ngày 13 tháng 01 năm 2025
Chính sách Lao động - Tiền lương có hiệu lực từ tháng 9/2015
Cập nhật lúc 10:04 ngày 28/08/2015

Sau đây là những chính sách mới về Lao động – Tiền lương bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9/2015.

1. Quy định mới về hỗ trợ tạo việc làm

Ngày 09/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 61/2015/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo đó:

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 01 dự án tối đa là 01 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.

- Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận).

- Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Nghị định 61/2015/NĐ-CP  có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015.

2. Chính sách đối với lao động dôi dư tại công ty Nhà nước

Ngày 22/7/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

Theo đó, chính sách đối với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/04/2002 được hưởng nhiều chế độ ưu đãi như sau:

- Lao động nam từ đủ 55 đến 59 tuổi, nữ từ đủ 50 đến đủ 54 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.

Ngoài ra, cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi người lao động còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương và 1 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

- Trường hợp lao động nam trên 59 đến dưới 60 tuổi và nữ trên 54 tuổi đến dưới 55 tuổi, tham gia BHXH từ đủ 20 năm trở lên thì cũng được hưởng lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ trước tuổi.

Đồng thời, được hỗ trợ 0.5 tháng lương cơ sở cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Nghị định 63/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/9/2015.

3. Xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích

Ngày 14/07/2015, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Theo đó, căn cứ để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích gồm:

- Định mức lao động.

- Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

Trong đó:

- Định mức lao động do Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh ban hành làm cơ sở để xác định tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích phải bảo đảm mức trung bình tiên tiến.

- Tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.

- Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.

- Hệ số lương, hệ số phụ cấp lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và mức lương cơ bản của lao động quản lý quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Thông tư 26/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/09/2015.

4. Hướng dẫn thu thập thông tin về thị trường lao động

Từ ngày 10/9/2015, việc thu thập về cung và cầu của thị trường lao động sẽ được thực hiện dựa trên Người lao động và Người sử dụng lao động.

Nội dung này được quy định cụ thể tại Thông tư 27/2015/TT-BLĐTBXH  hướng dẫn thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động.

Theo đó thời điểm tiến hành thu thập thông tin sẽ bắt đầu vào ngày 01/7 hàng năm và kéo dài trong 30 ngày. Nội dung thu thập bao gồm:

- Đối với Người lao động: nhân khẩu học; trình độ giáo dục phổ thông; chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục - đào tạo; thông tin về vị thế việc làm, công việc đang làm, nơi làm việc, loại hình kinh tế…

- Đối với Người sử dụng lao động: thông tin định danh; ngành, nghề kinh doanh chính; tiền lương; số lượng lao động đang làm việc theo giới tính, loại lao động…

Ngoài ra, Thông tư 27/2015/TT-BLĐTBXH cũng quy định cách thức thu thập thông tin đối với Người lao động là người nước ngoài hoặc trường hợp người Việt Nam ra nước ngoài lao động.

Thông tư này thay thế Thông tư 25/2009/TT-BLĐTBXH.

5. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện Điều 52 của Luật Việc làm và một số điều của Nghị định 28/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%.

Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng bảo hiểm thất nghiệp thì 06 tháng liền kề để tính mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là bình quân tiền lương của 06 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động tối đa:

- Không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định; hoặc

- Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.

Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH  có hiệu lực từ ngày 15/09/2015 và các chế độ quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01/01/2015.

Thanh Hữu (TV PL)