Tổ Công tác đặc biệt phía Nam Bộ Công Thương tham gia Đoàn Công tác của Chính phủ
Trong 2 ngày (23 và 24/8), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, cùng thành viên Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ tháp tùng đồng chí Phó Thủ tướng Lê Văn Thành dẫn đầu, làm việc một số nội dung về phòng chống dịch bệnh, cung ứng hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp và hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác chống dịch và cung ứng hàng hóa, sáng ngày 23/8, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Tổ Công tác đặc biệt đã làm việc với Tổ Công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Lê Đình Thọ - Trưởng đoàn về việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiện vận chuyển hàng hóa.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải tham gia Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành
Cùng ngày, Tổ Công tác tiếp tục tháp tùng Thứ trưởng tham gia Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thăm, làm việc tại Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm 5D - Tổng Cục hậu cần Bộ Quốc phòng và một số điểm cấp phát, đi chợ hộ cho người dân trong khu cách ly ở một số quận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh về một số nội dung liên quan về phòng chống dịch bệnh và cung ứng hàng hóa.
Đoàn công tác của Chính phủ thăm kho dự trữ của Tập đoàn Massan
Sáng ngày 24/8/2021, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã tham gia Đoàn Công tác của Chính phủ và UBND Thành phố Hồ Chí Minh đi kiểm tra, nắm bắt thông tin trong công tác phòng chống dịch Bệnh viện dã chiến tại quận 7. Tại quận 7, Đoàn đã làm việc tại Tổng kho kho dự trữ hàng hóa của Tập đoàn Massan (Vincommer) trên địa bàn. Tại đây, theo báo cáo của Phó Chủ tịch Thành phố cho biết lượng hàng hóa, lương thực thực phẩm luôn sẵn sàng cung ứng đầy đủ cho hệ thông Vincommer trên địa bàn các quận, huyện của Thành phố.
Ngoài làm việc với Massan, Đoàn đã làm với một số siêu thị, trong đó có siêu thị Coopmart trên địa bàn quận 7 và đánh giá lượng hàng hóa được bảo đảm đầy đủ, giá cả ổn định. Siêu thị này cũng bắt đầu đón nhận đơn hàng online, tuy nhiên sức mua giảm.
Phó Thủ tướng kiểm tra điểm thu mua, chế biến nông sản của Long An: Ảnh Chinhphu.vn
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải và Tổ Công tác đặc biệt đã tham gia Đoàn Công tác của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm việc tại Tỉnh ủy và Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Long An liên quan đến tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của tỉnh này.
Trong cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chia sẻ những khó khăn trong tình hình dịch bệnh phức tạp vừa qua trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng đánh giá cao về nỗ lực của ngành Công Thương tỉnh, các chỉ số kinh tế đều tăng trong 7 tháng vừa qua đã đạt được chỉ số tăng trưởng rất tốt; đặc biệt trong công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu tới tay người dân trong vùng dịch, đồng thời đã xây dựng hiệu quả các Chương trình bình ổn.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đánh giá cao nỗ lực của ngành Công Thương Long An trong công tác đảm bảo cung ứng hàng hóa
Bên cạnh đó, thời gian qua tỉnh đã triển khai rất tốt việc xuất khẩu nông sản chủ lực trên địa bàn, trước tình hình dịch bệnh tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo lao động cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mặt hàng nông sản.
Trong buổi làm việc Long An đã kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường hoạt động thực hiện các giải pháp xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa nông sản. Về việc này, Thứ trưởng đã rất đồng thuận với kiến nghị của tỉnh và cho biết trong thời gian tới sẽ hỗ trợ Long An xúc tiến các mặt hàng nông sản chủ lực.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Long An, tính đến 6h ngày 24/8/2021, tỉnh Long An ghi nhận 19.079 ca nhiễm COVID-19. Tỉnh đã chuẩn bị các kịch bản đảm bảo công tác y tế cho các tình huống có 20.000, 25.000 và 30.000 ca bệnh trên địa bàn tỉnh để chủ động có biện pháp ứng phó, không để bị động bất ngờ. Đồng thời tiếp tục tập trung công tác đầu tư, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế và huy động nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện công tác cách ly, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 theo tháp điều trị 3 tầng nhằm giảm thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc tại 5 địa phương thuộc vùng đỏ, đảm bảo thực hiện xét nghiệm hết người dân trên địa bàn và thực hiện xét nghiệm ít nhất 2 lần nhằm phát hiện và bóc tách hết F0, F1 ra khỏi cộng đồng ngay trong tháng 8/2021. Tính đến ngày 23/8/2021, Long An đã thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 33,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Hiện toàn tỉnh còn 767 doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” với tổng số 44.422 lao động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tham gia đoàn công tác tại Long An - ảnh: Nhân Dân
Tỉnh dự kiến trong 2 tuần tới (từ 24/8/2021-7/9/2021), lúa Hè Thu và lúa Thu Đông của các huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng sẽ thu hoạch với diện tích 81.400 ha, sản lượng 410.800 tấn. Hiện vẫn có thương lái, doanh nghiệp thu mua nhưng số lượng giảm đáng kể hoặc thu mua với số lượng ít. Nguyên nhân là do ngại di chuyển vì dịch bệnh; chi phí tăng khi phải xét nghiệm định kỳ; nhiều nhà máy chế biến lúa giảm công suất...
Long An được xem là thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản lớn nhất của Đồng bằng sông Cửu Long
Nhìn chung hoạt động vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh được lưu thông, không bị ùn tắc, đáp ứng được sản xuất của các đơn vị và đáp ứng được nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân; đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ được giao liên quan đến công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Hiện tại, hệ thống các siêu thị, Trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi vẫn đang hoạt động bình thường, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân và các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung giá hàng hoá tương đối ổn định; sức mua ổn định, không có hiện tượng thu gom, tăng giá đột biến.
Hiện toàn tỉnh có 136 đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu; có trên 176 điểm bán hàng bình ổn cố định và lưu động trên địa bàn tỉnh.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,06%; các chỉ số về sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng trưởng khá tốt. Tuy nhiên từ tháng 7 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, việc tiêu thụ nông sản gặp rất nhiều khó khăn; sản xuất của các doanh nghiệp trì trệ, chuỗi cung ứng gặp khó khăn, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp... đa số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động do áp dụng công tác phòng, chống dịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 giảm 10,71% so với tháng trước và giảm 14,61% so với cùng kỳ; có 32/73 nhóm ngành công nghiệp giảm sản lượng so với cùng kỳ… |
An Châu (nguồn: moit.gov.vn)