banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Công đoàn Công Thương Việt Nam: Tăng cường hoạt động đối ngoại
Cập nhật lúc 10:02 ngày 29/10/2014

Nhận lời mời của Công đoàn Kim khí thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (FTM-CGT) và Công đoàn Kim Khí Bỉ (ABVV – Metaal), đoàn đại biểu CĐCTVN do Chủ tịch Lý Quốc Hùng làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Paris (Pháp) và Brusells (Bỉ) từ ngày 13-17/10/2014. Sau đây là trao đổi của Chủ tịch Lý Quốc Hùng xung quanh chuyến đi này.

PV: Thưa ông, thời gian qua, hoạt động đối ngoại của CĐCTVN triển khai nhiều hoạt động. Chuyến đi thăm Pháp và Bỉ lần này của CĐCTVN cũng nhằm tăng cường mối liên kết với các tổ chức công đoàn quốc tế?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Đối ngoại là hoạt động thường xuyên và tích cực của CĐCTVN. Lần này, theo lời mời của các tổ chức Công đoàn Pháp và Bỉ, đoàn CĐCTVN đã có chuyến thăm và làm việc quan trọng với hai nước bạn. Trong khuôn khổ chương trình, đoàn đã có buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Pháp - CGT, Công đoàn Kim khí Pháp – FTM, Tập đoàn SEB - một trong những tập đoàn toàn cầu lớn của Pháp về lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng tại Ecully, Lyon. Tập đoàn này hiện có 3 nhà máy tại Bình Dương. Tại Bỉ, đoàn đã làm việc với Công đoàn Kim khí Bỉ - ABVV-Metaal, Tổng Liên đoàn Lao động Bỉ - ABVV và đi thăm nhà máy sản xuất thép lớn nhất thế giới Arcelor Mittal. Trong chuyến làm việc này, tôi đã thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” cho ông Herwig Jorissen - Chủ tịch ABVV-Metaal và trao tặng Bằng khen của Ban Chấp hành CĐCTVN cho cá nhân Chủ tịch Herwig Jorissen vì đã có nhiều đóng góp trong phong trào hoạt động Công đoàn Công Thương Việt Nam giai đoạn 2008-2013.

Với tổ chức công đoàn Pháp thì đây là hoạt động quan trọng, đánh dấu song phương việc nối lại 10 năm gián đoạn trong quan hệ công đoàn hai nước. Còn với Bỉ thì mặc dù mối quan hệ thiết lập chưa lâu (từ năm 2007), nhưng bạn rất quan tâm  xây dựng, phát triển quan hệ với CĐCTVN và đón tiếp trọng thị, gần gũi.


PV: Qua làm việc với các tổ chức công đoàn cùng ngành nghề, ông thấy điều gì cần rút kinh nghiệm qua hoạt động công đoàn của họ?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Qua các cuộc làm việc song phương, trao đổi chung về hoạt động kinh nghiệm của hai bên, nổi bật là việc các nước đang phải đối mặt với mâu thuẫn về tăng năng suất và việc làm cho người lao động. Bởi năng suất tăng đồng nghĩa với việc làm của người lao động giảm. Dây chuyền càng tự động hóa bao nhiêu thì càng cần ít người bấy nhiêu. Và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn là tập trung bảo vệ việc làm cho người lao động. Thêm nữa, việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch đầu tư sang các nước đang phát triển cũng làm giảm số lượng việc làm trong nước.

Do đó, các nước đặc biệt chú trọng đến thỏa ước lao động tập thể và việc tuyên truyền giáo dục về pháp luật, chính sách mới của Chính phủ đối với người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị giới chủ đầu tư cho khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương cho công nhân, bảo vệ môi trường. Tổ chức công đoàn chủ động tham gia với giới chủ trong các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài để có phương án bảo vệ việc làm, cũng như thu nhập của người lao động trong nước. Mà những việc làm này họ giải quyết rất tốt thông qua đối thoại.

