banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Giải pháp nào cho phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI
Cập nhật lúc 11:10 ngày 04/06/2015

Nền kinh tế mà nước ta lựa chọn là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế nhiều thành phần là một trong những nội dung quan trọng nhất của đường lối đổi mới của Đảng. Nhiều năm qua, các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phát triển và mở rộng trên cả nước. Cùng với đó số lượng CNLĐ cũng tăng lên không ngừng.

Theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn và Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thì sau sáu tháng đi vào hoạt động, doanh nghiệp phải tạo điều kiện để tổ chức Công đoàn được thành lập. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nhưng vẫn né tránh, trì hoãn và không tạo điều kiện cho người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp. Do vậy, việc thành lập tổ chức CĐ và phát triển đoàn viên trong các DN ngoài nhà nước là rất khó khăn.

Ảnh minh họa

Khó từ nhiều phía

Đa số công nhân lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tuổi đời trẻ, xuất thân từ lao động nông nghiệp. Việc tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp còn đơn giản. Phần lớn công nhân chưa được đào tạo cơ bản. Nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động vừa làm việc, vừa đào tạo tại chỗ, chưa chú trọng rèn luyện tác phong công nghiệp, lập trường giai cấp cho công nhân lao động. Do đó, nhận thức của người lao động về chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp và chất lượng lao động còn hạn chế.

Đời sống tinh thần của người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Người lao động làm việc với cường độ và thời gian khá cao, thu nhập thất thường không đủ trang trải nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Đa số công nhân chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn, hoặc có thời hạn. Các chế độ làm thêm giờ, thời gian nghỉ ngơi, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động ở nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện tốt.

Các cuộc ngừng việc và đình công không đúng quy định của pháp luật ngày một tăng với nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó, nguyên nhân cơ bản là tiền lương thấp, thu nhập thực tế giảm sút, điều kiện sống trước mắt cũng như lâu dài không đảm bảo; nhiều bức xúc dồn nén không được chủ doanh nghiệp giải quyết kịp thời; hiểu biết của người lao động về chính sách pháp luật và công đoàn còn hạn chế. Một số nơi, người lao động coi ngừng việc và đình công là giải pháp đầu tiên thay cho thương lượng, đối thoại. Nhiều nơi, người lao động chưa yên tâm và xác định công tác lâu dài trong doanh nghiệp, luôn có tư tưởng chuyển nghề hoặc tìm nghề mới, không thiết tha đóng bảo hiểm xã hội và gia nhập tổ chức công đoàn.

Đối với công đoàn cơ sở, tuy đã được pháp luật trao quyền tổ chức lãnh đạo và đình công, song do có sự phụ thuộc về việc làm và thu nhập của chủ tịch công đoàn cơ sở và Ban Chấp hành công đoàn với chủ sử dụng lao động (do họ đều là người lao động trong doanh nghiệp), nên đã tạo thành rào cản và là nguyên nhân dẫn đến công đoàn cơ sở chưa thực sự đại diện, bảo vệ công nhân và thực hiện vai trò tổ chức lãnh đạo đình công theo quy định.

Cán bộ công đoàn cơ sở chưa được dành thời gian phù hợp cho hoạt động công đoàn. Một số chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước cho rằng, khi thành lập công đoàn cơ sở thì doanh nghiệp sẽ phải trích kinh phí công đoàn theo luật định; công đoàn sẽ thực hiện các quyền kiểm tra, giám sát tại đơn vị, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Trên thực tế, việc vận động, thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp thành công hay không chủ yếu là do chủ doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng cố tình trì hoãn việc thành lập tổ chức công đoàn với các lý do khác nhau.

Cán bộ công đoàn cơ sở hoạt động kiêm nhiệm phụ thuộc vào giới chủ, ít có điều kiện tham gia tập huấn nghiệp vụ công đoàn. Vì vậy, còn bộc lộ nhiều hạn chế, non kém nghiệp vụ, ngại đấu tranh va chạm, sợ chuyển công tác khác hoặc mất việc làm. Hiện tại, chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn khi bị phân biệt dối xử chưa cụ thể, chưa tạo niềm tin cho cán bộ công đoàn và người lao động, dẫn đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn ở cơ sở chưa thực sự được phát huy.

Kinh nghiệm và giải pháp

Trước thực trạng đó, tổ chức Công đoàn cần có những biện pháp để đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS ở khối các doanh nghiệp này nhằm bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, cũng như đảm bảo cho hoạt động công đoàn cơ sở nhiệm kỳ tới đạt hiệu quả. Điều này đòi hỏi các cấp công đoàn, đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn phải có giải pháp sáng tạo để chấn chỉnh tình trạng này. Qua tham khảo và thực tế chỉ đạo, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau nhằm đem lại hiệu quả cao, đó là: Nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo và dạy nghề; đào tạo kiến thức văn hóa, ứng xử trong doanh nghiệp, nhận thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp cho người lao động ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế Nhà trường; Cần quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động, có chính sách cụ thể về xây dựng nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp tập trung, với giá ưu đãi hoặc trả góp phù hợp với điều kiện thu nhập và sinh hoạt của người lao động; đề nghị Đảng, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, bổ sung, rà soát hoàn thiện chính sách tuyển dụng lao động, nhằm ràng buộc người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia quá trình đào tạo, đào tạo lại cho người lao động; đồng thời có chính sách thỏa đáng nhằm bảo vệ cán bộ công đoàn yên tâm công tác khi bị phân biệt đối xử; Đẩy mạnh tuyên truyền giác ngộ chính trị, lập trường giai cấp công nhân, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong CNVCLĐ. Mặ khác, Nhà nước có chế tài đủ mạnh, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ chính sách đối với người lao động và các doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa chấp hành việc thành lập công đoàn cơ sở theo quy định.

