Trong bối cảnh dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp, các cấp công đoàn đã linh hoạt trong hoạt động, động viên đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động vừa chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa Việt Nam vào nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Bộ Luật Lao động thu hút gần 600 nghìn lượt người tham gia
Một số kết quả đạt được
Hoạt động thông tin, tuyên truyền ở cơ sở được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức và huy động các lực lượng cùng tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại doanh nghiệp, khu nhà trọ; sử dụng các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên điện thoại, máy tính để phổ biến thông tin, chủ trương, chính sách tới đoàn viên, người lao động, góp phần kết nối, chia sẻ thông tin giữa đoàn viên với công đoàn cơ sở, giữa các cấp công đoàn, giữa các công đoàn cơ sở cùng ngành, cùng địa bàn.
Cùng với đó là chủ động ứng dụng các kỹ thuật truyền thông mới để lan tỏa thông tin, hình ảnh các hoạt động của tổ chức công đoàn. Tháng Công nhân năm 2020 có 26.827 CĐCS tổ chức các hoạt động hưởng ứng (đạt 56,58 % chỉ tiêu giao của năm 2020).
Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, góp phần củng cố, bồi đắp niềm tin của người lao động đối với Đảng, nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2020), kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị biểu dương 90 cấp ủy viên là chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và chương trình giao lưu nghệ thuật “Công nhân Việt Nam dưới cờ Đảng quang vinh”; tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên và sinh hoạt chi bộ trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước”; tổ chức tọa đàm: “Cán bộ công đoàn học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”; phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức trưng bày triển lãm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”…
Hạn chế và những vấn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền vẫn còn những hạn chế. Việc định hướng, tuyên truyền, nắm bắt và xử lý thông tin trên báo chí, mạng internet có lúc chưa đồng bộ, kịp thời; chưa khắc phục được tình trạng phần lớn các cuộc ngừng việc tập thể tại các doanh nghiệp có đông công nhân, lao động đều được thông tin, chia sẻ trên mạng xã hội trước khi được phản ánh cho cán bộ công đoàn. Xuất hiện một số thông tin sai lệch, có tính chất kích động được lan truyền, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội nhằm hạ thấp vai trò của tổ chức Công đoàn…
Thời gian tới, với sự phát triển như vũ bão của không gian mạng, sự kết hợp giữa công nghệ vật lý, kỹ thuật số và sinh học, giữa hệ thống ảo và thực tế… mang lại những thuận lợi cơ bản cho công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn nhưng cũng hàm chứa nhiều khó khăn, thách thức mới. Cùng với đó là thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3/4/2019 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, đến năm 2025 hệ thống báo chí công đoàn đã, đang và sẽ giảm số lượng đầu mối.
Bộ luật lao động năm 2019 có hiệu lực thi hành cho phép tổ chức của người lao động tại cơ sở ra đời, tồn tại song song với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì việc thiếu các kênh báo chí chính thống cũng là một khó khăn, thách thức với tổ chức công đoàn trong việc chỉ đạo, định hướng và chủ động thông tin, tuyên truyền đến đoàn viên, người lao động và xã hội. Thực tiễn đó đòi hỏi đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền
Để đổi mới toàn diện công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam, cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, đổi mới nhận thức về công tác tuyên truyền
Thống nhất một số nhận thức về công tác tuyên truyền vận động trong tình hình mới gồm ba vấn đề, trước hết là truyền thông về hoạt động công đoàn bằng một lực lượng chuyên nghiệp, được tổ chức với những cái riêng biệt, thuyết phục.
Thực hiện công tác tuyên truyền vận động là một quá trình và được tiến hành đồng bộ trong hệ thống công đoàn. Nhiệm vụ của công tác tuyên truyền không dừng lại ở trách nhiệm cán bộ tuyên giáo công đoàn, ở công đoàn cấp trên cơ sở mà là trách nhiệm của cán bộ công đoàn, công đoàn cơ sở góp phần để đoàn viên, người lao động hiểu rõ về công đoàn và tích cực tham gia các hoạt động do công đoàn tổ chức.
Tiến hành tuyên truyền, vận động chủ động và đến tận đối tượng tuyên truyền, đảm bảo cân đối cả yêu cầu của tổ chức và yêu cầu của đối tượng tuyên truyền, trên cơ sở sử dụng hiệu quả cao về tài lực, nhân lực, phương tiện, công nghệ mang tính hệ thống nhưng phải đảm bảo tính phong phú, đa dạng.
Hai là, đổi mới đối tượng của công tác tuyên truyền
Đối tượng công tác tuyên truyền của tổ chức công đoàn cũng sẽ mở rộng hơn so với thời gian trước. Ngoài đối tượng chính là đoàn viên công đoàn thì công tác tuyên truyền cần hướng tới đối tượng là các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ để tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo, phối hợp và hỗ trợ công đoàn hoạt động; người sử dụng lao động để tranh thủ sự ủng hộ, tạo điều kiện đối với hoạt động công đoàn và người lao động chưa phải là đoàn viên công đoàn để thu hút, tập hợp tham gia tổ chức công đoàn.
Ba là, đổi mới nội dung tuyên truyền
Đây sẽ là yếu tố có hàm lượng đổi mới nhiều nhất, thường xuyên, nhanh và có tính chất quyết định hiệu quả công tác tuyên truyền. Nhìn chung, tất cả các nội dung phải được thường xuyên đổi mới nhưng sự mới tập trung ở nhóm thông tin về thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp; cụ thể hóa việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng và triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong các cấp công đoàn; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công nhân, viên chức, lao động, cán bộ công đoàn.
Xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Tháng Công nhân lần thứ 10, kỷ niệm 135 năm Ngày Quốc tế Lao động và Tháng An toàn vệ sinh lao động năm 2021. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021). Chú trọng công tác nắm bắt tư tưởng của đoàn viên, người lao động, kịp thời phản ánh, đề xuất giải pháp để giải quyết.
Clip lan tỏa trên mạng xã hội facebook của Đoàn thanh niên cơ quan Tổng LĐLĐ Việt Nam
Cùng với đó, thực hiện đột phá trong truyền thông hoạt động công đoàn cơ sở và truyền thông pháp luật – chính trị bằng công nghệ dành cho công nhân viên chức lao động. Trong đó, truyền thông về pháp luật dành cho người lao động được đi trước một bước, sát hợp từng nhóm đối tượng, nâng cao năng lực tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, có sự phối hợp tự nguyện giữa các cấp công đoàn, do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ huy, điều phối. Tiếp theo là truyền thông về chính trị để đoàn viên tự hào, có trách nhiệm hơn trong hoạt động công đoàn và lan toả đến người lao động, thôi thúc họ tự nguyện trở thành thành viên của Công đoàn Việt Nam, vun đắp lòng yêu nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, khát vọng tham gia xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa, hùng cường, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Bốn là, đổi mới phương thức tuyên truyền, tập trung nhóm phương pháp trực quan và sử dụng các phương tiện kỹ thuật làm khâu trung gian. Đồng thời khai thác triệt để các phương tiện mới xuất hiện như: mạng xã hội, điện thoại, máy tính cá nhân, truyền thông nhận diện. Quan tâm chuẩn hóa tài liệu tuyên truyền, thông điệp truyền thông thông qua sử dụng những sản phẩm truyền thông hiện đại như mạng internet như video ca nhạc, clip ngắn, phóng sự ảnh, infographic… đang thu hút CNLĐ trẻ để khai thác tuyên truyền./.
Nguyễn Thị Ngọc Tú (nguồn: congdoan.vn)