banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo tình hình Tết Nguyên Đán 2021
Cập nhật lúc 01:41 ngày 17/02/2021
Bộ Công Thương tổng hợp báo cáo tình hình Tết Nguyên Đán 2021, cụ thể như sau:
I. Công tác phục vụ Tết của ngành Công Thương
 
1. Bộ Công Thương
 
Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết, nhất là các mặt hàng thiết yếu, giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-BCT ngày 30 tháng 10 năm 2020 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021. Trong đó, Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo các địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thịt lợn với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình cung cầu một số sản phẩm nông nghiệp thiết yếu, chú trọng đến tình hình chăn nuôi gia súc và rau, củ quả nhằm bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân trong dịp Tết. Đồng thời, Bộ đã chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước) tổ chức đoàn làm việc tại một số tỉnh, thành (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Yên Bái, Đà Nẵng) về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán.
 
Để tạo nguồn cung cho Chương trình bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên Đán, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Yên Bái... tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu với sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản cho các địa phương, đồng thời tạo nguồn hàng cho Chương trình bình ổn thị trường với giá hợp lý và ổn định trong dịp Tết.
 
2. Các Tập đoàn, Tổng công ty
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các đơn vị sản xuất (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam...) đã có kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán, cụ thể như sau:
 
- Đối với các mặt hàng bánh, mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá: Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất và dự trữ hàng 02 tháng trước Tết khoảng 530 triệu bao, khoảng 1.020 tấn bánh kẹo các loại và khoảng 4.174 lít rượu vang; Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội dự kiến sản lượng bia các loại sản xuất phục vụ thị trường cả nước trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2021 khoảng 108,2 triệu lít.
 
3. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
 
- Về công tác chuẩn bị nguồn hàng và thực hiện Chương trình bình ổn thị trường:
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, công tác dự trữ chuẩn bị hàng hóa cho dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 đã được các địa phương, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai, đặc biệt là Chương trình bình ổn thị trường (BOTT). Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố có báo cáo về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021, trong đó có 27 địa phương có kế hoạch/triển khai Chương trình BOTT. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Chương trình BOTT theo hướng ứng vốn từ ngân sách địa phương hoặc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tham gia chương trình, năm nay, Chương trình BOTT được thực hiện với những nội dung như sau:
 
+ Lượng hàng hoá nói chung và hàng hoá thực hiện BOTT nói riêng dịp Tết Nguyên Đán được chuẩn bị với số lượng dồi dào. Ước lượng hàng hoá tham gia BOTT tại các địa phương triển khai chương trình được tăng cường, chiếm khoảng 20-35% nhu cầu thị trường. Tại một số tỉnh, thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Uỷ ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tăng lượng hàng hoá trong trường hợp có yêu cầu đột xuất hoặc các phương án cung ứng hàng trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại.
 
+ Nguồn vốn dùng để dự trữ hàng hóa chủ yếu được huy động từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh những địa phương đã có kinh nghiệm thực hiện BOTT các năm trước, năm nay, một số địa phương khác như Hậu Giang, Kon Tum... cũng bắt đầu thực hiện Chương trình BOTT một cách quy mô và bài bản (tổ chức mỗi huyện, thị xã 01 điểm bán bình ổn). Cùng với đó, số lượng các địa phương thực hiện theo phương thức kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng tăng so với năm trước. Điều này đã khuyến khích, mở rộng số lượng doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá không cần sự hỗ trợ về vốn vay từ ngân sách Nhà nước.
 
+ Dịch tả lợn Châu Phi và một số dịch bệnh trên gia súc tiếp tục ảnh hưởng lớn tới nguồn cung thịt lợn trong nước nên tại một số địa phương thực hiện chương trình BOTT, mặt hàng thịt lợn được chú trọng đưa vào thực hiện bình ổn, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên Đán. UBND tỉnh/thành phố đề nghị Sở Tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường điều chỉnh giá nếu cần thiết, mức tăng không quá 10%/lần và giữ ổn định giá trong dịp gần Tết, bán thấp hơn giá thị trường 5-10%. Đây là việc làm thiết thực đối với người tiêu dùng do thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu khá lớn dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán trong bối cảnh kinh tế khó khăn và giá thịt lợn tại hầu hết các địa phương đang ở mức khá cao.
 