Về cách thức vận động người lao động tham gia tổ chức công đoàn và làm việc với chủ sử dụng lao động để thành lập công đoàn, tổ chức công đoàn cần nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp (như: Số lượng các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô, loại hình sản xuất, vốn pháp định, địa chỉ trụ sở, người đăng ký pháp nhân… nhằm mục đích theo dõi đầy đủ, chính xác các doanh nghiệp).

Thứ hai, phân công cán bộ xuống địa bàn, nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, nhưng chưa vào trong DN làm việc chính thức. Vì đối với DN, các thông tin trong bảng đăng ký thành lập thường khác nhiều so với thực tế triển khai. Bởi vậy, việc nắm bắt thông tin tại DN phải hết sức cụ thể, chi tiết. Mục đích của việc làm này là để khi bàn về vấn đề thành lập CĐCS với chủ DN, công đoàn cấp trên cơ sở có đầy đủ thông tin về DN, nhằm tạo ấn tượng và tăng cường vai trò ảnh hưởng ngay từ buổi gặp đầu.

Thứ ba, cần phân loại doanh nghiệp. Sau khi có các dữ liệu của từng DN, đối chiếu với tiêu chuẩn thành lập tổ chức CĐ, công đoàn cấp trên cơ sở phân loại và lập danh sách những đơn vị đủ điều kiện thành lập tổ chức CĐ. Mục đích là xác định cho được những DN đủ điều kiện thành lập CĐ để các buổi làm việc bàn về việc thành lập tổ chức CĐ không dàn trải, không mất thời gian và đem lại hiệu quả cao.

Thứ tư, tổ chức đoàn công tác đến doanh nghiệp vận động thành lập tổ chức công đoàn. Thành phần đoàn gồm: Lãnh đạo chính quyền địa phương (các phòng ban chức năng), công đoàn cấp trên, lãnh đạo UBND xã, thị trấn sở tại có doanh nghiệp đóng trụ sở. Sở dĩ cần đông và đủ các thành phần như trên là vì hầu hết các DN đều cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, và để có thể thành lập và đưa doanh nghiêp vào hoạt động, trước đó DN đã có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của cấp ủy, chính quyền nên DN sẽ bố trí thời gian làm việc với đoàn và hiệu quả buổi làm việc sẽ cao hơn.

Thứ năm, trường hợp doanh nghiệp không tiếp đoàn đến làm việc bàn về thành lập tổ chức CĐ, với những lý do sau:

- Chủ DN thường lẩn tránh bằng cách tìm các lý do để khước từ khéo, như bận công việc, không có nhà, công tác xa, đang ký kết hợp đồng với đối tác… Cách xử lý: Để tránh tình huống này có thể xảy ra thì cán bộ công đoàn phải có cách làm việc khoa học. Cụ thể là phải gửi công văn cho DN về buổi làm việc. Nội dung công văn yêu cầu rõ về đối tượng cần làm việc, hợp tác là chủ DN. Nếu chủ DN đi vắng thì cử đại diện thay, nhưng phải có giấy ủy quyền.

- Chủ doanh nghiệp lấy lý do không nhận được công văn của CĐ về buổi làm việc để khước từ làm việc với CĐ. Cách xử lý: Công đoàn cấp trên gửi công văn làm việc với DN và gửi qua bưu điện bằng thư bảo đảm.

- Chủ doanh nghiệp viện lý do rất ít thời gian: Để buổi làm việc đạt kết quả cao, để không ảnh hưởng nhiều tới thời giờ của DN, do đặc thù của DN, thì cán bộ công đoàn phải có chương trình làm việc ngắn gọn, khoa học và có sự chuẩn bị kỹ. Cách xử lý: Công đoàn cấp trên gửi trước chương trình làm việc, có dự kiến thời gian cụ thể, sao cho buổi làm việc có nội dung ngắn gọn nhất, không ảnh hưởng nhiều tới thời giờ của DN. Chuẩn bị kỹ các tài liệu như tờ rơi tuyên truyền về thành lập tổ chức CĐ, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động…Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế…           

Thứ sáu, làm việc với phòng nhân sự. Để có thể kết nạp đoàn viên công đoàn đạt tỷ lệ cao trong DN, công đoàn cấp trên cần có sự phối hợp và thống nhất với phòng nhân sự của các DN. Đó là, khi phòng nhân sự nhận hồ sơ và tổ chức xét tuyển công nhân vào làm việc, sẽ phát tờ rơi tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm của CNLĐ khi gia nhập tổ chức CĐ và đơn xin gia nhập tổ chức CĐ để cho CNLĐ tham khảo, nghiên cứu. Làm như vậy, thời gian tuyên truyền vận động của CĐ sẽ giảm, tỷ lệ CNLĐ gia nhập tổ chức CĐ sẽ cao.

An Nguyễn