Công tác truyền thông của Văn phòng Bộ đã tích cực trong việc truyền thông các nội dung Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; cung cấp, kết nối với các cơ quan báo chí để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về Cuộc vận động. Kết quả, đã có hàng trăm nghìn tin bài, chương trình truyền hình về Cuộc vận động.
Thời gian qua, công tác truyền thông luôn được Lãnh đạo Bộ Công Thương rất quan tâm, chỉ đạo sát sao, xuyên suốt đến từng các đơn thuộc Bộ. Là đơn vị đầu mối thực hiện công tác này, Văn phòng Bộ đã xác định công tác truyền thông là một trong những mảng việc chiếm vị trí quan trọng trong công tác chung của Văn phòng Bộ nói riêng và của Bộ Công Thương nói chung. Lãnh đạo Văn phòng Bộ đã quan tâm đặc biệt đối với công tác này.
Công tác truyền thông của Văn phòng Bộ đã tích cực trong việc truyền thông các nội dung Cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; cung cấp, kết nối với các cơ quan báo chí để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về CVĐ. Đã có hàng trăm nghìn tin bài, chương trình truyền hình về CVĐ.
Cụ thể, công tác thông tin, truyền thông, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, truyền thông CVĐ tiếp tục góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bà Ngô Thị Cẩm Thạch - Đại diện Công đoàn Văn phòng Bộ Công Thương tham luận tại Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, diễn ra ngày 11/12/2020 tại Hà Nội
CVĐ thu hút sự vào cuộc đồng bộ, nhiệt tình từ các cơ quan báo chí Trung ương đến địa phương, báo ngành; báo chí truyền hình, phát thanh, đến báo in, báo điện tử… Bằng những đặc trưng riêng, nhóm độc giả riêng của mình, các cơ quan báo chí đã phản ánh đa dạng, nhiều mặt hoạt động của các địa phương, ngành, tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng CVĐ một cách sinh động… tạo nên hiệu ứng lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần thay đổi suy nghĩ, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam.
Đơn cử, với các cơ quan báo chí truyền thông ngành Công Thương, việc tuyên truyền không chỉ gói gọn trong các bài viết, phóng sự, video mà còn thông qua các hoạt động khuếch trương sinh động, mang lại hiệu quả cao, Thông qua các hoạt động này, người tiêu dùng không chỉ tin tưởng, yêu thích hàng Việt Nam mà còn nhận diện rõ hơn các thương hiệu Việt tiêu biểu.
Công tác kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Để truyền thông hiệu quả công tác này, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước truyền thông sâu rộng các Hội nghị, hội thảo nằm trong các chuỗi hoạt động của Chương trình.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 vừa qua, qua theo dõi tình hình dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước, Văn phòng Bộ đã kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Bộ, chỉ đạo các cơ quan chức năng, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường theo dõi, nắm bắt diễn biến của dịch bệnh, chủ động định hướng thông tin, báo chí - truyền thông trên cả nước, phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận của xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ, của Bộ Công Thương. Sau khi các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương được ban hành, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Vụ Thị trường trong nước và các đơn vị liên quan thường xuyên, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức như: cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn, viết bài đăng trên các báo để truyền thông những chính sách, chỉ đạo của Bộ Công Thương đối với việc ổn định hàng hóa, cung cầu thị trường trong nước để người dân, doanh nghiệp yên tâm chống dịch.
Đặc biệt, thời điểm tháng 4, tháng 5 năm 2020, khi người dân cả nước đổ xô ra chợ, siêu thị mua hàng hóa các mặt hàng thiết yếu về tích trữ vì lo dịch bệnh , tạo nên hình ảnh xã hội hoang mang, giá cả một số mặt hàng tăng cao. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã kịp thời chỉ đạo Vụ Thị trường trong nước có các biện pháp cũng như các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan bình ổn thị trường, cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đồng thời trấn an tâm lý người dân, doanh nghiệp. Công tác truyền thông thời điểm này đã được tập trung cao điểm truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức, do đó đã ổn định được tâm lý người dân không gây hoang mang dư luận và tránh được việc găm hàng, dự trữ thực phẩm.
Văn phòng Bộ luôn bám sát kế hoạch hành động của Bộ Công Thương tích cực truyền thông các hoạt động kết nối cung cầu tại thị trường trong nước, các Hội nghị, sự kiện được Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại các vùng miền trên cả nước, đăng tải đầy đủ thông tin lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương. Bên cạnh đó, Văn phòng Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị báo chí thuộc Bộ tích cực truyền thông, viết bài, xây dựng các chuyên đề, chuyên trang, tổ chức các buổi tọa đàm để truyền thông rộng rãi trên hệ thống các cơ quan báo chí thuộc Bộ, giúp kết nối giữa người dân và doanh nghiệp về cung cầu hàng hóa trong nước.
Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng vào việc kết nối cung cầu hàng hóa nhằm ổn định thị trường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cẩm Thạch (nguồn: moit.gov.vn)