banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Vai trò của Công đoàn trong nền kinh tế thị trường
Cập nhật lúc 04:23 ngày 24/04/2015

Trước những biến đổi về cơ cấu xã hội, quan hệ xã hội và tâm lý xã hội do nền kinh tế thị trường tạo ra, công đoàn với vị trí “Là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động tự nguyện lập ra dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, là thành viên trong hệ thống chính trị - xã hội Việt Nam, là trường học CNXH của người lao động”, đòi hỏi hoạt động cần phải đổi mới các nội dung cơ bản sau:


1. Đổi mới tư duy nhận thức, lý luận:

Về 2 tính chất giai cấp và quần chúng: Hai tính chất này có quan hệ gắn bó với nhau. Trong hoạt động Công đoàn không được coi nhẹ một tính chất nào. Nếu chỉ coi trọng tính chất giai cấp thì về mặt tổ chức sẽ bị bó hẹp, tự thu mình lại và trên thực tế sẽ khó tồn tại đúng với bản chất của tổ chức Công đoàn, ngược lại chỉ coi trọng tính chất quần chúng thì sẽ dẫn đến xa rời mục tiêu chính trị, biến thành phường hội, sai lệch phương hướng hành động cách mạng và cũng không đúng với bản chất của Công đoàn cách mạng. 

Nên ta phải hiểu Đảng lãnh đạo Công đoàn, sự lãnh đạo đó không phải ngẫu nhiên, áp đặt mà Đảng chỉ lãnh đạo về mặt chính trị, tư tưởng. Song rất tôn trọng tính độc lập về mặt tổ chức và hoạt động của Công đoàn. Lênin đã nói: “Trong công tác, Đảng dựa trực tiếp vào Công đoàn …” Do vậy Công đoàn là chỗ dựa của Đảng.

Quan hệ giữa Công đoàn với Nhà nước là sự thống nhất công tác, giúp đỡ lẫn nhau, tôn trọng, bình đẳng trong mọi hoạt động cùng vì mục đích chung là xây dựng CNXH “Dân giàu, nước mạnh, Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Công đoàn thực hiện kiểm tra hoạt động của Nhà nước, giúp các cơ quan Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình, chống bệnh quan liêu, hành chánh trong các hoạt động Nhà nước. Đó chính là quan điểm lấy dân làm gốc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Nhà nước là người bảo đảm lợi ích người lao động, Công đoàn là người bảo vệ lợi ích người lao động, có cái bảo đảm mới có cái bảo vệ.

Với 3 chức năng: chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của CNVC-LĐ, tham gia quản lý và giáo dục, vận động. Trong đó chức năng bảo vệ lợi ích mang ý nghĩa là trung tâm, là mục tiêu hoạt động của Công đoàn, bởi vì “Công đoàn sinh ra, tồn tại và phát triển là để bảo vệ lợi ích cơ bản, lâu dài và lợi ích hàng đầu của người lao động”. Trong kinh tế thị trường cần hết sức coi trọng chức năng bảo vệ lợi ích CNVC-LĐ. Bảo vệ lợi ích người lao động không mang tính chất đối kháng giai cấp, không mang tính chất một mất một còn. 

- Chức năng giáo dục mang ý nghĩa tạo động lực tinh thần, là điều kiện xã hội để Công đoàn hoàn thành nhiệm vụ của mình.

- Chức năng tham gia quản lý mang ý nghĩa điều kiện, phương tiện đạt mục tiêu.

2. Đổi mới các nội dung hoạt động của Công đoàn:

- Tổ chức các phong trào thi đua: Phải coi trọng thi đua là phong trào cách mạng quần chúng, vì vậy phải coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục vận động quần chúng tự nguyện, tự giác thi đua. Thi đua phải gắn chặt và thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, của đơn vị, coi trọng chất lượng và hiệu quả.

- Bảo vệ lợi ích và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động: muốn vậy Công đoàn phải tham gia quản lý cơ quan, đơn vị. Cần nói rõ thêm Công đoàn tham gia quản lý không có nghĩa là làm thay công việc quản lý của Chính quyền. Việc tham gia quản lý thông qua các hình thức sau: Tổ chức hội nghị CBCC nhằm “Thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan”. Tham gia các hội nghị tư vấn trong cơ quan như: Hội đồng khoa học, hội đồng nâng lương, hội đồng kỷ luật, khen thưởng … Tổ chức đối thoại, hội nghị liên tịch, tổ chức chỉ đạo hoạt động ban Thanh tra nhân dân, tổ chức các phong trào thi đua, tham gia giải quyết khiếu nại - tố cáo các tranh chấp lao động, tổ chức các hội nghị chuyên đề.

- Xây dựng CĐCS vững mạnh: Củng cố, ổn định hệ thống tổ chức Công đoàn. Xây dựng quy chế làm việc Ban chấp hành, xây dựng quy chế phối hợp làm việc với Chuyên môn. Đặc biệt chú trọng kiện toàn các tổ Công đoàn, nội dung hoạt động của tổ Công đoàn “3 giúp, 1 thực hiện” phải được chương trình hóa. Nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của cán bộ công đoàn.

3. Đổi mới phương pháp hoạt động Công đoàn:

Trong hoạt động không được mệnh lệnh, hách dịch, cửa quyền, quan liêu, độc đoán mà phải coi trọng thuyết phục, giáo dục, vận động, phát huy tính tự nguyện, tích cực, năng động, sáng tạo của quần chúng. Tránh nặng về hội họp, ra nhiều văn bản, nghị quyết mà thiếu sự kiểm tra, đôn đốc.

4. Đổi mới tổ chức, cán bộ Công đoàn: 

- Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ. Bố trí, sắp xếp sử dụng hợp lý cán bộ trên nguyên tắc: Vì việc tìm người chứ không vì người tìm việc.

- Cần đánh giá đúng năng lực cán bộ Công đoàn, coi trọng năng lực thực tế, năng lực trí tuệ, năng lực khoa học. không đánh giá dựa theo cảm tính.

- Công tác Công đoàn được coi như một “nghề”. Từ đó có chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, có chế độ, chính sách động viên, khuyến khích cán bộ tích cực trong hoạt động Công đoàn. Có cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn trong cơ chế thị trường.

5. Đổi mới công tác chỉ đạo, thực hiện:

Trong quá trình tổ chức, chỉ đạo, thực hiện hoạt động Công đoàn phải thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tránh coi kiểm tra là xử lý kỷ luật, mà coi kiểm tra là giúp đỡ, uốn nắn.

- Trong kiểm tra đòi hỏi người cán bộ Công đoàn phải biết lắng nghe ý kiến quần chúng, biết nắm bắt thông tin nhiều chiều, xử lý thông tin một cách khách quan khoa học, nhằm phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ quần chúng, Ngoài ra còn đòi hỏi người cán bộ Công đoàn phải biết tự nghiên cứu, tìm hiểu các chế độ chính sách để tham mưu chính quyền thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho CNVC.LĐ.

- Trong các hoạt động phải sơ kết, tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm. Thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn.

Nguyễn Đình Thám