banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Những hoạt động nổi bật của Công đoàn Công Thương Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2023
Cập nhật lúc 12:02 ngày 11/08/2023
Nhiệm kỳ 2018-2023 khép lại với nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động của ngành Công Thương nói riêng và xã hội nói chung do tác động của đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nền kinh tế và an sinh xã hội trên thế giới; cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, bất ổn; vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm; tăng trưởng chậm, suy thoái của các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó các vấn đề toàn cầu như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đặt ra các thách thức lớn cho phát triển ở tất cả các quốc gia.
Trước những khó khăn trên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Công đoàn Công Thương Việt Nam (CĐCTVN) đã phát huy được sức mạnh và tinh thần đoàn kết của đoàn viên, người lao động, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để góp phần cùng ngành Công Thương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Dưới đây là những hoạt động nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 2018-2023 của CĐCTVN. 
1. Phát động sâu rộng các phong trào thi đua và tích cực tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến”
Với đặc điểm là một ngành kinh tế đa ngành, các đơn vị trong ngành Công Thương luôn duy trì tốt phong trào thi đua đa dạng, đặc biệt là các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Chống lãng phí, tham ô”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”,...
Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, các đơn vị trong toàn Ngành đã có hơn 150.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi trên 9.000 tỷ đồng, số tiền thưởng cho các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là trên 90 tỷ đồng. Ngoài ra nhiều sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.
Một trong những phong trào thi đua tiêu biểu trong nhiệm kỳ là chương trình “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, quyết tâm phòng chống dịch covid -19” do TLĐ phát động. CĐCTVN đã tích cực tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những yêu cầu của Chương trình 1 triệu sáng kiến; đồng thời vận động đoàn viên, người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo ở từng lĩnh vực công tác, ra sức thi đua, nghiên cứu, cải tiến, ứng dụng từ những công việc cụ thể. Kết quả: đã cập nhật 175.973 sáng kiến lên phần mềm của TLĐ, vượt chỉ tiêu TLĐ giao, mang lại hiệu quả 35,6 tỷ đồng; Có 10 công trình sản phẩm được công nhận làm lợi 8 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch covid 19. Kết quả CĐCTVN đứng thứ Nhì toàn quốc, được Tổng Liên đoàn, Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá cao. 
2. Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
CĐCTVN luôn xác định công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là một nội dung trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược quyết định sự tồn tại của tổ chức Công đoàn. Vì vậy, trong những năm qua CĐCTVN luôn đồng hành và hỗ trợ cơ sở pháp lý nhằm hướng dẫn đơn vị thành lập công đoàn cơ sở, đổi mới và nâng cao chất lượng đoàn viên để tạo sức thu hút người lao động tham gia các hoạt động công đoàn và tự nguyện ra nhập công đoàn. Từ năm 2018-2022, CĐCTVN đã kết nạp mới 20.961 đoàn viên, thành lập được 25 CĐCS, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội III CĐCTVN đề ra.
Với mục tiêu “xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới”, trong nhiệm kỳ qua, CĐCTVN đã đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp trong toàn ngành với các chuyên đề:  HĐLĐ, TULĐTT, những chế độ chính sách mới liên quan đến quyền lợi của NLĐ, Luật BHXH, Luật Lao động, Điều lệ Công đoàn VN, nghiệp vụ công tác công đoàn, công tác tài chính, nữ công, UBKT… Các nội dung tập huấn đã trang bị kiến thức cơ bản, cần thiết, có hệ thống cho cán bộ làm công tác công đoàn. Bên cạnh đó, CĐCTVN cũng coi trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên kiêm nhiệm của ngành nhằm trang bị cho các học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phương pháp giảng dạy tích cực, đồng thời cùng chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động thực tiễn tại cơ sở. Chủ động xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ công đoàn các cấp làm cẩm nang cho hoạt động công đoàn. Ngoài ra, thông qua công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, CĐCTVN phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức tập huấn, hội thảo với nhiều chuyên đề, lĩnh vực hoạt động nhằm trao đổi kinh nghiệm, chủ động hội nhập của CĐCTVN với các tổ chức công đoàn ngành trên thế giới. 
CĐCTVN chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở, cần phối hợp chặt chẽ với chuyên môn đồng cấp dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, lãnh đạo của chuyên môn để triển khai, thực hiện một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, thu hút tập hợp được đông đảo cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động trong ngành hưởng ứng tích cực. Mặt khác các cấp công đoàn trong ngành luôn đi sâu, đi sát kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, diễn biến tư tưởng, tâm tư tình cảm của người lao động, để có những giải pháp kịp thời, giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, tạp công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần tạo niềm tin cho người lao động gắn bó chia sẻ, cùng đồng hành với doanh nghiệp để duy trì và phát triển, từ đó vị thế của công đoàn được nâng lên. 
