Bộ Công Thương: Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác sau sắp xếp, sáp nhập
https://media02.vuit.org.vn//Images/Upload/User/thuylinh/2025/7/bo-cong-thuong--doi-moi--cai-thien-moi-truong-lam-viec--nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-sau-sap-xep--sap-nhap_687e67f2132f4.jpg
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các đơn vị thuộc Bộ sau sắp xếp đã khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, để công việc không bị tồn đọng, ngưng trệ, gián đoạn; khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy chế, quy định nội bộ, đồng thời tích cực tham mưu để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 21/7/2025, tại Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2025 với chủ đề “Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tại các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với tình hình mới sau sắp xếp, sáp nhập”.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Việt Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Nội chính Trung ương. Về phía Bộ Công Thương có đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Phan Thị Thắng - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Phan Văn Bản - Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công Thương; đồng chí Trần Quang Huy - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cùng các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam.
Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ với Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2025
Khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy trong Bộ Công Thương
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đối thoại của Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ với lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ năm 2025 với chủ đề "Đổi mới, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tại các đơn vị thuộc Bộ phù hợp với tình hình mới sau sắp xếp, sáp nhập" đã cơ bản hoàn thành nội dung chương trình đề ra.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nhìn chung, các ý kiến phát biểu đều thống nhất nhận định, thứ nhất, việc tổ chức đối thoại hàng năm đã có tác động rất lớn đến việc hình thành, củng cố đoàn kết nội bộ trong cơ quan Bộ Công Thương, nhất là trong bối cảnh phải sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Các đơn vị thuộc Bộ sau sắp xếp đã khẩn trương kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy, để công việc không bị tồn đọng, ngưng trệ, gián đoạn; khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy chế, quy định nội bộ, đồng thời tích cực tham mưu để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn về ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã tham mưu ban hành 65 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều bộ luật quan trọng như Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hay Nghị quyết của Quốc hội về chính sách đặc thù cho các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, 16 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 44 Thông tư hướng dẫn thuộc thẩm quyền của Bộ.
“Có thể nói, khối lượng công việc mà chúng ta thực hiện là rất lớn và chất lượng các văn bản cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đặt ra,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu.
Việc phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền trong quản lý nhà nước theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cũng đã được Bộ Công Thương tham mưu Thủ tướng ban hành Quyết định phù hợp, giảm 52% nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Bộ cho chính quyền địa phương, giảm 30,8% các thủ tục hành chính thông qua việc đơn giản hóa các thủ tục cũng như chuyển giao quyền cho cơ sở.
Sau hơn 3 giờ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị đã cơ bản hoàn thành nội dung chương trình đề ra
Thứ hai, hầu hết các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và của mỗi đơn vị thuộc Bộ trong 6 tháng đầu năm 2025 đều đã hoàn thành với chất lượng khá tốt về nội dung và cơ bản bảo đảm yêu cầu tiến độ đề ra, đóng góp quan trọng vào kết quả nổi bật về phát triển kinh tế xã hội của cả nước.
Thứ ba, tinh thần đoàn kết, thống nhất và tính dân chủ trong toàn cơ quan và mỗi đơn vị thuộc Bộ tiếp tục được phát huy. Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị đưa ra trong Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Hội nghị đối thoại hàng năm đã được các cấp lãnh đạo chỉ đạo giải quyết thỏa đáng.
Thứ tư, nhiều vấn đề, vụ việc tồn đọng, nổi cộm hoặc mới phát sinh đều đã được xem xét, giải quyết một các bài bản, đúng quy định, phù hợp tình hình; không khí dân chủ, đoàn kết được phát huy ở nhiều đơn vị.
Thứ năm, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, phương tiện, điều kiện làm việc của toàn cơ quan và các đơn vị tiếp tục được nâng cấp, bổ sung, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Thứ sáu, công tác cán bộ được chú trọng kiện toàn, bảo đảm đúng người, đúng việc, đúng quy định. Chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp, sáp nhập được giải quyết kịp thời.
Thứ bảy, việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động được Lãnh đạo Bộ và các đơn vị quan tâm thực hiện, thông qua việc tiếp tục trợ cấp giảm giá ăn trưa cho người lao động; tổ chức các hoạt động tập thể như: văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động về nguồn, thăm hỏi động viên tặng quà nhân ngày sinh nhật, lễ tết, hiếu, hỷ…
Thứ tám, vai trò của các thiết chế trong bộ máy lãnh đạo từ cấp ủy, tổ chức Đảng đến các đoàn thể được phát huy. Tính tiên phong, gương mẫu ở nhiều đơn vị đối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt được thể hiện.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành Công Thương cũng như các đơn vị
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành cũng như của các đơn vị.
10 nhiệm vụ trọng tâm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác sau sắp xếp
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; là năm toàn ngành Công Thương phải tăng tốc, bứt phá, đóng vai trò chủ công trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay và đặt nền tảng đạt 10% trở lên trong những năm tiếp theo.
