Suốt 93 năm qua, mọi hoạt động của Công đoàn Việt Nam đều vì quyền lợi của đoàn viên, người lao động và đóng góp cho từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Trong tình hình hiện nay, Công đoàn Việt Nam đang mạnh mẽ đổi mới. Sự đổi mới trong tư duy tổ chức và triển khai hoạt động đã được đoàn viên, người lao động, xã hội đánh giá cao. Đặc biệt là cùng với việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, tổ chức Công đoàn Việt Nam đang ngày đêm đồng hành cùng Chính phủ khôi phục, phát triển kinh tế.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang thăm, tặng quà công nhân lao động tỉnh Ninh Bình
“Chúng tôi cần Công đoàn”
Tham gia Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam do CĐ Các khu công nghiệp - Chế xuất Hà Nội vừa tổ chức, chị Nguyễn Thị Yên - công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam - xúc động chia sẻ: “Quê tôi ở Yên Bái, tôi xuống Hà Nội làm việc cho công ty 4 năm. Ngay từ ngày đầu vào công ty tôi cùng các bạn đồng nghiệp dự tuyển đợt đó đã được tuyên truyền, vận động gia nhập tổ chức CĐ. Ở công ty, vì Ban chấp hành CĐ quan tâm nên chúng tôi có được nhiều phúc lợi…”.
Cũng giống như chị Yên, nhiều công nhân của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất Hà Nội tuổi đời còn rất trẻ, lần đầu tiên được tham gia Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam - tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của họ, ở bên họ động viên, hỗ trợ trong những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng.
Anh Nguyễn Anh Huy - một nam công nhân - kể, từng nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Công đoàn công ty khi quyền lợi bị vi phạm. Trước đó anh Huy nghĩ CĐ chỉ có nhiệm vụ hiếu hỉ nhưng sau vụ việc của bản thân thì anh thấy rõ CĐ đã đứng ra bảo vệ và bảo vệ được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của anh. Anh Huy khẳng định: “Chúng tôi cần CĐ vì càng ngày CĐ càng có nhiều hoạt động đáp ứng được mong muốn hợp pháp của chúng tôi...”.
Những thay đổi căn bản trong suy nghĩ của đoàn viên, NLĐ về vai trò của tổ chức CĐ xuất phát từ chính sự thay đổi, sự đổi mới của tổ chức CĐ trong hoạt động. Thời gian qua, tổ chức CĐ tiếp tục phát huy vai trò đại diện NLĐ trong Hội đồng Tiền lương quốc gia, tham gia trình Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động, tăng bình quân 6% từ ngày 1.7.2022.
Trước phản ánh của các cấp CĐ về việc một số doanh nghiệp dự kiến sẽ không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề, ngày 17.6.2022, Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH đã kịp thời có văn bản số 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo giải quyết giữ lại tiền lương cho lao động đã qua đào tạo. Điều này cho thấy các cấp CĐ chủ động bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách, phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Chương trình 1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, chiến thắng đạt dịch COVID-19 đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giai đoạn 1, thúc đẩy tinh thần hăng say lao động, sáng tạo trong CNVCLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế của đất nước
Đoàn viên là trung tâm của đổi mới phương thức hoạt động của CĐ
Phương thức lãnh đạo và tổ chức hoạt động CĐ trong một số lĩnh vực có nhiều điểm mới, trách nhiệm, linh hoạt, thiết thực, kịp thời. Khi bàn về Đề án chuyển đổi số của Tổng LĐLĐVN giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh “Chuyển đổi số là phương tiện để Công đoàn đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động”. Đây là Đề án rất lớn và là phương tiện để CĐ đổi mới tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động. Bởi qua đó lãnh đạo các cấp có thể tương tác trực tiếp với đoàn viên, đồng thời phương pháp tập hợp, vấn đề chăm lo, bảo vệ đoàn viên, quy trình ra các quyết định cũng được thực hiện theo phương thức mới. Quan điểm là lấy đoàn viên CĐ là trung tâm trong hoạt động chuyển đổi số của CĐ nhằm bảo vệ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên một cách nhanh chóng, chính xác và hiệu quả...
Cũng trên cơ sở đổi mới, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã xem xét, phê duyệt đề án sắp xếp của 15/18 CĐ ngành trung ương, CĐ tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐVN, theo Quyết định 1299/QĐ-TLĐ ngày 9.9.2020 của Tổng LĐLĐVN; đồng thời chuyển 1 CĐ tổng công ty (CĐ Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy) từ trực thuộc Tổng LĐLĐVN về trực thuộc Công đoàn Giao thông Vận tải Việt Nam; đề xuất biên chế cán bộ CĐ với Ban Tổ chức Trung ương; tổ chức làm việc với một số địa phương về thành lập trung tâm tư vấn hỗ trợ NLĐ; triển khai việc xây dựng các đề án thí điểm theo Nghị quyết 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Hiện các cấp CĐ tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 17.1.2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Các công việc chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam được xúc tiến tích cực. Trong đó Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát tình hình thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam ở các đơn vị theo Kế hoạch, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào những trọng tâm lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam...
Linh Nguyên (nguồn: laodong.vn)