Trong công tác xây dựng Đảng, CĐCTVN luôn chủ động phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức cho cán bộ đoàn viên học tập, nghiên cứu Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của công đoàn các cấp; đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Từ năm 2018-2022, toàn Ngành đã có 8.003 đoàn viên công đoàn ưu tú đã được các công đoàn cơ sở giới thiệu cho tổ chức Đảng, trong đó 5.449 người đã được kết nạp vào Đảng.
3. Nâng cao hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động, công tác xã hội và hoạt động chăm lo đời sống của đoàn viên và người lao động được thực hiện thiết thực kịp thời
Hàng năm, CĐCTVN luôn đặt ra mục tiêu phải đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức công đoàn. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Tập trung nâng cao số lượng, chất lượng hội nghị cán bộ công chức, viên chức; hội nghị người lao động và đối thoại tại nơi làm việc theo quy định. Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tư vấn pháp luật công đoàn. Nâng cao hiệu quả công tác an toàn, vệ sinh lao động; cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên, CNVCLĐ.
CĐCTVN đã biên soạn và phát hành 100.000 tài liệu tuyên truyền về CPTPP, Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội... tới đoàn viên, CNVCLĐ; biên soạn và cấp phát Sổ tay “Một số nội dung cơ bản người lao động cần biết về Bộ Luật lao động năm 2019” tới đoàn viên, người lao động.
CĐCTN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp công đoàn cơ sở triển khai nâng cao chất lượng, hiệu quả của Thỏa ước lao động tập thể, tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng thương lượng, ký kết thỏa ước. Các bản thỏa ước được ký phải đảm bảo được quyền lợi và nhiều nội dung có lợi cho đoàn viên, NLĐ. Đã có hơn 406 đơn vị đã ký TƯLĐTT chiếm tỷ lệ trên 90%, trong đó: Doanh nghiệp Nhà nước đạt 98%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 93,35%; doanh nghiệp FDI đạt 87,87%.
Phối hợp với cơ quan chức năng, ban chuyên môn thực hiện kiểm tra được 4900 lượt tại một số cơ sở trực thuộc về công tác ATVSLĐ, các công đoàn cơ sở trực thuộc đã tổ chức kiểm tra 455 lượt tại một số bộ phận, đơn vị về công tác ATVSLĐ.
Hưởng ứng Chương trình vì phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ do TLĐLĐVN phát động và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương và CĐCTVN kêu gọi, phát động. Với mong muốn ngày càng có nhiều đoàn viên và NLĐ được quan tâm, hỗ trợ động viên. CĐCTVN đã đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết 12 thỏa thuận hợp tác song phương với các đối tác đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang nhiều lại mức ưu đãi dành cho đoàn viên công đoàn, người lao động, tổ chức công đoàn và đơn vị có tổ chức công đoàn trực thuộc Công đoàn Công Thương Việt Nam từ 10% – 30% (tùy từng sản phẩm). 
CĐCTVN đã trích gần 17 tỷ đồng để thực hiện nhiều hoạt động công tác xã hội có ý nghĩa thiết thực. Tiêu biểu, trọng tâm là các hoạt động: Thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà (tiền mặt, hiện vật) cho 14.877 lượt ĐVCĐ, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn... và 109 tập thể đơn vị nhân dịp Tết Nguyên đán (khoảng 7 tỷ đồng).
Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với đối tượng chính sách trong và ngoài Ngành luôn được coi trọng, phối hợp tổ chức thực hiện chu đáo, kịp thời tập trung vào dịp tháng cao điểm “Đền ơn đáp nghĩa”, kỷ niệm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7 với tổng số tiền CĐCTVN chi trên 2,1 tỷ đồng tri ân 3.223 cá nhân, gia đình chính sách, nhiều trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng thương bệnh binh, người có công ở các địa phương...
Hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên công đoàn: “Tết sum vầy”, chương trình “Mái ấm công đoàn”,  Quỹ xã hội từ thiện; các tổ chức, chương trình tài chính vi mô công đoàn, trọng tâm phục vụ đoàn viên công đoàn. CĐCTVN hỗ trợ xây mới 46 nhà, sửa chữa 01 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho 47 ĐVCĐ, NLĐ, những người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở thông qua các Công đoàn trực thuộc và các đơn vị phối hợp (Liên đoàn Lao động, Công đoàn ngành Công Thương các địa phương...) với tổng kinh phí 1,84 tỷ đồng; thăm và tặng quà mừng 28 nhà với tổng số tiền 84 triệu đồng; CĐCTVN đã ủng hộ, hỗ trợ hoạt động của các quỹ, hội, tổ chức, đơn vị ngoài Ngành số tiền trên 2 tỷ đồng cho các hoạt động: vì người nghèo, an sinh xã hội; hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Vì biển, đảo Việt Nam”; khuyến học...;
Tích cực trong công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh; đồng hành cùng doanh nghiệp, kết quả CĐCTVN đã chi hỗ trợ trên 86 tỷ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020 nên nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ hàng năm CĐCTVN triển khai nhiều hoạt động chăm lo, “Cảm ơn đoàn viên, người lao động” thiết thực và hiệu quả. Thực hiện kiểm tra, giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng bữa ăn ca trong các bếp ăn tập thể và các doanh nghiệp dịch vụ cung cấp bữa ăn ca công nghiệp. 
