Chủ tịch Công đoàn Công Thương kiến nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại để vận động, khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định các nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của quốc tế.
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Phan Văn Bản
Chiều 2.12, trong chương trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương - đã có chia sẻ về tăng cường hợp tác quốc tế góp phần nâng cao năng lực thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Theo ông Phan Văn Bản, Công đoàn Công Thương Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức CĐ Công nghiệp và Sản xuất Toàn cầu (IndustriALL). IndustriALL được thành lập ngày 19.6.2012 trên cơ sở hợp nhất ba Liên hiệp Công đoàn ngành Toàn cầu, là công đoàn ngành toàn cầu có số lượng đoàn viên lớn nhất trên thế giới hiện nay.
IndustriALL đại diện cho 50 triệu lao động tại 140 quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, năng lượng và khai khoáng…
Thông qua các hoạt động đối ngoại, các đối tác đã hỗ trợ kinh phí, chuyên gia quốc tế có nhiều kinh nghiệm, giảng dạy theo phương pháp tích cực giúp học viên dễ dàng tiếp thu, tương tác với giảng viên tích cực, chủ động và sôi nổi.
Qua đó đã trang bị cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn kiêm nhiệm, kiến thức, kỹ năng cơ bản và kinh nghiệm hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ trình độ, năng lực, nhanh nhạy với tình hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.
Các khoá tập huấn tập trung vào kỹ năng thương lượng, đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, phát triển đoàn viên, bình đẳng giới, tư vấn pháp luật…
Đồng thời cung cấp những kỹ năng gắn liền với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh việc được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về tình hình cũng như kinh nghiệm hoạt động thực tế của các công đoàn quốc tế, cán bộ công đoàn các cấp đã được nâng cao nhận thức đối với các vấn đề cấp thiết mang tính thời sự đang diễn ra hiện nay như: vấn đề toàn cầu hóa và các thách thức đối với hoạt động công đoàn; cách mạng 4.0 và vấn đề việc làm…
Thời gian tới, Công đoàn Công Thương kiến nghị Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐVN và các cơ quan liên quan tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ Công đoàn Công Thương Việt Nam tổ chức thực hiện các hoạt động đối ngoại.
Trong đó quan tâm ủng hộ phát huy hiệu quả sự tham gia của Công đoàn Công Thương Việt Nam vào các tổ chức công đoàn quốc tế và khu vực có vai trò, tiếng nói và tầm ảnh hưởng trong phong trào công đoàn thế giới.
Mở rộng quan hệ với các đối tác nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các chính sách của Việt Nam nói chung và hoạt động Công đoàn Việt Nam nói riêng.
Kiến nghị Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng LĐLĐVN tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của CĐCTVN, nâng cao trình độ ngoại ngữ, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đối ngoại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đặc biệt, tiếp tục tạo điều kiện để cán bộ làm công tác đối ngoại được học tập, trải nghiệm trong môi trường quốc tế.
Kiến nghị Tổng LĐLĐVN tiếp tục quan tâm tổ chức các lớp tập huấn để quán triệt nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước và định hướng của Tổng Liên đoàn.
Nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đối ngoại để vận động, khai thác, sử dụng hiệu quả, đúng quy định các nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của quốc tế.
Đảm bảo nguồn lực tài chính công đoàn để chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại theo kế hoạch hằng năm, thực hiện trách nhiệm thành viên đối với công đoàn quốc tế, tham dự các hoạt động quốc tế và khu vực khi cần thiết.
(Nguồn: laodong.vn)