+ Cùng với việc đẩy mạnh tổ chức kết nối giao thương, ổn định thị trường giữa các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh phân phối để tạo nguồn hàng dự trữ với giá ổn định, các tỉnh, thành phố rất quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia Chương trình BOTT đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối đưa hàng bình ổn tới tay người tiêu dùng, chú trọng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng bão lũ, vùng biên giới, hải đảo...
 
+ Năm nay, các địa phương thực hiện Chương trình BOTT đã triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương bằng việc: mở rộng nhóm hàng hoá thuộc diện BOTT, thực hiện BOTT cả năm đối với một số hàng hoá thiết yếu trong danh mục của địa phương như Bình Dương (thực hiện BOTT đối với mặt hàng giáo dục, sữa học đường, hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết); Lạng Sơn (ngoài những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, UBND chủ trương thực hiện BOTT đối với mặt hàng vật tư nông nghiệp)…
 
Theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị lượng hàng dự trữ phục vụ Tết của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thông thường trong năm; lượng hàng dự trữ của các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn tăng khoảng 5-10% so với năm trước. Các mặt hàng dự trữ tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm tươi sống, trứng gia cầm, gạo, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Giá bán hàng bình ổn được các doanh nghiệp cam kết giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết và được niêm yết giá công khai. Hàng hóa trong chương trình bình ổn thị trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc.
 
Ngoài ra, nhằm giảm áp lực cho thị trường những ngày cận Tết, tránh tình trạng tăng giá đột biến đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, Sở Công Thương các địa phương đã đề nghị các doanh nghiệp tăng thời gian phục vụ Tết tại các điểm bán hàng bình ổn theo hướng nghỉ Tết muộn, sau Tết mở cửa hàng sớm nhằm hạn chế tâm lý mua hàng tích trữ gây tăng giá những ngày giáp Tết và sau Tết. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết được lưu thông, phân phối thông qua các chợ truyền thống và các hệ thống phân phối hiện đại gồm 8.500 chợ, 1.084 siêu thị và khoảng 241 trung tâm thương mại và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi... Nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện ích đã có những chương trình khuyến mại, giảm giá sâu dịp sát Tết với mục đích kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập của người dân bị giảm và dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
 
- Về công tác thông tin tuyên truyền:
 
Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được các địa phương chú trọng, đẩy mạnh nhằm cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình giá cả thị trường, các điểm bán hàng bình ổn, kế hoạch bán hàng phục vụ Tết... để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức, tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Một số địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêu dùng sử dụng thịt lợn đông lạnh, các doanh nghiệp tăng sử dụng thịt lợn đông lạnh phục vụ chế biến thức ăn làm sẵn, thực phẩm chế biến để giảm sức ép cho nguồn cung thịt lợn trong nước.
 
Như vậy có thể thấy, công tác chuẩn bị và phục vụ Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm 2021 đã được ngành Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, bảo đảm không khí vui tươi, lành mạnh trong cả nước. Mặc dù nhiều địa phương chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa trên thị trường vẫn dồi dào về số lượng, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, các địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt nên hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng.
 
II. Kết quả phục vụ Tết

 
1. Tình hình thị trường
 
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố ngay trong giai đoạn gần Tết đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và mua sắm Tết của người dân. Nhiều địa phương đã dừng toàn bộ các Hội chợ Tết, các lễ hội... Trước tình trạng trên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, truy vết và sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế. Từ ngày 22 Tết (ngày 3/2/2021), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên (phục vụ lễ ông Công, ông Táo) nhưng do lo ngại dịch bệnh nên hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước.
 
Công tác chuẩn bị Tết đã được các địa phương triển khai sớm cùng với việc dự trữ hàng hóa theo Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương lớn đã giúp nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu Tết và cho các khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 luôn được bảo đảm, giá hàng hóa bình ổn. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ đưa hàng hóa phục vụ bà con mua sắm Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền để bảo đảm nguồn hàng cho người dân ở mọi miền tổ quốc được đón Tết đầy đủ.
 