Theo đó, quý III và IV/2025 phải bảo đảm tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 10% mới có thể đảm bảo mục tiêu đạt 8,3 - 8,5% như Chính phủ đã đề ra tại Hội nghị trực tuyến với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Đây là yêu cầu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân; trong đó, ngành Công Thương tiếp tục được trao sứ mệnh tiên phong, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế của đất nước
Trong bối cảnh đó, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là 04 Nghị quyết mang tính chiến lược ("Bộ tứ trụ cột”) đã được Bộ Chính trị ban hành để triển khai thực hiện một cách đồng bộ ở các đơn vị thuộc Bộ theo chức năng; giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm chắc, hiểu rõ và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả để yên tâm, tự tin, mạnh mẽ và quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai, các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc và các quy chế, quy định, quy trình xử lý công việc trong đơn vị. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ mới, phân công nhiệm vụ cụ thể trong cấp ủy, lãnh đạo đơn vị và cho từng cán bộ, đảng viên bảo đảm nguyên tắc rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm, làm căn cứ để theo dõi, đánh giá hiệu quả công việc và trách nhiệm của từng cá nhân trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu 10 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao
Thứ ba, tiếp tục tập trung cao mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng các Luật, Nghị định, Thông tư theo kế hoạch đã được phê duyệt và những văn bản quy phạm pháp luật mới phát sinh, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và chỉ đạo bằng văn bản của cấp trên, đồng thời khi thực hiện phải báo cáo rõ với cấp trên về các điểm chưa đúng với quy định của pháp luật hiện hành (nếu có), không vận dụng thực hiện những gì pháp luật không cấm hoặc không cho phép trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình.
Thứ tư, chủ động rà soát, phát hiện những bất cập, vướng mắc để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định, cơ chế chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, bảo đảm phù hợp với quy định mới và thông lệ quốc tế, tuyệt đối không để “khoảng trống pháp luật” hoặc mâu thuẫn, vướng mắc trong các lĩnh vực được giao quản lý.
Cấp ủy và tập thể lãnh đạo đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ nếu để xảy ra “khoảng trống pháp luật” hoặc mâu thuẫn, vướng mắc đối với các lĩnh vực được giao phụ trách; đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận, quy định và các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ. Theo dõi sát sao, kịp thời nắm bắt, chủ động giải quyết các nội dung theo thẩm quyền; kịp thời tổng hợp, báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ phải trực tiếp chỉ đạo, điều hành đối với các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ giao cho đơn vị mình thực hiện, bảo đảm chất lượng đúng hạn, không được phó mặc cho cấp phó hoặc cấp dưới.
Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm đối với các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao, kịp thời phát hiện các sai phạm và xử lý hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển định kỳ vị trí việc làm, địa bàn phụ trách đối với các cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác liên quan đến cấp phép, xác nhận hưởng ưu đãi, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa…
Thứ sáu, các đơn vị liên quan đến thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra cần tập trung thực hiện nghiêm các nhiệm vụ khắc phục các hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra trong Kết luận và đã được nêu trong chương trình, kế hoạch mà Lãnh đạo Bộ đã phê chuẩn.
Thứ bảy, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và ý thức chấp hành trong thực thi công vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, kịp thời trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, Lãnh đạo Bộ và lãnh đạo đơn vị; đồng thời, chủ động, trách nhiệm tổ chức thực hiện và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, giữa các cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật, quy chế làm việc của Bộ và quy trình xử lý công việc theo nguyên tắc: Chỉ được làm những gì pháp luật cho phép; làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, không được để công việc bị bê trễ, phải bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu được giao.
Thứ tám, chú trọng phát huy dân chủ trong thảo luận, trách nhiệm và quyết liệt trong hành động; phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng và tập thể lãnh đạo các đơn vị với phương châm “Cấp ủy và tổ chức Đảng lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ; Việc ở đâu phải do cấp ủy, tổ chức Đảng ở đó và tập thể lãnh đạo đơn vị đó chỉ đạo giải quyết trên cơ sở tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc của Đảng, quy định pháp luật của Nhà nước, không được né tránh, đùn đẩy".
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực. Tập trung đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đề cao vai trò cấp ủy, tinh thần nêu gương và trách nhiệm người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cấp ủy, gắn với nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường kỳ giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ với cán bộ chủ chốt các đơn vị và giữa cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị với cán bộ, công chức, người lao động để kịp thời năm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý các mâu thuẫn (nếu có)
Thứ chín, cấp ủy, Lãnh đạo các đơn vị cần chủ động rà soát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc tổ chức, đơn vị mình để kịp thời xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng các nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, người lao động; đồng thời, khẩn trương xử lý những vấn đề chưa thỏa đáng dựa trên quy định của pháp luật, nguyên tắc của Đảng, phù hợp thực tiễn để không xảy ra tình trạng mâu thuẫn, bức xúc, mất đoàn kết nội bộ.
Tiếp tục duy trì cơ chế đối thoại thường kỳ giữa Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ với cán bộ chủ chốt các đơn vị và giữa cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị với cán bộ, công chức, người lao động để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xử lý các mâu thuẫn (nếu có).
Thứ mười, tăng cường tổ chức các hoạt động tập thể trong từng đơn vị để tạo sự gần gũi, gắn bó và hiểu biết lẫn nhau, nhất là hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, làm việc nhóm. Đồng thời, chú trọng phát động, tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động nhằm vào mục tiêu phát huy sáng kiến, cải tiến cách làm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của mỗi tập thể, mỗi cá nhân.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất, máy móc, phương tiện, điều kiện làm việc của cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác; đồng thời, tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung quan tâm, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong từng đơn vị.
Chú trọng làm tốt hơn công tác vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan công sở, nơi làm việc; bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn và sử dụng hiệu quả, hợp lý tài sản công theo quy định của Nhà nước.
Về những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị tại Hội nghị đối thoại, Ban Thường vụ Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ ghi nhận và sẽ xem xét, giải quyết, trả lời trong thông báo kết luận.
“Mong rằng, sau Hội nghị, dựa vào kết luận của lãnh đạo Bộ, chúng ta sẽ triển khai thực hiện hiệu quả để từng bước tiếp tục cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ và quan tâm chăm lo cho đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, xây dựng được một tập thể thực sự vững mạnh, đủ sức, đủ điều kiện để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ.
Huyền My (nguồn: tapchicongthuong.vn)