banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Phong trào thi đua góp phần quan trọng cho phát triển sản xuất, kinh doanh ngành Công Thương
Cập nhật lúc 01:44 ngày 15/06/2015

Trong những năm qua, cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song ngành Công Thương đã đạt được kết quả nhất định. Để có được những kết quả trong sản xuất kinh doanh là nhờ sự cố gắng, tự chủ của các tập đoàn, tổng công ty, công ty, đơn vị và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành, sự đóng góp quan trọng của các phong trào thi đua rộng khắp do Công đoàn Công Thương cùng với Bộ Công Thương phát động.


Hàng năm, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đều có Chỉ thị liên tịch trực tiếp chỉ đạo, phát động phong trào thi đua với các đơn vị trong toàn Ngành. Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn và tình hình thực tế, các đơn vị, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, phát động phong trào thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu như các phong trào: “Tiết kiệm 10 đồng tiền vàng trên một đơn vị sản phẩm” của TCty Thuốc lá Việt Nam, phong trào “Xây dựng cửa hàng văn minh kiểu mẫu”, “Cửa hàng trưởng giỏi”, “Bán hàng giỏi” của Tập đoàn Xăng dầu, phong trào “Dạy tốt, học tốt”, “Mỗi thầy cô là tấm gương sáng trong học tập, rèn luyện” của khối các trường đào tạo, phong trào “Xanh-sạch-đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cuộc vận động “ưu tiên sử dụng hàng sản xuất trong ngành, trong nước”… và nổi bật hơn cả là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do các cấp công đoàn phát động được đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động và lãnh đạo chuyên môn nhiệt tình hưởng ứng.

Thông qua các phong trào thi đua, năm 2014 toàn Ngành đã có gần 25.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 600 tỷ đồng, tiết kiệm 180 tỷ đồng tiền vật tư nguyên liệu. Nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Những sáng kiến, sáng tạo tiêu biểu được Tổng Liên đoàn LĐVN xét tặng 165 Bằng lao động sáng tạo, trong đó có nhiều công nhân lao động trực tiếp. Tổng Liên đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã gắn biển cho 20 công trình  hoàn thành trước thời hạn, có giá trị kinh tế, chất lượng cao với tổng giá trị các công trình hơn 20 tỷ đồng. Từ phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo", nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh khen thưởng cao, chỉ riêng năm 2014 đã có 55 công nhân trực tiếp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 85 người được Tổng Liên đoàn tặng Bằng khen và 85 người được Bộ Công Thương tặng Bằng khen.

Năm 2015, Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức biểu dương, khen thưởng 173 cá nhân, xuất sắc trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đại diện cho gần 200 ngàn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành báo cáo thành tích chào mừng hội nghị thi đua các cấp tiến tới Đại hội thi đua ngành Công Thương và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.

Đồng hành cùng với phong trào thi đua và người lao động còn có các nhà quản lý tận tâm, tận lực, luôn coi trọng lợi ích của người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa vì sự phát triển ổn định bền vững của doanh nghiệp. 51 “Nhà quản lý vì người lao động” được biểu dương năm 2015 là những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong quản lý kinh doanh, trong gắn kết, chăm lo đến người lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp, của Đất nước.

Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân lao động là sự tiếp nối truyền thống tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Ra đời vào năm 1989 do Tổng Liên đoàn LĐVN phát động, đến nay vừa tròn 26 năm, phong trào "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" ngày càng khẳng định được ý nghĩa to lớn khi đáp ứng được những yêu cầu trong thời kỳ đổi mới đất nước, góp phần hình thành đội ngũ nữ công dân ưu tú. Phong trào có giá trị cổ vũ động viên rất lớn, đánh thức những tiềm năng to lớn trong mỗi người phụ nữ, giúp chị em thêm bản lĩnh, tự hào và tự tin vươn lên thành đạt trong cuộc sống.