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý... Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt (thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19 (Chi tiết về tình hình thị trường tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đính kèm tại phụ lục 1 báo cáo này)
 
2. Giá cả một số mặt hàng Tết
 
2.1. Lương thực
 
Nguồn cung gạo dồi dào, đa dạng và được các doanh nghiệp chuẩn bị từ khá sớm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp lễ, Tết cuối năm. Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, giá các loại gạo tẻ chất lượng cao như Tám Điện Biên, Séng Cù, Nam Hương, Gò Công... tăng khoảng 5-10% so với ngày thường và tương đương so với cùng kỳ năm trước. Giá các loại gạo nếp tăng nhẹ so với cùng kỳ Tết năm 2020, ước tăng khoảng 5-7%. So với cùng kỳ mọi năm, nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, Nhật Bản... giảm nhẹ, người dân có xu hướng tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao trong nước.
 
Nhằm ổn định giá cả mặt hàng gạo, hầu hết các địa phương thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường đều đưa mặt hàng lương thực vào diện bình ổn giá… với giá bán ổn định và thấp hơn giá thị trường khoảng 5-10%. Tết Nguyên Đán Tân Sửu năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp nhưng do đã có kế hoạch từ trước nên tình hình cung - cầu lương thực trong nước được bảo đảm, không xảy ra tình trạng “găm hàng tăng giá” hoặc mất cân đối cung cầu.
 
Theo báo cáo của Sở Công Thương các địa phương, năm nay các lực lượng chức năng như quản lý thị trường, thanh tra thị trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra kiểm soát về chất lượng cũng như giá cả các loại hàng hoá trong đó có mặt hàng gạo. Cùng với đó, doanh nghiệp kinh doanh gạo cũng đã có ý thức trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nên nhìn chung chất lượng gạo ngày càng được bảo đảm. Bên cạnh một số loại gạo bảo đảm chất lượng, sản xuất theo hướng organic hoặc hữu cơ thì một số loại gạo được tiêu dùng nhiều cũng bắt đầu đạt tiêu chuẩn gạo sạch và kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
 
Hiện, giá một số loại gạo tẻ chất lượng cao khoảng 20.000 - 32.000 đồng/kg (tuỳ loại và địa phương). Mặc dù giá bán khá cao so với mặt bằng chung của thị trường nhưng theo Đánh giá, số lượng tiêu thụ tốt và phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng.
 
Giá các loại gạo trong dịp Tết nguyên Đán Tân Sửu diễn biến như sau: Giá các loại gạo tẻ thường nhìn chung ổn định, loại gạo phục vụ cho Tết như nếp, tám thơm và gạo đặc sản địa phương như tám Điện Biên, gạo Séng Cù Lào Cai... tăng khoảng 1.000-2.000 đ/kg, theo quy luật thị trường, tương đương 5-7% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 3-5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau Tết Nguyên Đán, các địa phương khu vực phía Nam sẽ bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân. Giá thóc, gạo nguyên liệu có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ do nhu cầu thu mua xuất khẩu. Các loại gạo nếp và gạo tẻ chất lượng cao tiếp tục ổn định
 
2.2. Thực phẩm
 
Năm nay, thời tiết dịp cuối năm thuận lợi, sản xuất nông nghiệp ổn định và tăng trưởng tốt đã hỗ trợ cho thị trường mặt hàng thực phẩm Tết Tân Sửu 2021 diễn biến thuận lợi, không có biến động bất thường. Nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên Đán được bảo đảm, không có tình trạng khan hàng hoặc tăng giá bất hợp lý. Đối với mặt hàng thịt lợn (mặt hàng có nhiều biến động và được quan tâm nhất trong giỏ thực phẩm năm nay), sau khi ổn định vào cuối năm 2020 đã tiếp tục có xu hướng tăng mạnh trong tháng 01 năm 2021. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá mặt hàng thịt lợn đã giảm và ổn định trở lại do nguồn cung dồi dào, ổn định ngay cả trong những ngày sát Tết và ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
 
