banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Nhận diện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp
Cập nhật lúc 04:22 ngày 03/04/2015

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility) được hiểu là cam kết hoạt động kinh tế của doanh nghiệp một cách có đạo đức và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của người lao động, gia đình, cộng đồng địa phương và xã hội nói chung.

Việc thực hiện trách nhiệm xã hội vừa mang tính bắt buộc, vừa mang tính tự nguyện, thông qua cam kết bằng văn bản với các nội dung có liên quan. Trách nhiệm xã hội được thể chế hóa trong các Bộ quy tắc ứng xử, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể, được hiểu là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, với toàn xã hội thông qua sản phẩm của mình, bằng cách tuân thủ pháp luật và các vấn đề về lao động, môi trường cũng như các yêu cầu khác.

Mang lại nhiều lợi ích

Mục tiêu thực hiện trách nhiệm xã hội là nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn xã hội và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất, kinh doanh và phát triển doanh nghiệp bền vững; tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người lao động. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh và tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, người lao động, khách hàng, cộng đồng và xã hội.

Đối với doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp; duy trì thu hút nguồn lao động có chất lượng cao; giảm chi phí và tăng năng suất lao động; tăng doanh thu và thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật lao động và các tiêu chuẩn quốc tế về lao động.

Đối với người lao động, việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ tạo điều kiện cho người lao động phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần, do họ được làm việc trong điều kiện đảm bảo các quyền lợi về chế độ lao động, điều kiện về lao động và môi trường.

Đối với khách hàng, sẽ giúp thỏa mãn những yêu cầu cơ bản của khách hàng đặt ra đối với doanh nghiệp: Sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý được sản xuất trong một môi trường sạch và các vấn đề xã hội được đảm bảo.

Đối với cộng đồng xã hội, thực hiện trách niệm xã hội gắn liền với bảo vệ môi trường, tạo không gian sạch, an toàn, hạn chế tối đa bệnh tật do ô nhiễm gây ra; đồng thời được thể hiện qua các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, nhân đạo, từ thiện.

Do đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được thể hiện một cách cụ thể trên các mặt sau: Bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng xã hội, thực hiện tốt trách nhiệm với nhà cung cấp, bảo đảm lợi ích và an toàn cho người tiêu dùng, quan hệ tốt với người lao động, đảm bảo lợi ích cho người sử dụng lao động và người lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, bốn yếu tố đầu thể hiện trách nhiệm bên ngoài của doanh nghiệp, hai yếu tố cuối thể hiện trách nhiệm bên trong, nội tại của doanh nghiệp. Tất nhiên, sự phân chia này chỉ mang ý nghĩa tương đối. Theo tài liệu "Vai trò Công đoàn nhằm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ở Việt Nam được cụ thể hóa với 12 nội dung gồm: Lao động trẻ em; lao động cưỡng bức; lao động nữ an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo môi trường; xây dựng nội quy, quy chế doanh nghiệp, ký kết thỏa ước lao động tập thể; cấm phân biệt đối xử và lạm dụng, quấy rối tại nơi làm việc; tiền lương, tiền công và bảo hiểm xã hội; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; hệ thống quản lý minh bạch, phòng chống tham nhũng; các hoạt động hỗ trợ cộng đồng; tổ chức công đoàn và xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp bền vững.

Những yếu tố cần thiết để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội

Để doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đòi hỏi có các yếu tố và điều kiện thúc đẩy cụ thể.

Đối với doanh nghiệp, trước hết doanh nghiệp cần tự nguyện thực hiện nghiêm túc trách nhiệm xã hội và xác định đây là một trong những công cụ đảm bảo thực hiện thành công chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội không thể cổ động hô hào để hình thức bề ngoài, hay những hoạt động từ thiện đơn thuần, trong khi ngay tại nội bộ doanh nghiệp vẫn còn biểu hiện vi phạm pháp luật, ứng xử thiếu văn hóa. Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp tự thân nó cũng được coi là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Vì thế, những người đứng đầu doanh nghiệp phải tin tưởng vào lợi ích quan trọng khi thực hiện các nội dung này, để chủ động xây dựng kế hoạch, đầu tư, hỗ trợ và trực tiếp xúc tiến việc thực hiện. Những thành viên trong doanh nghiệp cần nêu cao nhận thức và làm hết sức mình khi thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Để phát triển bền vững, doanh nghiệp phải song hành thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng việc gia tăng lợi nhuận từ nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đây là điều kiện cần và đủ để bổ sung cho nhau. Có tiềm lực kinh tế, mới có thể thực hiện tốt trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Ngược lại, thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp có thể không làm gia tăng lợi nhuận như mong muốn ở mục tiêu ngắn hạn, nhưng sẽ đem lại lợi nhuận cao và bền vững trong mục tiêu lâu dài, góp phần tạo dựng niềm tin và sự ủng hộ của Nhà nước, công chúng, đối tác và của chính người lao động trong doanh nghiệp.

Về phía Nhà nước, thông qua việc ban hành các chế độ, chính sách và quá trình quản lý xã hội, điều hành các hoạt động của các cấp, các ngành, các lĩnh vực để đạt được mục tiêu đề ra, Nhà nước cần tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật lao động, bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xem xét để xây dựng, ban hành các quy định cụ thể liên quan đến việc tăng cường mạnh mẽ các cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện các nội dung trách nhiệm xã hội doanh nghiệp.

Về phía công đoàn, công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp cần coi việc thực hiện trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là một nội dung cơ bản trong hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, vận động chủ doanh nghiệp thực hiện các nội dung của "trách nhiệm xã hội" và chọn ra những vấn đề, những lĩnh vực mà công đoàn quan tâm, có thể trực tiếp chủ trì hoặc phối hợp tham gia cùng với chủ doanh nghiệp. Chủ động lồng ghép các yêu cầu về lao động trong việc thực hiện trách nnhiệm xã hội doanh nghiệp và áp dụng "Bộ quy tắc ứng xử" của doanh nghiệp sao cho phù hợp với pháp luật Việt Nam, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Công đoàn cần chuyển mối quan hệ chủ - thợ thuần túy thành mối quan hệ đối tác, hợp tác tích cực.

Khi thực hiện trách nhiệm xã hội là thể hiện sự thay đổi trong cách tiếp cận, ứng xử với con người, môi trường và xã hội. Nó không hoàn toàn chỉ là sự đóng góp của doanh nghiệp mang tính chất nhân đạo, từ thiện được trích ra từ lợi nhuận của doanh nghiệp, mà đó là việc làm thường xuyên, liên tục ngay tại nơi làm việc, chứ không phải phong trào, mang tính chất thời điểm và ở ngoài xã hội.

An Nguyễn