4. Nâng cao chất lượng công tác nữ công, góp phần chăm lo, xây dựng đội ngũ nữ công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới
Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua trong nữ công nhân viên chức lao động, nổi bật là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào xây dựng “Người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Đặc biệt, 5 năm qua, toàn Ngành đã có 208.112 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đạt tỷ lệ 75,5% (trong đó, khối hành chính sự nghiệp chiếm tỷ lệ 90-95%). 
Nâng cao vai trò đại diện ban nữ công quần chúng đối với lao động nữ trong công tác tham mưu với BCH, phát hiện và giới thiệu cán bộ nữ công, cán bộ công đoàn và nữ CNVCLĐ ưu tú tham gia vào cấp ủy Đảng, lãnh đạo chính quyền, lãnh đạo công đoàn các cấp, tham mưu với BCH công đoàn cùng cấp trong tham gia xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể có những điều khoản có lợi cho lao động nữ. CĐCTVN đã tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề "Nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho người lao động, cân bằng dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm" - vì sức khoẻ lâu dài của người lao động, vì sự phát triển bền vững của đơn vị với sự tham gia của 114 thành viên là CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn, nhân viên nấu ăn tại các bếp ăn tập thể của các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn ngành; 
Công tác gia đình, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã trở thành truyền thống của các cấp trong toàn ngành; hàng năm tổ chức tổng kết, đánh giá công tác gia đình và trẻ em, tổ chức các hoạt động biểu dương gia đình CNVCLĐ tiêu biểu, khen thưởng con CNVCLĐ học giỏi, thăm hỏi, hỗ trợ  gia đình nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, con CNVCLĐ vượt khó học giỏi trong hành hành động vì trẻ em, ngày gia đình Việt Nam, tết nguyên đán, tháng công nhân… trong giai đoạn diễn ra đại dịch COVID-19, CĐCTVN đã động viên, hỗ trợ các cháu dưới 14 tuổi là con ĐVCĐ, NLĐ mắc Covid phải điều trị lại bệnh viện, nguồn kinh phí giành cho các hoạt động trên với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng mỗi năm. 
5. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong đội ngũ CNVCLĐ.
Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền, vận động trong công nhân viên chức lao động được các cấp CĐ trong ngành luôn quan tâm và có những bước đột phá với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, nội dung phong phú, quy mô và cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tăng cường các tin, bài, phóng sự trên các cơ quan thông tấn báo chí như Báo Lao động, Báo Công Thương, Tạp chí Lao động và Công đoàn, Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công Thương, trên Trang thông tin điện tử CĐCTVN. Nhiều nơi, công đoàn sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn như sử dụng trên mạng zalo, facebook công đoàn...CĐCTVN đã phối hợp với Báo Công Thương xây dựng chuyên trang “Công đoàn và người lao động"; Phối hợp với Báo Lao động để tuyên truyền những tấm gương đoàn viên, người lao động của CĐCTVN tham gia chuyên mục “Người Việt tử tế”. Phối hợp với Tạp chí Công Thương thực hiện tuyên truyền về Cuộc Vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thực hiện Cuộc thi về “Ngành Công Thương của tôi”. Trang thông tin điện tử (vuit.org.vn) cũng được nâng cấp, các chuyên mục Tư vấn pháp luật, Nghiên cứu trao đổi đã thu hút được hàng nghìn lượt người truy cập mỗi năm. Nắm bắt được tính tích cực của mạng xã hội, CĐCTVN đã tập huấn về mạng xã hội cho cán bộ công đoàn; vận động cán bộ công đoàn sử dụng các trang mạng xã hội cá nhân để kết nối và chia sẻ thông tin về hoạt động công đoàn, nhất là những chủ trương lớn để không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cũng như kỹ năng tổ chức hoạt động công đoàn.