Với số lượng 58.602 nữ trên tổng số 176.171 người (chiếm tỷ lệ 33,26% lao động tại các đơn vị do Công đoàn Công Thương VN quản lý), nữ CNVCLĐ hoạt động  ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và quản lý nhà nước. Bất cứ lĩnh vực nào, nữ CB,CNVCLĐ đều nỗ lực làm việc với sự tận tuỵ, trách nhiệm và tính sáng tạo cao, luôn bám sát mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả. Trong 5 năm qua, đã có hơn 2.000 sáng kiến, gần 100 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ do chị em chủ trì được nghiệm thu và ứng dụng vào thực tế; đã có 52 chị vinh dự được Tổng Liên đoàn LĐVN tặng Bằng Lao động sáng tạo. Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2011-2015, Tổng Liên đoàn đã tặng 5 tập thể nữ Cờ thi đua xuất sắc, tặng bang khen cho 10 tập thể nữ, 20 cá nhân nữ tiêu biểu, gần 250.000 lượt chị đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” từ cấp cơ sở đến cấp Ngành.

Không chỉ xuất sắc trong công việc, các chị còn là người vợ đảm, dâu hiền, làm tròn nhiệm vụ của người mẹ, người vợ, người con trong gia đình, cân bằng trong các mối quan hệ, linh hoạt, khoa học trong việc sắp xếp việc cơ quan, việc nhà, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, đảm bảo hạnh phúc gia đình tạo thêm động lực phấn đấu trong công tác. Sơ kết phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2011 - 2015 Công đoàn Công Thương Việt Nam biểu dương tặng cờ cho 03 tập thể, tặng bằng khen cho 49 tập thể, 51 cá nhân xuất sắc, tiêu biểu của các đơn vị trong Ngành.

Phong trào thi đua đã góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiệm vụ chính trị của các đơn vị, doanh nghiệp và ngành Công Thương. Thông qua phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã mang lại giá trị cao về vật chất và tinh thần, tạo sự gắn bó doanh nghiệp với người lao động, tạo sự đồng cảm giữa người sử dụng lao động và người lao động. Qua triển khai các phong trào thi đua đã phát hiện các nhân tố, điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt việc tốt có nhiều đóng góp tích cực trong sự phát triển Ngành. Việc tổ chức phong trào thi đua dần khắc phục tính hình thức, chú trọng hiệu quả qua việc xác định mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp tiêu chí của từng đơn vị, mang tính thực tiễn gắn hiệu quả kinh tế với chất lượng sản phẩm, thương hiệu, gắn với quyền lợi, thu nhập của người lao động.

Từ thực tiễn tổ chức các phong trào thi đua trong thời gian qua, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm:

Cần nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác thi đua, các cấp công đoàn cần quán triệt thi đua là biện pháp quan trọng thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phong trào quần chúng, là yếu tố quan trọng gắn kết người lao động, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên môn trong việc lãnh đạo chỉ đạo phong trào thi đua; Công đoàn phải là hạt nhân nòng cốt trong việc triển khai tổ chức các phong trào thi đua.

Tổ chức tuyên truyền thi đua từ ngành đến cơ sở, để mọi người biết, ủng hộ và tham gia. Công tác tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua cần được quan tâm bồi dưỡng, đào tạo để đáp ứng với tình hình mới.

Năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, là năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và chuẩn bị cho Đại hội thi đua của Tổng Liên đoàn, Ngành Công Thương và Đại hội thi đua toàn quốc. Cũng là năm mà kinh tế - xã hội Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng không ít khó khăn thách thức. Để đạt được các mục tiêu Đảng, Chính phủ, Quốc hội giao cho Ngành Công Thương và thực hiện các Chương trình của Tổng Liên đoàn, của Công đoàn  Công Thương Việt Nam, các cấp công đoàn và người lao động trong Ngành cần tiếp tục triển khai các phong trào thi đua theo tinh thần Chỉ thị 01/CTLT-BCT-CĐCT ngày 05/01/2015 của Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam. Biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân lao động giỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, tôn vinh những lao động có tay nghề cao, những nhà kinh doanh và quản lý doanh nghiệp giỏi gắn bó với người lao động, với tổ chức công đoàn để phong trào thi đua thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị và ngành Công Thương

Nguyễn Xuân Thái