banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Bác Hồ và quyền bình đẳng của phụ nữ hôm nay
Cập nhật lúc 08:10 ngày 17/05/2014

Để phụ nữ thật sự có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu từ cả hai phía: Các tổ chức Đảng, Chính quyền và bản thân người phụ nữ.

Câu chuyện nhỏ và lời Bác Hồ dặn năm xưa

Anh hùng Đặng Đức Song được cử đi dự Đại hội Thanh niên Thế giới khi trở về kể lại câu chuyện gặp Bác Hồ khi Người ghé thăm anh chị em ở Đại sứ quán. Lúc chia quà, Bác bảo thanh niên, đàn ông lùi ra để các cháu nhỏ và chị em phụ nữ vào trước. Sau đó ở trường Văn hóa Quân đội nơi đồng chí Song đang học đã có một “phong tục mới”: Khi có hội nghị, liên hoan, các buổi văn nghệ, xem phim... chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi đều được mời lên ngồi ở những hàng ghế đầu tiên. Chính uỷ Lê Quang Hòa của trường đã nhận ra bài học Bác Hồ dạy qua hành động của mình: Ưu tiên trân trọng phụ nữ và các cháu thiếu nhi.    

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người mà Người đã dành trọn cuộc đời hy sinh tranh đấu cũng đồng thời hàm chứa cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ.

“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ !”(Lời Hồ Chủ tịch)

Để phụ nữ thật sự có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu từ cả hai phía: Các tổ chức Đảng, Chính quyền và bản thân người phụ nữ. Người luôn quan tâm đến vị trí của phụ nữ trong các tổ chức của hệ thống chính trị, mong muốn ngày càng có nhiều chị em tham gia các công tác xã hội, trong các cấp uỷ Đảng, cũng như trong các tổ chức quần chúng. Người cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng phụ nữ ít được tham gia lãnh đạo, quản lý là do: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”.

Người phê phán những người chưa hiểu đúng sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Giải phóng phụ nữ không chỉ là “hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát”, “mà phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội, để phụ nữ tham gia vào các công việc, ngành nghề như nam giới”. Để thực hiện bình quyền, bình đẳng nam - nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh” ; các cấp uỷ Đảng và Chính quyền “phải có phương pháp đào tạo và giúp đỡ để nâng cao hơn nữa địa vị của phụ nữ”… Cho đến bản Di chúc thiêng liêng để lại cho hậu thế, Người vẫn dành nhiều dòng nói về việc bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Nghĩ về câu chuyện hôm nay

Thành tựu đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam thêm cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Cũng nhờ những cố gắng tự thân, nỗ lực bền bỉ, vượt lên những khó khăn và cả những định kiến về giới mà vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam hôm nay đang ngày càng được khẳng định. Phụ nữ Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp to lớn hơn trên các mặt đời sống, đặc biệt là trong lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội đã được nâng dần lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với những đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ!” .

Năm 1969, Bác Hồ tặng hoa phong lan cho các nữ chiến sĩ Quảng Bình (Ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, trong bước chuyển mới của đất nước, chúng ta “mở cửa” để hội nhập và phát triển, để đón thời cơ trong một thế giới đầy biến động. “Cửa mở” cũng là cơ hội thâm nhập, lan tràn của những ô nhiễm cả thiên nhiên và xã hội, những bệnh tật cả tinh thần và thể xác. Việc đẩy những giá trị cá nhân (nhiều khi chỉ là giá trị biểu kiến, tự đặt ra) lên quá cao đến mức cực đoan, thoát ly những giá trị văn hoá gia đình và cộng đồng truyền thống (mặc dù tốt đẹp) đã và đang dẫn tới những bi kịch.

Những phụ nữ “hiện đại” theo hướng này đã hoàn toàn không còn những nét đẹp truyền thống cả tinh thần lẫn thể chất. Việc hiểu một cách máy móc và không đầy đủ về sự bình đẳng và quyền bình đẳng đã dẫn đến sự bình quân, đến cách phân chia quyền lợi và nghĩa vụ của những người trong gia đình một cách gần như cơ học; sự tính toán lạnh lùng đang dần thay thế cho tình yêu thương, tâm lý đám đông lấn át sự tinh tế, thói vô cảm chiếm chỗ của tấm lòng sẻ chia, đùm bọc, thông cảm và vị tha... Đó không chỉ là bi kịch của mỗi cá nhân, trong mỗi gia đình, nếu không được ngăn chặn sẽ trở thành bi kịch mang tính xã hội. Đây là những nhiệm vụ khó khăn đang đặt ra trước mỗi người có trách nhiệm và lương tâm với tương lai, trong đó có phần quan trọng của những người phụ nữ...

TS. Ngô Vương Anh (Báo Phụ nữ Thủ đô)