banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Nâng cao ý thức tự bảo vệ cho người lao động
Cập nhật lúc 12:53 ngày 07/05/2015

Nâng cao ý thức sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) cho CNVC-LĐ  là một nội dung quan trọng trong công tác bảo hộ lao động của Công đoàn, góp phần giúp Công đoàn thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình: Bảo vệ quyền của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, bảo vệ sức khoẻ, thân thể, tính mạng, tránh các tác động thường xuyên hoặc bất thường của các yếu tố độc hại, nguy hiểm trong sản xuất, nâng cao khả năng làm việc lâu dài, liên tục của người lao động, góp phần ổn định, duy trì, phát triển sản xuất.


 

Hiện nay, nguời lao động ít quan tâm đến những rủi ro có thể xảy ra trong lao động, đánh giá thấp hiệu quả bảo vệ của các PTBVCN, còn thiếu hiểu biết về an toàn lao động, chưa quan tâm đúng mức đến sự an toàn cho chính mình khi làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, nên chưa có nhu cầu về sử dụng các phương tiện an toàn, hoặc sử dụng một cách miễn cưỡng để đối phó với những qui định của cơ quan, pháp luật...

Trang bị phương tiện BHLĐ đạt tiêu chuẩn còn bỏ ngỏ

Nhiều nguời lao động đã chọn sản phẩm kém chất lượng, không phù hợp với tính chất bảo vệ; dễ dãi, chủ quan, tùy tiện, tham rẻ mua PTBVCN không đạt tiêu chuẩn, mua hàng nhái, hàng giả, sử dụng chiếu lệ, không đúng qui cách... Việc thiếu ý thức không sử dụng hoặc sử dụng các PTBVCN kém chất lượng, sử dụng không hợp lý đã mang lại hậu quả rất nguy hiểm cho người lao động như bệnh nghề nghiệp, tàn tật hoặc chết nguời. Các kết quả khảo sát cho thấy trong tổng số 24 bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm mà nguời lao động mắc phải như viêm phổi, viêm phế quản, viêm mũi họng, bụi phổi, điếc nghề nghiệp… do nhiều nguyên nhân trong đó phần lớn do người lao động không sử dụng, hoặc sử dụng các PTBVCN không đảm bảo chất lượng.

Mặt khác, người sử dụng lao động và Công đoàn cũng chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo hộ lao động. Mặc dù Bộ luật Lao động qui định: ''Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị đầy đủ các phương tiện bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động...'' nhưng hiện tượng phổ biến trong trang cấp PTBVCN là trang bị chưa đủ về chủng loại, chưa đúng với công dụng, không đạt tiêu chuẩn đối với ngành nghề đang làm, không thay thế kịp thời khi bị hư hỏng. Quần áo bảo hộ lao động còn mang tính chất đồng phục hơn là tính chất bảo hộ lao động. Nội dung huấn luyện về công dụng, cách dùng, bảo quản... của PTBVCN cho công nhân còn bị người sử dụng lao động xem nhẹ, coi như việc mua sắm cấp phát cho công nhân là xong trách nhiệm và chính bản thân những người lao động cũng không có ý thức đòi quyền lợi về PTBVCN cho mình. Ở khu vực tư nhân và hợp tác xã có tới hơn 40% cơ sở không trang bị đủ PTBVCN cho nguời lao động. Nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra trong các nhà máy, xí nghiệp chủ yếu là do lỗi của nguời lao động, nguời sử dụng lao động vi phạm những qui định của bảo hộ lao động, đặc biệt là không sử dụng PTBVCN.

Tuyên truyền ý thức tự bảo vệ cho người lao động

Các PTBVCN có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị tác hại xấu của các yếu tố nguy hiểm và có hại phát sinh trong môi trường làm việc, nhưng những phương tiện phòng hộ này chỉ có tác dụng khi được người lao động có ý thức sử dụng đúng qui cách. Để việc nâng cao ý thức trang bị, sử dụng các PTBVCN trong CNVC-LĐ, Công đoàn cần chú ý đến các vấn đề sau:

Công đoàn cần nắm được những điều kiện cần phải được trang bị PTBVCN; các đối tượng CNVC-LĐ phải được trang bị PTBVCN; các nguyên tắc sử dụng PTBVCN được quy định tại Thông tư số 10/1998/TT-LĐTBXH ngày 28 tháng 05 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị PTBVCN.

Công đoàn cần phối hợp với người sử dụng lao động hướng dẫn họ sử dụng thành thạo các PTBVCN. Làm cho người lao động hiểu rằng khi được trang bị PTBVCN thì bắt buộc phải sử dụng theo đúng quy định trong khi làm việc. Hướng dẫn người lao động kiểm tra các PTBVCN trước khi sử dụng để đề phòng trường hợp hư hỏng bất ngờ. Phối hợp với người lao động kiểm tra định kỳ các PTBVCN, đặc biệt là các PTBVCN chuyên dùng có yêu cầu kỹ thuật an toàn cao như găng, ủng, sào cách điện, mặt nạ phòng độc, dây an toàn, phao an toàn…

Tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về tầm quan trọng của các PTBVCN và việc dùng nó để bảo vệ sức khoẻ, phòng tránh bệnh nghề nghiệp, để họ tự giác sử dụng chọn đúng chủng loại phương tiện bảo vệ, sử dụng thường xuyên, đúng mục đích, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thông qua các phong trào “Xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, phong trào “Lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”… và nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục phong phú, đa dạng khác để giáo dục cho người lao động tác phong làm việc khoa học, ý thức tự giác, kỷ luật, tác phong công nghiệp để nâng cao nhận thức của người lao động về việc sử dụng các PTBVCN nhằm đảm bảo an toàn lao động, sức khoẻ và tính mạng của chính họ.  

T.Hiền