banner2019
 
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Thứ năm, ngày 19 tháng 12 năm 2024
Quy định bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại cơ sở - Còn nhiều khó khăn khi thực hiện
Cập nhật lúc 07:05 ngày 05/05/2015

Công đoàn cơ sở (CĐCS) - nơi tiếp xúc trực tiếp với đoàn viên, người lao động, triển khai thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ của Công đoàn. Để CĐCS hoạt động tốt cần những quy định, chính sách thu hút cán bộ có năng lực, nhiệt tình, Tổng Liên đoàn LĐVN đã ban hành nhiều quyết định về bố trí cán bộ, tiền lương, chế độ đối với cán bộ chuyên trách công đoàn tại cơ sở. 

Ngày 06/ 3/2002, Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định 395/QĐ-TLĐ quy định biên chế cán bộ chuyên trách CĐCS trong doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp khu vực Nhà nước. Với quá trình chuyển đổi, phát triển các loại hình doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, ngày 25/4/2011 Tổng Liên đoàn lại có Quyết định 525/QĐ-TLĐ ban hành quy định tạm thời về tiền lương, phụ cấp cán bộ công đoàn chuyên trách CĐCS khu vực ngoài Nhà nước và gần đây, ngày 31/12/2014, Tổng Liên đoàn có Quyết định 1617/QĐ-TLĐ ban hành Quy định về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách tại cơ sở trong doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lúng túng trong khi áp dụng.

CĐCS là nơi tiếp xúc trực tiếp với đoàn viên và người lao động (ảnh minh họa)

Thứ nhất, biên chế cán bộ chuyên trách ở CĐCS từ nhiều năm thực hiện theo các quy định cũ (có 500 lao động trở lên được bố trí một cán bộ công đoàn chuyên trách), sau khi thỏa thuận với lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn cấp trên có quyết định tiếp nhận là cán bộ chuyên trách công đoàn, hưởng lương từ nguồn tài chính CĐCS, hầu hết không có trường hợp nào ký HĐLĐ, HĐ làm việc. Chính vì vậy, những năm trước địa vị pháp lý của cán bộ CĐCS chuyên trách cơ sở không rõ thuộc đối tượng điều chỉnh theo Luật nào (Luật Lao động, Luật Viên chức thì cán bộ công đoàn chuyên trách không phải ký HĐLĐ, HĐ làm việc, Luật Cán bộ công chức cũng không phải vì không theo quy trình tuyển dụng, không hưởng lương theo bảng lương sự nghiệp). Theo Quyết định 1617 điều kiện bố trí cán bộ chuyên trách CĐCS phải “đủ 1.000 đoàn viên thuộc đối tượng tính quỹ tiền lương đóng BHXH”, như vậy sẽ có nhiều CĐCS không đủ điều kiện để bố trí chuyên trách, người sử dụng không đồng ý trả lương từ nguồn tài chính của doanh nghiệp, không bố trí sắp xếp công việc mới và cũng không thể điều động về công đoàn cấp trên do không còn chỉ tiêu biên chế. Những cán bộ này sẽ phải giải quyết ra sao ?

Thứ hai, Quyết định 1617 nêu khá rõ đối tượng là cán bộ chuyên trách công đoàn gồm: Cán bộ chuyên trách công đoàn bố trí làm việc có thời hạn tại cơ sở, người đang làm việc thường xuyên của CĐCS do CĐCS trả lương, người làm việc thường xuyên của Công đoàn những do doanh nghiệp trả lương. Như vậy điều cần chú ý là khi quyết định công nhận chuyên trách công đoàn cần phải ghi rõ là do ai trả lương để bảo đảm quyền lợi lâu dài cho cán bộ.

Một điều mới (có từ Quyết định 525/QĐ-TLĐ) nhưng chắc rằng rất ít nơi đã thực hiện là sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động, công đoàn cấp trên xem xét quyết định công nhận hoặc “ký hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc với cán bộ công đoàn chuyên trách”. Chưa thực hiện bởi chưa có hướng dẫn cụ thể, kỹ hơn nữa. Đơn cử một ví dụ, anh A ký HĐLĐ không xác định thời hạn với doanh nghiệp nhưng được bầu giữ chức chủ tịch CĐCS nhiệm kỳ 5 năm. Theo đề nghị của Công đoàn, anh A đồng ý, người sử dụng lao động đồng ý, anh A sẽ ký HĐLĐ với Công đoàn (cấp trên trực tiếp) thời hạn là bao nhiêu ? Chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp như thế nào?  Nếu nhiệm kỳ tiếp theo không được bầu vào BCH nữa sẽ giải quyết ra sao ?

Phần lớn cán bộ CĐCS chuyển thành chuyên trách do được bầu giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch) và sau khi là chuyên trách đều hoạt động công đoàn đến lúc nghỉ hưu (chỉ có số ít chuyển sang nhận chức vụ chuyên môn hoặc chuyển công tác nơi khác) vì vậy, cán bộ chuyên trách CĐCS gắn bó với công đoàn, coi đó là “nghề” của mình. Để giải quyết việc đang từ “biên chế chuyên trách” sang “ký HĐLĐ, HĐ làm việc” cũng không phải là vấn đề đơn giản với mỗi cán bộ.     

Thứ ba, việc thực hiện chế độ tiền lương với cán bộ chuyên trách công đoàn ở CĐCS phần lớn đang áp dụng theo bảng lương Nghị định 205/2004/NĐ-CP và quy định 128-QĐ/TW ngày 14/12/2004 của Ban Bí thư Trung ương. Vì vậy nhiều người đang hưởng lương kỹ sư, chuyên viên được bầu là Chủ tịch CĐCS, chuyển thành cán bộ chuyên trách công đoàn áp dụng hưởng lương tương đương phó giám đốc công ty loại I, II, III. Nếu bây giờ phải sắp xếp ký HĐLĐ, HĐ làm việc sẽ vận dụng như thế nào cho hợp lý để cán bộ công đoàn không bị ảnh hưởng khi công việc, chức vụ vẫn không thay đổi.

Trong quy định đều có nhiều nội dung “thỏa thuận với người sử dụng lao động” giải quyết bố trí sắp xếp công việc hoặc hỗ trợ tiền lương… nhưng trên thực tế hiện nay để người sử dụng lao động đồng ý ủng hộ những điều này rất khó, nhất là đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Một vài vấn đề nêu lên để các Ban tham mưu cho Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn có hướng dẫn cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị cơ sở./.

Nguyễn Xuân Thái