Giá các sản phẩm thịt bò ổn định trong suốt cả năm 2020 và bắt đầu tăng nhẹ vào giữa tháng 1 năm 2021 do ảnh hưởng bởi giá thịt lợn và nhu cầu tăng. Giá các sản phẩm gia cầm ở mức thấp trong suốt năm 2020, chỉ tăng nhẹ trong đầu tháng 1/2021 và ổn định đến những ngày sát Tết do nguồn cung dồi dào, nhu cầu thấp. Trong những ngày gần Tết (từ 23 Tết) do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường vẫn giữ giá ổn định và một số siêu thị có chương trình giảm giá bán thực phẩm tươi sống, thịt lợn đông lạnh vào những ngày gần Tết nên giá thịt gà, thịt bò chỉ tăng vào những ngày sát Tết tại các chợ truyền thống do sức mua tăng. Các mặt hàng nông sản thực phẩm khô tăng nhẹ vào khoảng 3 tuần trước Tết sau đó ổn định đến Tết. Giá các loại rau củ quả có xu hướng giảm so với năm trước, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc, giá một số loại rau vụ đông ở mức thấp so với tháng trước và cùng kỳ năm trước do nguồn cung dồi dào. Giá thịt lợn tăng nhẹ khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với cuối năm 2020 nhưng thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 5-7%. Giá thịt bò, thịt gà, thủy hải sản tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trước Tết nhưng chỉ tăng nhẹ hoặc tương đương với Tết Canh Tý 2020.
 
- Thực phẩm tươi sống
 
Tết Âm lịch năm nay người dân có nhiều thời gian mua sắm, chuẩn bị Tết do có 2 ngày nghỉ cuối tuần trước tuần nghỉ Tết và có 2 ngày nghỉ sát Tết (ngày 29 và ngày 30). Đồng thời, người dân không có tâm lý tích trữ thực phẩm trong dịp Tết nữa, thay vào đó vào 10 ngày trước Tết người dân đã tập trung mua sắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Tết và tiếp tục kéo dài đến sát Tết. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 đã xuất hiện trở lại vào 2 tuần trước Tết nên thị trường có phần trầm lắng hơn so với mọi năm, các buổi liên hoan tất niên, tổng kết dịp cuối năm bị hoãn, hoạt động của các nhà hàng, quán ăn đình trệ, nhu cầu mua sắm của người dân có phần giảm sút, nhất là tại các địa phương có dịch, phương thức mua hàng trực tuyến tiếp tục được ưa chuộng.
 
Giá hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng nhẹ vào tuần 23 Tết, ổn định trong tuần sau đó và chỉ tiếp tục tăng nhẹ vào cận Tết. Giá thịt gà tăng mạnh cục bộ 10.000 – 20.000 đ/kg vào chiều 30 Tết tại một số nơi nhưng không có hiện tượng bất thường, nguồn cung vẫn đảm bảo. Đến ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, đã có một số siêu thị mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với mức giá ổn định so với trước Tết; trong khi đó tại các chợ, nhiều tiểu thương bắt đầu bán các mặt hàng rau xanh, thịt, thủy hải sản với giá bán tương đương so với ngày 29-30 Tết.
 
+ Giá thịt lợn: Khác với năm trước, sau khi giảm giá và tương đối ổn định trong Quý IV năm 2020, giá thịt lợn chỉ tăng mạnh đến nửa tháng trước Tết Nguyên Đán, vào cuối tháng 12/2020 và 3 tuần đầu tháng 1 năm 2021 (cuối tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch), sau đó giảm nhẹ và ổn định đến sát trước Tết Nguyên Đán. Nguồn cung mặt hàng thịt lợn đã được bổ sung từ việc tái đàn an toàn và nhập khẩu, một bộ phận người chăn nuôi đã tập trung xuất chuồng vào đúng dịp Tết nên cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. So với cùng kỳ năm trước, giá thịt lợn hơi tương đương hoặc thấp hơn từ 3-5% trong khi giá thịt lợn thành phẩm thấp hơn từ 5-7%.
 
