Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp vùng có dịch vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc hàng hóa. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 diễn ra sáng 24/2.
Trước đó, khi nhận được phản ánh một số địa phương có dịch như Hải Dương gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, Bộ Công Thương đã có văn bản số 901/BCT-TTTN ngày 21/02/2021 gửi Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề trên. Theo Bộ Công Thương, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định rất quan tâm đến việc lưu thông hàng hóa
Báo cáo nhanh của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho thấy, thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng… gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.
Nêu rõ hơn vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, việc ách tắc hàng hóa thời gian ban đầu tại Hải Dương là kinh nghiệm cho các địa phương khác. Bộ Công Thương đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ lớn, tập đoàn bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa cho Hải Dương, tuy nhiên, vướng không phải do nhu cầu không có, chuỗi siêu thị không nhiệt tình mà là do vấn đề vận tải. Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn về vận tải hàng hóa an toàn, nhưng có tình trạng các tỉnh hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau. Đến nay, vấn đề cơ bản đã được xử lý nhưng đây là kinh nghiệm cần rút. Tháo gỡ để hàng hóa lưu thông là điều kiện căn bản để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.
Song song với việc khó khăn trong lưu thông hàng hóa, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay, để hoàn thành mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19, Bộ Công Thương đã nhiều lần có văn bản liên quan đến việc thực hiện bản đồ an toàn cho các nhà máy xí nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố đề nghị các khu công nghiệp, doanh nghiệp chủ nhà máy thực hiện nghiêm việc này. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Công Thương nhận thấy rằng, tại hợp phần là các siêu thị, việc này được thực hiện tương đối tốt và các địa phương cũng đã đôn đốc tương đối tốt. Tuy nhiên hợp phần khác là các nhà máy xí nghiệp thì thực hiện chưa tốt.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An phát biểu tại cuộc họp
“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp căn bản để chúng ta thực hiện mục tiêu kép bởi chỉ có thực hiện tốt 4 tại chỗ thì chúng ta mới đảm bảo an toàn cho sản xuất, cho nên đây là việc cần được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề xuất.
Về đối tượng ưu tiên tiêm vaccine, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng tiêm ưu tiên là là ngoài nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong ngành điện còn có nhóm các nhà máy dầu khí, nhà máy lọc dầu và nhân viên bán hàng ở khu vực hàng hóa thiết yếu của các chuỗi thương mại để đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ quan tâm đến tình hình “giải cứu” đã diễn ra những ngày qua và đồng thời đặc biệt quan tâm đến tình hình của những tỉnh trong 3 cực tăng trưởng là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh. Do đó, cần tiếp tục có giải pháp tạo thuận lợi trong thông thương hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, không để xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ”.
“Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp vùng có dịch vừa đảm bảo yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc” – Thủ tướng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, cư dân các tỉnh, đặc biệt các tỉnh có dịch cần có biện pháp kiểm soát dịch, đồng thời đảm bảo sản xuất kinh doanh. Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 , Bộ Y tế không can thiệp sâu những vấn đề của địa phương, đã giao quyền cho UBND địa phương sau khi thống nhất trong cấp ủy sẽ ban hành những quy định của địa phương mình như phong tỏa, thực hiện Chỉ thị 15,16 và tháo phong tỏa tùy tình hình được kiểm soát. Lãnh đạo các địa phương cần xem xét áp dụng cụ thể để không bị ách tắc hàng hóa.
Bên cạnh tích cực, chủ động sản xuất an toàn, không được chủ quan trong phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành trong cả nước, các doanh nghiệp đảm bảo sản xuất kinh doanh để phát triển kinh tế mạnh mẽ, kể cả kinh tế dịch vụ trong một số lĩnh vực. Tùy tình hình cụ thể, các địa phương cần ban hành những chủ trương, biện pháp để không có tình trạng đóng cửa, khoanh vùng… nếu như chúng ta kiểm soát được dịch tốt.
Phương Lan (nguồn: congthuong.vn)