Chiều 4.12, Hội nghị Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN lần thứ 17 (khoá XII) bàn về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở.
Tại hội nghị, ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06a/NQ-TLĐ ngày 6.1.2011 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa X) về “tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở”.
Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trình bày dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 06a/NQ-TLĐ
Theo dự thảo báo cáo, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, Tổng LĐLĐVN đã luôn quan tâm và khẳng định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn là thực hiện và thường xuyên đổi mới công tác này ở các cấp, đặc biệt ưu tiên hướng tới bồi dưỡng, đào tạo cán bộ CĐCS. Trong 10 năm qua, Tổng LĐLĐVN đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng để cụ thể hóa các nội dung của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.
Cùng với đó, trong giai đoạn từ 2010 đến 2020, các cấp công đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng ở từng cấp theo từng năm, có kiểm tra, đánh giá. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn thời gian qua đã được quan tâm cả về thời gian và kinh phí, nội dung đào tạo, bồi dưỡng luôn có sự đổi mới kịp thời đáp ứng tình hình hoạt động của CĐCS và yêu cầu, nguyên vọng của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cấp cơ sở. Theo báo cáo của 83/83 trong gần 10 năm từ 2011 đến 2020, đã có 5.620 cán bộ công đoàn được đào tạo trình độ đại học công đoàn; 15.297 cán bộ công đoàn được đào tạo trình độ đại học phần công đoàn và 3.375.111 lượt cán bộ công đoàn được bồi dưỡng ngắn hạn nghiệp vụ về công tác công đoàn.
Toàn cảnh hội nghị
Các uỷ viên Đoàn Chủ tịch đã nêu lên nhiều ý kiến về nội dung này.
Ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam – chia sẻ: “Điều rất khó khăn của chúng tôi hiện nay là là lựa chọn cán bộ công đoàn cơ sở. Hiện nay có tâm lý là cán bộ CĐCS không muốn làm chủ tịch CĐCS mà họ muốn làm nhiệm vụ chuyên môn hơn, mặc dù đã có chế độ ưu đãi. Vì vậy, bây giờ thu hút người giỏi làm cán bộ CĐ là một vấn đề rất lớn, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng và có chính sách thoả đáng mới có thể lựa chọn được người có kinh nghiệm, có tâm huyết làm cán bộ công đoàn”.
Theo ông Vũ Minh Đức, muốn nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở thì yếu tố rất quan trọng là chính sách và lựa chọn cán bộ công đoàn, và bên cạnh cạnh đó là đào tạo, tập huấn. Ông Đức đề nghị cần phải xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng đào tạo những cái mà cán bộ công đoàn cần.
“Ở cấp Tổng LĐLĐVN phụ trách đào tạo kiến thức chung về CĐ; còn kỹ năng công tác thì giao LĐLĐ các tỉnh, CĐ ngành trung ương phối hợp với các đơn vị có chức năng, kinh nghiệm đào tạo kỹ năng cho cán bộ CĐ. Cán bộ CĐ phải đào tạo rất nhiều kỹ năng: Lắng nghe, chia sẻ, thương lượng, đàm phán, thuyết trình…”, ông Đức đề xuất.
Ông Trần Quang Huy – Chủ tịch CĐ Công Thương Việt Nam - cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở. Nêu ra thực tế cán bộ CĐ rất khó khăn trong thu xếp thời gian đi đào tạo, ông Huy đề xuất cần có hình thức phù hợp, ví dụ như đào tạo trực tuyến.
Bảo Hân - Hải Nguyễn (nguồn: laodong.vn)