+ Giá thịt bò, gia cầm, thủy hải sản: Như thường lệ, đây là các mặt hàng có sức tiêu thụ tăng mạnh trong những ngày cận Tết nên giá đều có xu hướng tăng so với ngày thường, giá ở mức cao nhất là vào những ngày ngay sát Tết (cả trước và sau Tết). Năm nay, giá thịt bò tăng sớm và ở mức cao hơn so với mọi năm trong khi giá các sản phẩm gia cầm chỉ tăng nhẹ và thấp hơn cùng kỳ năm trước 10-15%. Đến ngày mùng 5 Tết, nhu cầu tiêu dùng và buôn bán mặt hàng này chưa cao nhưng do nguồn cung chưa nhiều, nhất là hải sản tươi sống nên giá tăng nhẹ so với sát Tết.
 
Hiện phổ biến ở mức:
 
Thịt bò thăn: 280.000 - 350.000 đồng/kg
 
Gà ta làm sẵn: 120.000 - 140.000 đồng/kg
 
Tôm sú (26-30 con/kg): 500.000 - 600.000 đồng/kg
 
+ Giá rau, củ, trái cây: Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Thời điểm gần Tết, giá các loại xu hào, cải bắp, cà chua, súp lơ tại các tỉnh phía Bắc giảm giá mạnh do nguồn cung dồi dào, người nông dân thu hoạch để lấy đất cho việc cấy lúa vụ Đông Xuân. Một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5-10% như bưởi diễn, cam canh, cam sành...
 
- Giá thực phẩm chế biến và một số mặt hàng phục vụ Tết:
 
+ Thực phẩm chế biến:
 
Nguồn cung mặt hàng thực phẩm chế biến tiếp tục đa dạng, dồi dào được cung cấp từ các cơ sở sản xuất trong nước và nhập khẩu. Giá các sác phẩm thực phẩm chế biến: giò chả, xúc xích, lạp xưởng.... có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ 5% so với năm trước.
 
+ Rượu, bia, bánh, mứt kẹo: Nguồn cung dồi dào, các loại bánh, mứt, kẹo có nhiều mẫu mã phong phú đa dạng, chủng loại phù hợp với thị hiếu, thu nhập của từng tầng lớp người tiêu dùng khác nhau. Giá các sản phẩm này chỉ tăng nhẹ (3 - 5%) vào thời điểm trước Tết khoảng 2 tuần, sau đó ổn định đến sát Tết. Các doanh nghiệp sản xuất đã xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ phục vụ Tết Nguyên Đán tương đương hoặc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, trong đó chú trọng vào các sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới cao cấp có chất lượng cao, kết hợp thay đổi đa dạng mẫu mã sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tránh được các sản phẩm hàng nhái, hàng kém chất lượng. Các công ty thương mại đẩy mạnh việc nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều nước với mẫu mã đa dạng, chủng loại khác lạ với giá cả hợp lý cũng đã thu hút được người tiêu dùng. Năm nay, các tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại các chợ truyền thống không có xu hướng tích trữ số lượng lớn như mọi năm do lo ngại sức mua giảm.
 
Đối với mặt hàng bia, rượu: Nguồn cung dồi dào nên giá hầu hết các loại bia, rượu vẫn ổn định, riêng giá các sản phẩm bia (phục vụ riêng cho Tết) đã tăng nhẹ (khoảng 2-4%) so với bia thường nhưng nhìn chung mức giá vẫn tương đương so với năm trước. Giá tại các siêu thị, nhà phân phối lớn, nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn cũng có xu hướng ổn định. Để thúc đẩy công tác tiêu thụ trong dịp Tết, một số doanh nghiệp sản xuất tiếp tục triển khai áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi và đưa ra thị trường một số sản phẩm mới chỉ dành riêng cho dịp Tết Nguyên Đán như Habeco, Sabeco...
 
+ Một số mặt hàng nông sản tiêu thụ mạnh trong dịp Tết: Năm nay, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn. Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc… giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 3%-5% so với ngày thường, riêng mặt hàng măng khô và mộc nhĩ giá tăng khoảng 5-10% so với ngày thường.
 
+ Hoa, cây cảnh: Năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng. Giá bán hoa cây cảnh thấp hơn so với năm trước do nhu cầu giảm, một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 quay trở lại vào thời điểm sát Tết, một phần do thu nhập của người dân giảm. Giá bán hoa đào, quất tại các tỉnh phía Bắc giảm so với năm ngoái 10-15%. Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm 5-10% với cùng kỳ năm trước.
(Nguồn: moit.gov.vn)