banner2019
 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024
Xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn
Cập nhật lúc 10:04 ngày 04/03/2015

Các hành vi nghiêm cấm

Điều 9 Luật Công đoàn quy định nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền công đoàn là:

- Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn;

- Phân biệt đối xử hoặc có hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;

- Sử dụng biện pháp kinh tế hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động công đoàn;

- Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.

Ngoài ra, Điều 8, Điều 50 và Điều 190 Bộ luật Lao động cụ thể hóa các hành vi nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động liên quan đến thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn trong quan hệ lao động là:

- Phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động).

- Nội dung của hợp đồng lao động hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động (thuộc trường hợp hợp đồng lao động vô điều hiệu toàn bộ theo quy định của điểm d Khoản 1 Điều 50 Bộ luật Lao động).

- Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

- Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

- Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức Công đoàn.

- Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động.

Xử phạt hành vi vi phạm quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn (Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 95/2013/ND-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ)

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Cản trở, gây khó khăn cho việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động;

- Ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn;

- Yêu cầu người lao động không tham gia hoặc rời khỏi tổ chức công đoàn.

Xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật Công đoàn và quy định pháp luật có liên quan đến quyền công đoàn thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 31 Luật Công đoàn).

Bên cạnh đó, ngày 22/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có những quy định về xử phạt vi phạm pháp luật về công đoàn như:

- Không cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở vào cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để hoạt động công đoàn;

- Vi phạm bảo đảm điều kiện hoạt động công đoàn;

- Vi phạm về các bảo đảm cho cán bộ công đoàn cơ sở;

- Vi phạm quyền của người lao động trong thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.

Thanh Hương (tổng hợp)