banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Hỗ trợ 26.000 tỉ đồng chủ yếu cho công nhân, người lao động trực tiếp
Cập nhật lúc 03:38 ngày 02/07/2021
Tối 1.7, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6.2021, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung đã thông tin về những điểm nổi bật của Nghị quyết số 68 vừa được Chính phủ ban hành, về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mức hỗ trợ khoảng 26.000 tỉ đồng.
Ban hành gói hỗ trợ 26.000 tỉ với người lao động
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dịch COVID-19 đã và đang tác động mạnh mẽ, đặc biệt với người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trước tình hình như vậy, Chính phủ đã báo cáo với Bộ Chính trị về chủ trương ban hành một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỉ với người lao động.
Chiều 1.7, Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 68, về việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đối tượng tập trung chủ yếu là công nhân – người lao động trực tiếp.
Nghị quyết đưa ra 4 nguyên tắc cơ bản trong việc hỗ trợ. Đầu tiên là đảm bảo hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Thứ hai là thiết kế các chính sách cố gắng đơn giản nhất, dễ nhất cho người lao động và chủ sử dụng lao động tiếp cận chính sách.
Thứ ba là đảm bảo khả thi, trong một đối tượng sẽ không hỗ trợ 2 lần (trừ 2 đối tượng được ưu tiên là: Người lao động là phụ nữ mang thai hoặc cha mẹ đang trực tiếp nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tuổi. Đối tượng trẻ em đang điều trị nhiễm COVID-19 hoặc đang bị cách ly).
Nguyên tắc thứ 4 là phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành và phân bổ ngân sách theo quy định, có phân công, phân nhiệm.
Nghị quyết cũng nêu rõ tỉ lệ đảm bảo nguồn chi để thực hiện chính sách. Ví dụ với các tỉnh khó khăn, ngân sách Trung ương đảm bảo 80%.
Nghị quyết 68 tập trung vào 12 nhóm chính sách. Trong đó có việc giảm mức đóng bảo hiểm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
“Việc giảm ở đây là giảm cho người sử dụng lao động, vì người sử dụng lao động đóng cho người lao động. Thời gian giảm là 12 tháng.
Ví dụ, đáng lẽ doanh nghiệp phải đóng 0,5% thì bây giờ đóng bằng 0 đồng. Tức không phải đóng gì nữa nhưng người lao động vẫn được hưởng chính sách trong 12 tháng. Sẽ có 11 triệu người lao động được thụ hưởng chính sách này, với số tiền 3.800 tỉ. Riêng với lực lượng vũ trang và những người hưởng lương từ ngân sách thì không áp dụng chính sách này.
Toàn bộ số tiền được giảm đóng này, người sử dụng lao động phải dùng để chi trả cho công nhân, người lao động”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tạm dừng đóng quỹ hưu trí, hỗ trợ người bị thất nghiệp
Ngoài việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin cụ thể về 11 chính sách còn lại của Nghị quyết 68.
Cụ thể: Sẽ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Chính sách này tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 42 nhưng mức tiêu chí giảm nhiều so với Nghị quyết 42. Thời gian áp dụng là 12 tháng.
Chính sách thứ ba là hỗ trợ đào tạo với người lao động, sử dụng kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Việc này, theo Bộ trưởng, giúp người lao động và sử dụng lao động được sử dụng kinh phí này để đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đối công việc. Mức hỗ trợ với mỗi người là 1,5 triệu/tháng, không quá 6 tháng. Thời gian áp dụng từ 1.7.2021 tới hết năm nay.
Chính sách thứ tư là hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1/5 tới 31/12 năm nay. Có 2 nhóm đối tượng được hưởng chính sách này, một nhóm được hỗ trợ 1,8 triệu đồng và một nhóm được hỗ trợ 3,58 triệu đồng.
Chính sách thứ năm là hỗ trợ trẻ em và phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai ngoài các chính sách chung được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/tháng. Mỗi trẻ em được hưởng thêm 1 triệu đồng/tháng. Trường hợp này, nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ cho một người nuôi dưỡng, hoặc mẹ hoặc bố.
Chính sách thứ sáu là hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày với công nhân đang phải điều trị COVID-19 hoặc phải cách ly để phòng chống dịch.
Chính sách thứ 7 là hỗ trợ người lao động trong các đơn vị hoạt động nghệ thuật phải nghỉ để phòng chống dịch. Mức hỗ trợ là 3,7 triệu đồng/người. Đây là những người hoạt động với các chức danh hưởng lương ở mức khởi điểm. Có khoảng 2.000 người được hưởng chính sách này trên quy mô cả nước.
Chính sách thứ 8 là hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch (được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng sâu, mất việc từ 15 ngày trở lên).
Chính sách thứ 9 là hộ kinh doanh bị ảnh hưởng vì COVID-19, mức hỗ trợ ấn định là 3 triệu đồng/lần.
Chính sách thứ 10 là cho vay để trả lương. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đây là một chính sách mới, được vay với mức lãi suất 0%, không phải thế chấp tài sản, mức vay bằng một tháng lương cần trả cho người lao động, áp dụng tối đa 3 tháng. Áp dụng với những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu như kinh doanh dịch vụ.
Chính sách thứ 11, hỗ trợ người lao động tự do. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của các địa phương để xây dựng chính sách cụ thể nhưng không ít hơn 1,5 triệu đồng/người/tháng hoặc mức 50.000 đồng/người/ngày.
Đặng Chung (nguồn: laodong.vn)