Luân chuyển, điều động cán bộ là một chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của tổ chức công đoàn nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho công đoàn Ngành; tăng cường cán bộ cho các nội dung hoạt động mà cơ sở đang gặp khó khăn; khắc phục tình trạng cục bộ trong công tác cán bộ, khép kín trong từng cấp và từng đơn vị.
Xuất phát từ thực trạng đội ngũ cán bộ cơ quan Công đoàn Công Thương Việt Nam, năm 2015 Thường trực Thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam đã mạnh dạn, linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện chủ trương, chính sách nhằm tạo bước chuyển biến về công tác cán bộ, trong đó có công tác luân chuyển, điều động một nội dung quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt cho cán bộ.
Xác định luân chuyển, điều động nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoạt động công đoàn trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế. Đây cũng là căn cứ cho việc bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ theo quy hoạch, tạo điều kiện cho cán bộ đi sâu, nắm bắt hoạt động phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn ở cơ sở đồng thời phát huy được năng lực và sở trường của bản thân vào hoạt động thực tiễn.
Hiện nay, CĐCTVN đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp: 16 công đoàn cấp trên cơ sở (với 432 CĐCS trực thuộc cấp trên cơ sở); 151 CĐCS với 164.913 đoàn viên/176.171 lao động trong đó 2148 đoàn viên phát triển mới đồng thời chỉ đạo phối hợp 41 công đoàn cấp trên cơ sở (37công đoàn ngành Công Thương tỉnh, thành phố, 01 công đoàn khối doanh nghiệp thương mại Trung ương tại TP. HCM và 03 công đoàn TCty Thương mại, công nghiệp tại Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh); 30 công đoàn cơ sở là các CĐCS tại các đơn vị, doanh nghiệp chuyên môn thuộc Bộ Công Thương nhưng Công đoàn trực thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố quản lý trực tiếp. Với quy mô lớn, trong khi số lượng cán bộ cơ quan chỉ có 35 cán bộ (không kể nhân viên phục vụ và lái xe) nên đòi hỏi mỗi cán bộ công đoàn ngành phải có kỹ năng, phương pháp và hiểu biết sâu rộng về hoat động công đoàn cơ sở và cũng chính vì vậy từ nhiều năm nay, Ban Thường vụ CĐCTVN luôn coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn mạnh. Bên cạnh các biện pháp đổi mới công tác cán bộ, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ cơ quan, gắn chặt công tác đào tạo với sử dụng cán bộ còn thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ từ cơ quan CĐCT xuống công tác tại các CĐCS trong ngành.
Trong các năm 2009 và 2011 đã có 3 cán bộ được điều động xuống cơ sở ở với thời hạn từ 3 đến 6 tháng nhằm mục tiêu giúp CĐCS trong công tác phát triển đoàn viên, xây dựng CĐCS vững mạnh và thực hiện một số nhiệm vụ chung của công đoàn. Với cách làm đó CĐCT đã đào tạo được những cán bộ công đoàn năng động, có kinh nghiệm thực tiễn trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, được đoàn viên, NLĐ và BCH CĐCS tín nhiệm đề nghị Ban Thường vụ CĐCTVN luân chuyển xuống công tác tại cơ sở. Thực tiễn cho thấy, hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động khi đảm trách nhiệm vụ mới, công việc mới đều phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tích cực học hỏi, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, nhanh chóng nắm bắt công việc, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đến nay, 2 trong 3 cán bộ trên đã trở thành cán bộ lãnh đạo công đoàn tập đoàn, được đưa vào quy hoạch Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong nhiệm kỳ tới.
Phát huy tính tích cực đó, năm 2015 và những năm tiếp theo, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục thực thiện việc điều động cán bộ từ cơ quan Công đoàn Công Thương xuống cơ sở và tiếp nhận cán bộ từ cơ sở về công tác tại cơ quan Công đoàn Công Thương, coi đây là coi đây là một kênh giúp cho cán bộ có sự hiểu biết toàn diện và tiếp cận với thực tiễn một cách chân thực và nhạy bén bên cạnh các kênh khác như tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ khác.
Cổ Nguyệt