banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Việt Nam thực thi chủ quyền trên Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước
Cập nhật lúc 02:47 ngày 19/06/2014

Việt Nam là nước duy nhất trong khu vực chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ khi đấy còn là vùng biển chưa có chủ và đã thực thi chủ quyền dưới danh nghĩa Nhà nước liên tục trong nhiều thế kỷ mà không có một quốc gia nào tranh chấp hay phản đối.


Bản dập Mộc bản ghi năm 1816, vua Gia Long phái Thủy quân và đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), khẳng định Việt Nam đã có quá trình khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền trên Biển Đông từ nhiều thế kỷ trước trong bối cảnh chưa có tranh chấp.

Trong nhiều thế kỷ liên tục, các nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, đây là hình thức thiết lập chủ quyền của Nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, hoàn toàn không có liên quan gì đến chủ quyền của quốc gia khác, nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

Các nguồn tư liệu của Việt Nam (ở Trung ương và các địa phương, thuộc Nhà nước và trong dân gian) cùng với thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc, phương Tây và các nước có liên quan đều thống nhất xác nhận một thực tế hiển nhiên quá trình từng bước nhận thức và khai chiếm Biển Đông của Việt Nam.

Đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, chúa Nguyễn Phúc Chu còn đặt ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hoá vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”.

Vào năm 1802, Nguyễn Ánh (Gia Long) thiết lập vương triều Nguyễn, cai quản một nước Việt Nam thống nhất và rộng dài như ngày nay. Năm 1803, ông cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt vào trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông.

Đặc biệt, trong các năm 1815, 1816, vua Gia Long liên tục tổ chức các hoạt động thăm dò đường biển, triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoạt động chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhiều người phương Tây đương thời chứng kiến và đề cao. Giám mục Jean Louis Taberd trong Ghi chép về địa dư xứ Đàng Trong cho biết: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát... Những người dân xứ Đàng Trong gọi khu vực đó là Cồn Vàng”.

Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX thì được tích hợp vào đội Thủy quân của triều đình Minh Mệnh. Đội Thủy quân là quân đội chính quy của nhà nước, hoạt động trên toàn tuyến biển đảo của nước Việt Nam thống nhất.

Vua Minh Mệnh đã đẩy hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất so với tất cả các triều đại quân chủ Việt Nam trước và sau ông, với các hình thức và biện pháp như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tầu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết...

Lực lượng được ông điều động ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa lúc này không chỉ có Thủy quân mà còn có cả Vệ giám thành, Biền binh, binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến ra đi như thế đều có quyết định của triều đình và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp quyết định việc có cho thuyền ra khơi ngay hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc ngoài biển khơi, thuyền phải chạy thẳng về Huế để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công kiểm tra, đánh giá, luận công, định tội, thưởng phạt nghiêm minh.

Năm 1909, lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam đang bị mất chủ quyền về tay Pháp và Pháp lại chưa có điều kiện với tay đến các vùng biển đảo xa xôi của vương quốc An Nam, Trung Quốc tự cho mình là kẻ “khai sơn phá thạch”, tùy tiện đặt tên mới và tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa (họ đặt là Tây Sa) vốn đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ mấy trăm năm trước.

Ngày 7/5/2009, Trung Quốc gửi Công hàm lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc có kèm bản đồ thể hiện "Đường lưỡi bò” chiếm gần trọn Biển Đông, bộc lộ đòi hỏi phi lý rằng gần như toàn bộ diện tích Biển Đông sẽ trở thành "ao nhà” của mình. Mới đây nhất là sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, ngày càng khẳng định những toan tính độc chiếm Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, trung thực, có trách nhiệm và lương tâm, đánh giá đúng lịch sử khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền cho đến trước thời điểm xảy ra tranh chấp, tranh biện sẽ là cơ sở lịch sử và pháp lý quan trọng nhất để hướng tới giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa theo nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như góp phần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.

Mai Anh (theo Báo ĐT Chinhphu)