PV: Như vậy có nghĩa là họ rất coi trọng công tác đối thoại tại doanh nghiệp?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Đúng vậy, mỗi tháng một lần, công đoàn tổ chức đối thoại giữa đại diện người lao động và người quản lý để lắng nghe tâm tư của người lao động về những vấn đề liên quan đến cải thiện điều kiện làm việc, hợp lý hóa sản xuất, các vấn đề về môi trường, sức khỏe người lao động… Bởi hiện nay, năng suất lao động của các nước này tăng khá cao nhưng tiền lương thì tăng chưa tương xứng, do đó họ phải kiên trì đối thoại để đạt thỏa thuận. Một thỏa ước lao động tập thể của họ luôn nhằm 3 mục đích: Thỏa thuận tăng tiền lương; Không đối lập với giới chủ, nhưng yêu cầu giới chủ đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu khoa học để tăng năng suất; Ngày càng độc lập hơn, sao cho hoạt động công đoàn không quá phụ thuộc vào giới chủ.

Còn một chi tiết nữa là thỏa ước lao động tập thể của Pháp được chia làm ba cấp độ: Quốc gia, địa phương và công ty. Riêng với công ty thì thỏa ước được đàm phán hàng năm. Còn ở cấp độ quốc gia thì phải phối hợp giữa các liên đoàn cùng ngành nghề với nhau để đàm phán. Bản thân giới chủ của Pháp cũng rất tạo điều kiện cho các tổ chức công đoàn làm việc khi dành cho công đoàn một nơi làm việc riêng, phòng riêng. 

Cũng phải nói thêm rằng, tại các nước này, hoạt động công đoàn cũng có sự cạnh tranh. Tổ chức nào làm tốt thì mới thu hút được nhiều đoàn viên, còn làm không tốt thì sẽ không có đoàn viên nào tham gia hoặc có ít đoàn viên. Nên tự các tổ chức công đoàn phải có những phương pháp hoạt động thật sự hiệu quả, sát thực tế thì mới tồn tại được. Tổ chức công đoàn được phân chia hoạt động theo vùng, một vùng có thể gồm một số tỉnh. CGT hiện cũng đang đề xuất với CĐCTVN trong việc xây dựng một dự án giáo dục truyền thông về pháp luật đối với người lao động nhập cư. Đó có thể là lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cũng có thể là ngược lại, lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.


PV: Còn tại Bỉ, hoạt động công đoàn của họ hẳn cũng có những nét tương đồng như ở Pháp?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Khi làm việc tại Bỉ, chúng tôi đã trao đổi rất thẳng thắn về vấn đề mà mình quan tâm, đặc biệt là vấn đề đảm bảo việc làm, chăm lo quyền lợi của người lao động. Nhưng hiện tại, tình hình chính trị tại Bỉ không thuận lợi cho hoạt động công đoàn. Do đó, các tổ chức công đoàn đang tập hợp với nhau để chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc đình công nếu thấy cần thiết. Công đoàn họ làm việc rất sát thực tế chứ không nói lý thuyết, hô hào chung chung.


PV: Vậy CĐCTVN sẽ tiếp tục hợp tác với Bỉ như thế nào?

Chủ tịch Lý Quốc Hùng: Chúng tôi đề nghị phía bạn tiếp tục hỗ trợ mình các lớp tập huấn về kỹ năng đàm phán thỏa ước lao động tập thể. Tiếp đến là hỗ trợ tuyên truyền phổ biến các nội dung hiệp định thương mại tự do song phương với khối EU, tiên lượng những thách thức và cơ hội khi tham gia hiệp định. Đồng thời tập huấn, đào tạo về vai trò của các tổ chức công đoàn, cách thức hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới, khi các hiệp định FTA được ký kết…

Cũng cần nói thêm rằng, các tổ chức công đoàn nước bạn hoạt động rất mạnh, mô hình cũng rất hay. Tôi ví dụ như tại Công đoàn Kim khí Bỉ, bạn đã đưa đến thăm tòa nhà do Công đoàn sở hữu, quản lý rộng tới 20.000m2. Có phòng thư viện cho người lao động đọc sách. Có căng tin phục vụ ăn uống. Có phòng hội trường cho thuê tổ chức hội nghị, tiệc cưới, nhà hát… Nghĩa là người lao động ở khu vực ấy, ngành nghề ấy được đảm bảo một cơ sở vật chất rất tốt khi tham gia vào tổ chức công đoàn và phục vụ chính người lao động.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hồ Nga (thực hiện)