banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Đề nghị dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động
Cập nhật lúc 01:51 ngày 17/09/2021
Chiều 14.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về công tác phòng, chống COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động, dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 
Tham dự có ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các Phó Chủ tịch: Trần Văn Thuật, Phan Văn Anh, Ngọ Duy Hiểu. 
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN- phát biểu tại hội nghị
Theo báo cáo của Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), trong thực hiện các chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến ngày 13.9, công đoàn các cấp chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hoá với tổng số tiền trên 4.375,882 tỉ đồng. Trong đó: Chi trực tiếp hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: 1.121,773 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19, chuyển về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: 333,044 tỉ đồng; chi ủng hộ và vận động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng chống COVID-19: 293,881 tỉ đồng; chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 trên 200 tỉ đồng; chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16/CT-TTg: Trên 1.000 tỉ đồng; chi trực tiếp tại các công đoàn cơ sở theo các mức ban hành chung từ trước đối với người lao động khó khăn: 1.396,223 tỉ đồng...  
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, tính đến ngày 11.9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được báo cáo của 27 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố về việc triển khai thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết này cho 1.163.017 đoàn viên, người lao động với số tiền hỗ trợ là trên 1.677 tỉ đồng và có 170.640 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỉ đồng. 
Để Nghị quyết 68/NQ-CP phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời người lao động và doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra một số đề xuất, trong đó đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xã hội, gói an sinh mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới… 
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đại diện Liên đoàn Lao động các địa phương, Công đoàn ngành đã nêu lên những kết quả thực hiện các chính sách của Chính phủ cũng như của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thời gian qua, đồng thời nêu lên những vướng mắc trong quá trình thực hiện; nêu lên những kiến nghị…  
Ông Nguyễn Đình Khang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, thời gian qua, các cấp công đoàn đã kịp thời phản ánh được tình hình công nhân lao động khó khăn từ khi dịch bùng phát lần thứ 4.
Các ý kiến này là cơ sở để Tổng LĐLĐVN kiến nghị Đảng, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng bị ảnh hưởng bởi COVID-19; là cơ sở để Tổng LĐLĐVN xây dựng các chính sách của Tổng LĐLĐVN hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ.
Ghi nhận, cảm ơn những cố gắng của cán bộ CĐ các cấp, ông Nguyễn Đình Khang khẳng định: “Các cán bộ CĐ các cấp đã thực trở thành những chiến sĩ, không quản ngại khó khăn, vất vả, hiểm nguy hỗ trợ đoàn viên, NLĐ; triển khai thực hiện chính sách của Tổng LĐLĐVN cũng như của Chính phủ”.   
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các cấp công đoàn nỗ lực để có những giải pháp chăm lo tốt hơn cho người lao động; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách của Tổng LĐLĐVN; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, nhất là cơ quan lao động thương binh xã hội trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với với người lao động…  
Cùng với đó, cần tiếp tục nắm cơ sở, nắm tình hình một cách toàn diện về đời sống, việc làm, những khó khăn mà CNLĐ đang gặp phải,  nhất là những CNLĐ đang mang thai, nuôi con nhỏ; những con công nhân lao động đang tuổi đi học… Bên cạnh đó, nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc của các chính sách để phản ánh về Tổng LĐLĐVN; đề xuất những chính sách bổ sung để chăm lo cho người lao động trong thời gian tới… 
Bảo Hân - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)