banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Hơn 3 triệu người sẽ được hưởng mức lương hưu, trợ cấp mới
Cập nhật lúc 10:20 ngày 01/03/2022
Từ tháng 3.2022, một số quy định mới về tiền lương hưu, trợ cấp hằng tháng và tiền lương làm căn cứ tính các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ có hiệu lực. Dự kiến có hơn 3 triệu người sẽ được hưởng mức lương hưu, trợ cấp mới.
 Tăng 7,4% lương hưu
Theo thông tư 37/2021/TT-BLĐTBXH việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng sẽ có hiệu lực từ ngày 15.3.
Mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 7,4% so với mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng của tháng 12.2021, thời gian điều chỉnh tính từ 1.1.2022.
Đối tượng điều chỉnh gồm: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hằng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.
Tăng mức trợ cấp với cán bộ xã đã nghỉ việc
Một chính sách tăng mức trợ cấp hằng tháng khác đối với cán bộ xã già yếu đã nghỉ việc cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 15.3.
Theo thông tư 2/2022/TT-BNV, mức trợ cấp hằng tháng cũng được điều chỉnh từ ngày 1.1.2022  đối với cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc theo Quyết định 130-CP ngày 20.6.1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định 111-HĐBT ngày 13.10.1981 của Hội đồng Bộ trưởng.
Mức trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh như sau: Đối với cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã: 2.473.000 đồng/tháng (Trước đây là 2.116.000 đồng/tháng); đối với cán bộ nguyên là Phó Bí thư, Phó Chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký hội đồng nhân dân xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã: 2.400.000 đồng/tháng (trước đây là 2.048.000 đồng/tháng); đối với các chức danh còn lại: 2.237.000 đồng/tháng (trước đây là 1.896.000 đồng/tháng). Chế độ quy định tại thông tư này có hiệu lực từ 15/3/2022 và được áp dụng từ ngày 1.1.2022.
Tiền lương làm căn cứ bồi thường NLĐ
Từ ngày 1.3, Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sẽ có hiệu lực. Theo đó, tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp tai nạn lao động và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động sẽ được điều chỉnh.
Tiền lương làm căn cứ thực hiện các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.
Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
Mức tiền lương tháng được xác định tuỳ theo từng đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân; người lao động làm việc theo hợp đồng; người học nghề, tập nghề; người lao động trong thời gian tập việc, thử việc...
Quang Tùng (nguồn: laodong.vn)