Công tác xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh trong công nhân lao động được chú trọng. CĐCTVN đã tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp công đoàn và người lao động”; hưởng ứng Cuộc thi báo chí viết về công nhân và công đoàn do Tổng Liên đoàn tổ chức; tuyên truyền, phổ biến chiến lược bảo vệ Tổ quốc; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trong CNVCLĐ... Đặc biệt, đoàn viên, người lao động CĐCTVN tham gia chương trình “Giờ thứ 9+” trên kênh VTV3 Đài truyền hình Việt Nam. Đây là sân chơi lành mạnh để người lao động nâng cao đời sống tinh thần sau giờ làm việc, đồng thời nói lên tâm tư, nguyện vọng, thể hiện tài năng cá nhân, kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức hiểu biết pháp luật của người lao động; khẳng định sự chăm lo toàn diện của tổ chức Công đoàn đối với người lao động. 
6. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 06b/NQ-BCH ngày 03/8/2015 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn đã được Công đoàn, Ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp chú trọng, chỉ đạo, quán triệt, triển khai kịp thời sâu rộng. UBKT công đoàn các cấp đã thực hiện được 1.557 cuộc kiểm tra Điều lệ Công đoàn Việt Nam, trong đó có 534 cuộc kiểm tra cùng cấp và 1023 cuộc kiểm tra cấp dưới, trong đó Công đoàn Công Thương Việt Nam kiểm tra cấp dưới 46 cuộc; thực hiện 1622 cuộc kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn, trong đó kiểm tra cùng cấp 665 cuộc, kiểm tra cấp dưới  957 cuộc; kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn cùng cấp 05 cuộc, kiểm tra cấp dưới 30 cuộc. UBKT công đoàn các cấp đã thực hiện được  342 cuộc giám sát; trong đó Công đoàn Công Thương Việt Nam đã thực hiện 04 cuộc giám sát công đoàn cấp dưới.
Hoạt động UBKT công đoàn các cấp góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội công đoàn các cấp, nâng cao ý thức chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam, thực hiện tốt quy định về quản lý tài chính, tài sản công đoàn; ngăn ngừa các biểu hiện, hành vi vi phạm, đóng góp tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động.
7. Tăng cường công tác quản lý tài chính, tài sản công đoàn nhằm xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh.
Công đoàn các cấp đã cơ bản thực hiện công tác chi tài chính công đoàn đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng các quy định, chế độ chi tiêu của Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện chi đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, thiết thực và đảm bảo tiết kiệm. Nội dung, cơ cấu chi theo hướng trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Công tác tài chính công đoàn có nhiều đổi mới, xây dựng dự toán luôn bám sát đúng quy định, các chỉ tiêu về thu, chi và thực tế hàng năm, tận dụng khai thác các nguồn thu khác, chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả. 
Năm 2020, 2021 nền kinh tế chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch bệnh Covid-19, vì vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu, chi tài chính của các cấp công đoàn, Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn sát cánh, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đoàn viên, người lao động vượt qua đại dịch, ổn địch sản xuất và đời sống.
Công tác thu kinh phí công đoàn: năm 2018 tăng 26,9%, năm 2019 tăng 20,5%, năm 2020 giảm 3%, năm 2021 tăng 7%.
Công tác thu đoàn phí công đoàn: năm 2018 tăng 1,3%, năm 2019 tăng 2,6%, năm 2020 tăng 3%, năm 2021 tăng 2%.
8. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp tục khẳng định vị thế của CĐCTVN
Công đoàn Công Thương VN đã duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác với trên 30 công đoàn ngành các nước và tổ chức quốc tế, tiêu biểu. Hoạt động đối ngoại tại CĐCTVN được đánh có giá hiệu quả, bài bản và mang tính chuyên nghiệp cao. Những kết quả của hoạt động đối ngoại đã góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị với người lao động và nhân dân các nước, tranh thủ sự ủng hộ về vật chất, tinh thần của các công đoàn ngành và tổ chức quốc tế, tăng cường hiểu biết và nâng cao uy tín của Công đoàn Việt Nam nói chung và CĐCTVN nói riêng. Trong nhiệm kỳ, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh covid 19 xong CĐCTVN vẫn thường xuyên duy trì kết nối bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp khi dịch bệnh lắng xuống, hỗ trợ đoàn viên, người lao động của TƯLHCĐ Lào các trang thiết bị phòng chống dịch, đã phối hợp cùng Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo cán bộ công đoàn làm công tác giảng viên kiêm nhiệm (2003-2023). 
Trong nhiệm kỳ, CĐCTVN đã tổ chức 38 đoàn ra, riêng năm 2020 và 2021 có 11 đoàn đoàn ra dưới dạng trực tuyến (với 92 lượt cán bộ), đón 13 đoàn vào (với 68 khách quốc tế), đăng cai tổ chức 25 hội nghị, hội thảo quốc tế; cử hàng trăm lượt cán bộ tham dự hội nghị, hội thảo ngoài nước, hội nghị, hội thảo, tập huấn do TLĐLĐVN và các đối tác tổ chức.
CÔNG ĐOÀN CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM