banner2019
 
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Thứ sáu, ngày 08 tháng 11 năm 2024
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020
Cập nhật lúc 04:15 ngày 03/11/2020
Vừa qua, cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2020 đã được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong dưới sự chủ trì của đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP), Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự họp báo có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và nhiều cơ quan báo chí. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cùng đại diện một số đơn vị trong Bộ tham dự họp báo.
I. THÔNG TIN CHUNG VỀ KẾT QUẢ HỌP BÁO
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, trong ngày 30/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10/2020.
Mở đầu phiên họp, Chính phủ đã dành thời gian mặc niệm, tưởng niệm và chia sẻ những mất mát, đau thương, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ do bão lũ lịch sử gây ra ở miền Trung vừa qua. Như chúng ta đều đã biết, từ đầu tháng 10 đến nay, tình hình mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân, lần đầu tiên trong nhiều năm lũ chồng lũ, bão chồng bão. Thiên tai đã làm hàng trăm người chết, mất tích, khoảng 112.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hỏng, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng tính sơ bộ là hơn 2,7 nghìn tỷ đồng.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẻ chia sâu sắc với những khó khăn, mất mát đau thương mà đồng bào, cán bộ, chiến sĩ các tỉnh khu vực miền Trung đang phải trải qua; chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình, thân nhân của những người thiệt mạng trong mưa lũ và các cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ và công nhân đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực làm hết sức mình, cùng các cấp, các ngành, các địa phương, đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung khắc phục hậu quả và tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống thiên tai, bão lũ, vì cuộc sống an toàn của người dân, vì sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận về hai nội dung lớn: Một là tình hình thiên tai, bão lũ và công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống người dân; hai là về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm. Chính phủ đã đánh giá, thảo luận kỹ về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua và những giải pháp cấp bách khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, đưa ra những biện pháp tiếp tục kiểm soát dịch COVID-19, tập trung phục hồi và phát triển kinh tế.
Các thành viên Chính phủ cơ bản thống nhất đánh giá tình hình: Thiên tai trong tháng 10 vừa qua là lịch sử và công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cũng tập trung, chủ động, quyết liệt ở mức độ chưa từng có. Nhờ sự vào cuộc sớm của cả hệ thống chính trị, đặc biệt với sự vào cuộc của lực lượng quân đội với hai vị tướng, nhiều sĩ quan cấp tá và nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, lực lượng công an và lực lượng các bộ, ngành, địa phương, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của người dân vùng thiên tai và nhân dân cả nước, chúng ta đã hạn chế tối đa, giảm thiểu được thiệt hại. Bão lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhưng càng khó khăn chúng ta càng thấy tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào, đồng chí, thấy sự đoàn kết, chung sức chung lòng của cả dân tộc trong khó khăn, cả nước đã hướng về miền Trung ruột thịt. Chúng ta cũng thấy được quyết tâm rất lớn rằng, càng khó khăn càng có ý chí vượt khó để đưa đất nước tiến lên.
Cùng với đó, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, các tổ chức, đoàn thể, sự chỉ đạo điều hành chủ động quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhất là sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, mặc dù gặp những khó khăn rất lớn (COVID-19, bão lũ…) chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; nhiều mục tiêu phát triển KTXH của năm được giữ vững, an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Trong khi ổn định xã hội ở nhiều khu vực trên thế giới bị đe dọa, thì chúng ta được coi là quốc gia ứng phó với đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất, sớm có được trạng thái bình thường mới, cuộc sống người dân an toàn hơn.
Tình hình KTXH tháng 10 cơ bản bình thường trở lại và tiếp tục có sự cải thiện hơn so với các tháng trước, khi làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 2 đã được kiểm soát. Nền kinh tế nước ta đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III.
IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong  ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới cũng dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5 đến 3% năm 2020.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước, dưới mức Quốc hội giao.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công là điểm sáng, tháng 10 và 10 tháng đều đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 (tháng 10 tăng 42,2%; 10 tháng tăng 34,4%). Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện giảm 2,5%; vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh, mua cổ phần giảm 19,4%.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn là một điểm sáng; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 439 tỷ USD, tăng 2,5%; xuất khẩu ước đạt gần 229 tỷ USD, tăng 4,5%; nhập khẩu ước đạt hơn 210 tỷ USD, tăng 0,4%. Xuất siêu kỷ lục hơn 18,7 tỷ USD. Chúng ta đã có 31 mặt hàng xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ USD.
Nông nghiệp tiếp tục giữ ổn định thể hiện vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Giá cả nông sản cơ bản ổn định; an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm. Nông nghiệp góp phần quan trọng thực hiện an sinh và ổn định xã hội.
Sản xuất công nghiệp tháng 10/2020 tiếp tục khởi sắc, mở ra hy vọng sớm phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2020; đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại dịch vụ trong tháng 10 tiếp tục xu hướng tăng (tháng 10/2020 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước); hàng hóa dồi dào, hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa được tích cực triển khai hiệu quả.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tháng 10 khởi sắc, tăng 18,4% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 10,4% so với cùng kỳ. 10 tháng có gần 111.200 doanh nghiệp thành lập mới.
Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh; Thủ tướng Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm nước công du đầu tiên sau khi nhậm chức và Ngoại trưởng Mỹ thăm Việt Nam.
Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống dân cư trong 10 tháng năm 2020 giữ được ổn định. Tuy nhiên, do bão, mưa lớn, sạt lở, lốc xoáy tại một số địa phương, Chính phủ đã xuất cấp 11.500 tấn gạo và 500 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung bị bão lũ; Bộ Quốc phòng xuất cấp tổng cộng 77,5 tấn lương khô, 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo cho người dân vùng lũ; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã cứu trợ khẩn cấp, đạt tổng giá trị 77 tỷ đồng.
Nhận định khó khăn, thách thức trong thời gian tới còn rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định: Trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung, dồn “cả tâm cả sức” khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân. Khẩn trương có phương án chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, màn trời chiếu đất. Khẩn trương khôi phục lại cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất và đời sống của người dân; hỗ trợ người dân về giống và vốn để phục hồi sản xuất; nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường, có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh sinh viên, các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập, không để các em thiếu sách vở đồ dùng học tập; hết sức chú ý có phương án chủ động ứng phó với các đợt bão lũ, thiên tai có thể tiếp tục xảy ra.
Thủ tướng nêu rõ, càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân cả nước với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung.
Tại phiên họp, Chính phủ, Thủ tướng đã xác định những lĩnh vực ưu tiên cụ thể tập trung triển khai thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2020 nhằm đạt cao nhất mục tiêu của cả năm. Cụ thể là các giải pháp về chính sách tiền tệ, tài khóa; hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, người dân, nhất là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Cùng với đó là các giải pháp khơi thông được các luồng vốn tín dụng, đầu tư tư nhân và có biện pháp kích cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn; các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng các Hiệp định thương mại EVFTA mới có hiệu lực, tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là giải pháp xuất khẩu nông sản chế biến, mang lại giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh tăng trưởng thương mại điện tử.
II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ BÁO CHÍ QUAN TÂM TẠI CUỘC HỌP BÁO
Trong khuôn khổ cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì cùng với đại diện các Bộ, ngành và cơ quan tham dự buổi họp báo trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí nêu. Các nội dung được hỏi tập trung vào Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ Công Thương không trả lời câu hỏi nào. Một số vấn đề liên quan cũng được Lãnh đạo một số Bộ, ngành trả lời trực tiếp tại họp báo như sau:
1. Vừa qua, dư luận xã hội xôn xao về thông tin trả lương cho ông Lê Vinh Danh (Đại học Tôn Đức Thắng) có sự chênh lệch lớn trong cách phân phối thu nhập của Hiệu trưởng và các giảng viên, nhân viên của Nhà trường. Nhưng ý kiến khác cho rằng, điều quan trọng, lương cao nhưng trả có xứng đáng hay không. Xin đại diện Bộ Nội vụ cho biết rõ hơn quy định của pháp luật hiện nay đối với vấn đề lương tại các trường đại học cũng như tại Đại học Tôn Đức Thắng là như thế nào và việc trả lương cao cho ông Lê Vinh Danh và các trường khác có phù hợp hay không?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời: Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường đại học nói riêng, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tự chủ về tổ chức bộ máy thì theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP vừa ký tháng 10 vừa rồi, còn tự chủ về nhân sự thì thực hiện theo Nghị định 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng vừa mới ký.
Theo quy định như trên, đối với các đơn vị như Đại học Tôn Đức Thắng, nếu tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư thì đã có Nghị định 16 quy định rất chi tiết nguồn thu như thế nào. Còn Nghị định 15 hướng dẫn cụ thể nguồn chi như thế nào.
Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII vừa rồi về cải cách tiền lương thì những đơn vị sự nghiệp tự chủ, chi thường xuyên, chi đầu tư thì áp dụng cơ chế quản trị và trả lương như doanh nghiệp trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế chi tiêu nội bộ, các quy định về thu chi trong Nghị định 16/2015/NĐ-CP đã quy định rất rõ. Còn mức cụ thể chi hợp lý hay không thì Bộ Nội vụ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xem xét kỹ con số cụ thể, có phù hợp quy định theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Tài chính hay không.
2. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 10 tháng đầu năm đạt trên 60%. Trong 2 tháng còn lại giải pháp cụ thể thế nào?
Tình hình thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu trong 3 năm qua như thế nào? Hiện có 14/16 ngân hàng thương mại (NHTM) công bố kết quả kinh doanh trong quý III nợ xấu tăng 30%, nguyên nhân nợ xấu tăng từ đầu năm là gì? NHNN có giải pháp cụ thể nào, đặc biệt trong bối cảnh Thông tư 01, sắp đến thời điểm hết hạn?
Giá nhà các địa phương đang cao hơn thu nhập bình quân trung bình người lao động. Xin hỏi giải pháp nào để đưa giá nhà về giá trị thật của thị trường?
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời: Theo báo cáo kết quả tháng 10 và 10 tháng, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện trên 68% kế hoạch giao, cao hơn 14 điểm phần trăm  so với cùng kỳ năm ngoái, so với 9 tháng cao hơn 10 điểm phần trăm. Điều này thể hiện kết quả một loạt giải pháp, chính sách Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện từ đầu năm. Đây là điểm khích lệ trong báo cáo kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2020.
Từ đầu năm đến nay chúng ta đã triển khai giải pháp đúng, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đã đề ra và đã giải ngân được 68%. Chúng ta còn 3 tháng để thực hiện giải ngân 32% còn lại và Bộ KH&ĐT kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt tỉ lệ giải ngân cao.
Về các nguyên nhân khách quan, khu vực miền Trung, một vùng kinh tế trọng điểm lớn của đất nước, đã chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai vừa qua, nhiều cơ sở hạ tầng, tiến độ thi công các dự án đầu tư công khu vực này bị ảnh hưởng nhiều, do vậy ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của vùng và tác động đến kết quả của cả nước.
Tuy nhiên, với kết quả khả quan trong 10 tháng qua, trong những tháng cuối năm, với quyết tâm lớn của các bộ, ngành, địa phương, tiến độ giải ngân sẽ đạt kết quả khả quan.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời: Tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu được Đảng, Chính phủ, Quốc hội quan tâm. Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu. Các đơn vị đã tích cực triển khai thực hiện trong gần 3 năm qua với hiệu quả cao, các vướng mắc khó khăn được khắc phục.
Theo thống kê, luỹ kế từ 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 30/9/2020, đã có hơn 313 nghìn tỷ đồng nợ xấu được xử lý, nợ xấu nội bảng 167,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,8%, xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối đạt 74,9 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) dưới hình thức trái phiếu đặc biệt được 69,5 nghìn tỷ đồng.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là DN, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng. Đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.
Một nguyên nhân nữa là vấn đề kỹ thuật tính toán. Trong bối cảnh tác động của COVID-19, tình hình kinh tế khó khăn, cầu tín dụng không cao như những năm trước, do đó, tỉ lệ tương đối nợ xấu/dư nợ phát sinh cũng tăng lên.
Về phía mình, trong thời gian qua, NHNN đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, NHNN đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện cơ cấu miễn giảm lãi, hoãn giãn nợ, gỡ khó cho DN và người dân.
Trong thời gian tới, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp chưa rõ thời điểm kết thúc, nếu dịch tiếp tục gây khó khăn cho DN, thương mại quốc tế, dịch vụ thì nhiều khả năng làm nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng lên.
NHNN đã giao các đơn vị chức năng đánh giá phân tích ứng phó tình hình, bảo đảm an toàn hệ thống, các TCTD.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời: Giá cả trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) do thị trường quyết định nhưng theo tôi giải pháp là cần tăng lượng cung cho nhà giá xã hội giá rẻ, có chính sách bảo đảm cung cho đại đa số người lao động.
Hiện giá nhà ở xã hội có khung giá từ 15-20 triệu đồng/m2, cần đẩy nhanh các dự án tăng cung số lượng lên.
Bộ Xây dựng đề xuất có thêm loại nhà ở thương mại giá rẻ giá 20-28 triệu đồng/m2, cho phép xây nhà có diện tích dưới 45 m2 tạo nguồn cung cho loại nhà phân khúc tầm trung vừa mức hộ gia đình mua được.
Với nhà ở thương mại thông thường, giá 30-45 triệu đồng/m2 thì hoàn toàn do thị trường quyết định. Nhưng giải pháp vẫn là tăng cung. Thứ hai là tăng cường minh bạch thông tin, nhà đầu tư có thể giao dịch trực tiếp với người mua có nhu cầu, tránh qua các đối tượng đầu cơ, môi giới, trung gian BĐS.
3. Về thiên tai cực đoan vừa qua tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, xin hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thế nào về tác động của con người ví dụ như gây mất rừng nguyên sinh, xây dựng thủy điện, gây ra thực trạng mưa lũ và sạt lở đất vừa qua?
Vừa qua, Bộ Nội vụ có trình  Đề án về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đô thị tại TPHCM, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của Thành phố Thủ Đức chưa thực sự khác biệt so với các đơn vị hành chính cấp quận hiện nay và chưa thực sự đổi mới, nâng cao vị thế thẩm quyền của chính quyền. Xin hỏi Bộ Nội vụ có đề xuất gì mới về quy định, cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho chính quyền Thủ Đức không?
Bộ Nội vụ có đồng ý thành lập 2 Hiệp hội Nước mắm là nước mắm Việt Nam và nước mắm truyền thống Việt Nam. Trước đó, 2 ban vận động của 2 Hiệp hội này rất mâu thuẫn với nhau vì tên gọi trùng và hoạt động na ná với nhau, trong khi đó có tranh cãi là nước mắm khác biệt với nước chấm sản xuất từ nước mắm. Xin hỏi Bộ Nội vụ tại sao lại cấp phép thành lập 2 Hiệp hội giống nhau như thế, có phải là đánh đồng giữa nước mắm truyền thống và nước chấm hay không? Xin hỏi Bộ Y tế tại sao lại đề xuất thành lập Hiệp hội Nước mắm song song với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất cũng thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời: Vừa rồi Quốc hội đã ban hành 3 Nghị quyết, lần lượt thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, rồi Đà Nẵng và TPHCM. Trước đây, theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các đơn vị cấp huyện, cấp xã đồng thời đạt 2 chỉ tiêu dưới 50%; 2 chỉ tiêu về quy mô dân số, diện tích thì sắp xếp lại. Nhưng riêng TPHCM có đề nghị lùi vấn đề này đồng thời với việc xây dựng chính quyền đô thị.
Theo tinh thần đó, TPHCM hiện nay đang triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã đồng thời cũng không đạt 02 chỉ tiêu dưới 50%, 2 chỉ tiêu dân số và diện tích. Trong quá trình như vậy, TPHCM có đề xuất thành lập thành phố Thủ Đức là thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là một mô hình trong Luật Chính quyền địa phương đã quy định. Trên cơ sở như vậy, Bộ Nội vụ hiện nay đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đang phối hợp cùng với các bộ, cơ quan làm việc với UBND TPHCM xem trình Chính phủ ban hành Nghị định sao cho phù hợp. Còn cơ chế vượt trội, năm 2017 Quốc hội có Nghị quyết 54 ngày 24/11/2017 thí điểm chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Tuy nhiên sắp tới sẽ có tổng rà soát lại và đánh giá 3 năm thực hiện để có cơ sở cho chúng ta ban hành một cái cơ chế sao cho phù hợp với tình thần chung theo chỉ đạo của Trung ương. Làm sao phân biệt giữa mô hình tổ chức, hoạt động, thẩm quyền của chính quyền đô thị nông thôn, hải đảo và đơn vị kinh tế đặc biệt. Trong quá trình đó đề nghị các nhà báo có thể liên hệ trực tiếp Bộ Nội vụ, những gì thuộc thẩm quyền chúng tôi sẽ cung cấp.
Câu hỏi về Hiệp hội Nước mắm, tinh thần chung theo Nghị định 45 năm 2010 của Chính phủ thì các Hội được thành lập trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về kinh phí. Trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, sau khi rà soát lại các quy định của pháp luật, 2 hội này theo tiêu chí quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ, hướng dẫn Thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Nội vụ nhận thấy đủ điều kiện thành lập. Chi tiết cụ thể, đề nghị các nhà báo nếu cần thiết liên hệ trực tiếp để Bộ Nội vụ cung cấp. Bộ Nội vụ khẳng định đã thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45 của Chính phủ, đảm bảo đúng các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền.
4. Liên quan đến tình hình mưa lũ, sạt lở đất xảy ra rất nghiêm trọng tại miền Trung, thực tế năm 2017 đã xảy ra tình trạng này và cũng đưa ra nhiều cảnh báo. Sau đó, năm 2018, Thủ tướng, trực tiếp là Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đã ký ban hành Chỉ thị yêu cầu về công tác phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan rà soát, xem xét lại vấn đề quy hoạch cũng như các khu dân cư có nguy cơ sạt lở đất, hướng dẫn xây dựng nhà an toàn cho người dân ở những vùng này. Hiện nay việc này thực hiện đến đâu, chúng ta có bản đồ cảnh báo những điểm sạt lở hay không?
Liên quan đến lũ và sạt lở vừa qua, có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra, quan điểm của báo Tuổi trẻ cho rằng thủy điện không phải là nguyên nhân chính, mà là một phần trong tác động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, để cấp phép thủy điện, ngoài vai trò của Bộ Công Thương, Bộ TN&MT cần đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án thủy điện? Hiện nay việc rà soát đánh giá ĐTM đối với các dự án thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, được thực hiện như thế nào? Luật Bảo vệ môi trường 2014 yêu cầu phải công khai minh bạch các báo cáo ĐTM này, việc này thực hiên ra sao?
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng trả lời: Chúng ta có 3 hình thái thiên tai: Gió bão, lũ lụt và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Trước hết về gió bão, vấn đề này thường xảy ra ở khu vực biển với khoảng cách cự ly là 30-50 km từ bờ biển vào. Về giải pháp công trình, chúng ta thực hiện được. Qua khảo sát, nếu nhà có 3 cứng (sàn cứng, tường cứng, mái cứng) cơ bản là chịu được gió bão; nhà bị đổ chủ yếu nhà cấp 4, mái tôn, cổng chào, mái kính... Đối với hình thái thiên tai này, chúng ta đã có giải pháp công trình để có thiết kế cho phù hợp.
Thứ hai, về lũ lụt, cách đây 7 năm, chúng ta đã có Quyết định số 48 về chương trình nhà ở vượt lũ cho đồng bào miền Trung. Thực tế, đã xây dựng được trên 3.200 ngôi nhà có cốt sàn trên mức đỉnh lũ, vừa rồi phát huy tốt, khoảng 5-10 m trên đỉnh lũ thì người dân và gia đình có thể rút lên đấy để cầm cự 10-15 ngày. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nghiên cứu để nhân rộng, phát triển thêm mô hình này, chủ yếu cần nguồn lực. Đây cũng là một giải pháp khả thi thực hiện được.
Còn với lũ ống, lũ quét sạt lở đất, tôi xin nhấn mạnh không có giải pháp công trình  nhà ở nào có thể chịu được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Giải pháp để phòng chống là gì? Đối với việc xây mới, quan trọng là lựa chọn địa điểm để tránh được lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Hiện nay chúng ta đã có bản đồ về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nhưng tỉ lệ không cao, khoảng 1/20.000 hoặc 1/50.000 nên trong bản đồ này xã chỉ là một chấm nhỏ, vấn đề làm sao là phải đưa ra tỉ lệ 1/500. Chúng tôi sẽ phối hợp  cùng các chuyên gia để chuyển tỉ lệ này về 1/500 thì khi đó chúng ta mới quản lý được.
Với những công trình đã xây dựng rồi, như nhà đang tồn tại thì giải quyết thế nào? Một là rà soát để di dời, lựa chọn địa điểm khác như đã nói. Hai là cần có hướng dẫn, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ có hướng dẫn rất cụ thể để người dân và hộ dân có thể nhận được cảnh báo. Đối với lũ quét, sạt lở đất, người dân nên nhận được những chỉ dẫn rất đơn giản về vấn đề địa chất, thủy văn… trong bán kính khoảng 500 m. Hiện nay Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ NN&PTNT và các bộ khác tiến hành những việc như thế.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành trả lời: Trong đợt mưa lũ rất dài 1 tháng vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các nhà báo, có cả các nhà báo hy sinh, đã thông tin bão lũ kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân và góp phần làm giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất.
Đợt thiên tai vừa rồi khốc liệt hơn đợt thiên tai năm 1999, xảy ra tại khu vực miền Trung với 4 trận bão liên tiếp, số 6, 7, 8, 9 trong đó cơn bão số 9 mạnh nhất 20 năm vừa qua, mưa lớn kéo dài đã gây ra lượng mưa lớn hơn cả lịch sử năm 1999. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các địa phương, đưa tin kịp thời của thông tin báo chí, đến giờ này, thiệt hại chỉ bằng một phần nhỏ so với năm 1999.
Báo chí quan tâm đến hoạt động của con người có làm tăng thêm thiên tai hay không? Cụ thể ở đây là những thiên tai gây ra thiệt hại lớn về tính mạng của người dân thời gian vừa qua đó là sạt lở đất, lũ ống và lũ quét.
Chúng ta đã được các chuyên gia về địa chất đánh giá rằng nguyên nhân chính khu vực miền Trung là một khu vực đồi núi cao, phân cách, về địa chất có nhiều loại đất đá cổ, bị đập vỡ nứt nẻ tạo ra các lớp vỏ phong hóa rất dày, nhiều đất sét, đây là điều kiện hết sức bất lợi, khi mưa lớn, đặc biệt lâu ngày, nước chứa trong các lớp phong hóa này sẽ bị nhão và có lực trượt kéo xuống phía dưới.
Ngoài ra, là hoạt động dân sinh, khi chúng ta phát triển, cần phải mở đường, san ủi để có mặt bằng xây dựng nhà ở, trường học, xây dựng các cơ sở hạ tầng, trong đó có cả các nhà máy thủy điện để bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Đây là những hoạt động tạo ra việc cắt taluy, mất chân sườn dốc, làm mất ổn định… Các hoạt động này là nguyên nhân kích hoạt để thiên tai có thể xảy ra.
Mất rừng có phải là nguyên nhân không? Cần đánh giá cụ thể rõ trong từng trường hợp cụ thể. Bởi vì như đã biết năm 2016 ở Yên Bái, chúng ta đã chứng kiến những trận sạt lở đất kinh hoàng ở khu vực rừng nguyên sinh. Khi đó, chúng ta đã chụp được những bức ảnh từ flycam rừng nguyên sinh sạt lở như vết hổ cào trên sườn núi. Do đó, có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Trong vụ sạt lở đất vừa rồi, công trình thủy điện Rào Trăng 3 đang trong quá trình xây dựng thì xảy ra sự cố đáng tiếc. Thực tế vừa rồi, mưa lũ đều lớn hơn năm 1999 nhưng có thể nói chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung đã thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa, điều hành, cắt được rất nhiều lượng nước. Nếu lượng nước này mà về hạ du thì diện ngập, mức độ ngập hơn mức năm 1999. Thời gian vừa rồi, chúng ta thấy chỉ có một số điểm ở mức lũ lịch sử thôi, còn ở hạ du đã được cắt lũ, diện ngập, độ sâu ngập thấp hơn đáng kể so với năm 1999.
Về đánh giá tác động môi trường cho các công trình thủy điện nhỏ, Bộ TN&MT, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia luôn luôn đánh giá thẩm định về các yếu tố tác động đến đặc thù, bao gồm các tác động đến rừng, thảm thực vật và đa dạng sinh học, đánh giá dòng chảy tối thiểu mà thủy điện trả lại cho hạ du và các yếu tố liên quan khác. Luật Lâm nghiệp đã có quy định hết sức chặt chẽ về việc chuyển đổi đất rừng cho tất cả các loại dự án, không riêng gì các dự án thủy điện với các biện pháp hạn chế hết sức chặt chẽ. Việc bảo đảm trồng lại rừng, phát triển rừng, hiện nay một số nhà máy thủy điện đã bắt đầu nâng cao nhận thức, thực hiện vừa giữ nguồn sinh thủy cho khu vực nhà máy của mình vừa bảo đảm tránh sạt lở đất.
Trong thời gian tới, để giảm thiểu các nguy cơ này, Bộ TN&MT, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan đã tham mưu cho Chính phủ loại bỏ 472 quy hoạch thủy điện nhỏ ra khỏi quy hoạch và 213 điểm tiềm năng có thể xây dựng thủy điện cũng cần được xem xét hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ để đảm bảo phát triển kinh tế xã hội địa phương, đặc biệt là khu vực miền núi, bảo đảm bền vững, tránh được những rủi ro thiên tai như trong thời gian vừa qua.
5. Vừa qua Chính phủ đã nới lỏng điều kiện gói cho vay 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Xin hỏi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị có liên quan, hiện nay đã bao nhiêu doanh nghiệp tiếp cận được gói vay này để trả lương cho người lao động?
Vừa qua bão lũ đã gây ra thiệt hại rất lớn. Chính phủ có đưa ra cảnh báo và đánh giá các nguyên nhân không?
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trả lời: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 và Quyết định 15 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Qua quá trình triển khai thực hiện, chúng ta đã thực hiện quyết liệt tới tất cả địa phương và cơ bản đã hỗ trợ hết đến các đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, người có công. Tuy vậy, đối với doanh nghiệp và người lao động, quá trình triển khai còn hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục thẩm tra còn chặt chẽ nên việc triển khai chưa đạt yêu cầu đề ra. Bộ LĐTB&XH đã tham mưu ban hành Nghị quyết 154, Quyết định 32 ngày 19/10/2020 để tháo gỡ một số điều kiện của Nghị quyết 42 và Quyết định 15, trong đó gồm 3 nội dung cơ bản:
Thứ nhất, bổ sung người lao động là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non đến THPT dân lập tư thục…
Thứ hai, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động, đó là giảm điều kiện về doanh thu, khả năng tài chính, chỉ cần giảm từ 20% là đủ điều kiện.
Thứ ba, nới đường biên về tạm dừng đóng BHXH, trước kia là 50% số người lao động, hiện nay là 20%.
Ngày 19/10 có Nghị quyết thì ngày 20/10, NHCSXH đã có văn bản hướng dẫn đến tất cả các ngân hàng địa phương triển khai việc cho vay. Ngày 23/10, NHCSXH đã tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến đến tất cả chi nhánh, các đại diện quận, huyện, xã về gói cho vay này. Bộ LĐTB&XH ngày 27/10 có Công văn 4237 hướng dẫn về tạm ngừng đóng bảo hiểm hưu trí cho doanh nghiệp, đề nghị các địa phương triển khai Nghị quyết 154 cũng như Quyết định 32. Đồng thời cũng đã triển khai tuyên truyền trên các phương tiện báo chí rất mạnh mẽ, thông tin đã đến tất cả người dân, doanh nghiệp và người lao động. Triển khai này mới bắt đầu từ ngày 23/10, đến nay được 1 tuần, nên các doanh nghiệp hiện đang làm các thủ tục. Điều kiện bây giờ cũng dễ hơn, trước kia yêu cầu doanh nghiệp phải lấy giấy xác nhận nhưng giờ chỉ yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tức là doanh nghiệp tự kê khai doanh thu, lập danh sách người lao động, ngân hàng điều tra và cho vay, nên thời gian cho vay rất nhanh. Tôi tin trong tuần tới việc cho vay sẽ được tiến hành.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp trả lời: Trước hết trong báo cáo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đã nói rất kỹ và rõ về câu chuyện chỉ đạo điều hành. Tôi khẳng định đợt thiên tai miền Trung vừa rồi rất dị thường và bất thường. Điều này, Thứ trưởng Bộ TN&MT đã nói, chưa bao giờ trong vòng 20 ngày mà miền Trung chịu 4 cơn bão. Việc này chúng ta có biết và cảnh báo rất sớm. Ngay từ tháng 1/2020, tại Hội nghị toàn quốc về thiên tai, chúng tôi cùng Bộ TN&MT đã cảnh báo năm nay sẽ có khoảng 5 đến 6 cơn bão ở miền Trung, và trong đó sẽ có những cơn bão rất lớn. Chúng tôi cũng đã cảnh báo trước 15 ngày về đợt lụt lịch sử tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Như vậy chúng ta có cảnh báo và cảnh báo sớm, nhưng tại sao lại vẫn xảy ra tình trạng như vậy, vẫn có hình ảnh người dân không kịp chạy lũ, ở trên nóc nhà? Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau.
Chúng ta đã cảnh báo sớm và người dân cơ bản đã biết thông tin. Có 56,1 triệu lượt tin nhắn gửi đến bà con miền Trung. Chúng tôi đã cùng Bộ TT&TT làm việc này. Chưa nói đến hệ thống chính trị của chúng ta đã vào cuộc rất sớm. Nhưng có một số nơi diện ngập lụt rộng, nhà 2 tầng ở trên tầng 2 cũng không thể chui vào đâu được. Ở Lệ Thủy, mực nước có nhà ngập đến 6,3 m, vượt cả mức lũ lụt lịch sử. Diện rộng nên bà con không biết vào chỗ nào. Chúng tôi đang kiểm tra xem có điểm nghẽn thông tin không, nếu có thì ở chỗ nào. Chúng tôi và Thủ tướng Chính phủ sẽ đánh giá ngay lập tức sau khi khắc phục thiên tai.
Về ứng phó, chúng ta đã rất chủ động. Tôi xin nói mấy vấn đề đặt ra trong ứng phó. Thứ nhất, về lực lượng: Lực lượng của chúng ta là lực lượng công an và quân đội, vừa rồi đã tham gia rất tích cực, rất nhiều đồng chí đã hy sinh, bị thương. Chúng tôi đã đi cùng các đồng chí công an, quân đội, cơ bản các đồng chí không ngủ, rất vất vả. Tuy nhiên chúng ta cần hơn trong những trận thiên tai cực đoan như này một lực lượng chuyên nghiệp cao hơn, trang thiết bị đồng bộ hơn, và chúng tôi rất mong muốn lực lượng này có trang thiế bị phù hợp với mọi điều kiện địa hình và thời tiết. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được nhanh và an toàn cho đội cứu hộ. Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban quốc gia ứng phó thiên tai sớm triển khai việc này.
Tôi khẳng định chúng ta đã đầu tư rất nhiều, tuy nhiên sức chịu đựng của cơ sở hạ tầng cũng có hạn chế. Chẳng hạn đê biển, trong thiết kế chỉ chịu đựng được đến sóng gió cấp 11. Nếu thiết kế đê biển chịu đựng được cấp 12, giật cấp 15 thì kinh phí lên gấp đôi và chúng ta chưa đủ tiền. Hoặc là hạ tầng cơ sở giao thông, các công trình phúc lợi, chúng ta thiết kế ở mức độ chấp nhận được, sức chịu đựng cũng có hạn. Ngay chỗ tránh trú bão là yêu cầu tối thiểu thì hiện nay neo đậu tàu thuyền chúng ta cũng chỉ đảm bảo được 46%, như vậy còn 54% tàu thuyền. Chưa nói đến câu chuyện ngư dân, sự chấp hành rất tốt nhưng vẫn còn một số chưa chấp hành tốt.
Câu chuyện sạt lở đất, chúng ta thiệt hại nhiều về người. Sạt lở đất bây giờ diễn ra rất phức tạp và không theo quy luật. Những chỗ sạt lở đất lớn vừa rồi, kể cả ở Trạm kiểm lâm 67, Đoàn kinh tế 337 hay mới nhất ở Nam Trà My, đây là những chỗ ổn định lâu dài, không có trong cảnh báo.
Như vậy, chúng ta cần ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong cảnh báo, chỉ có đưa khoa học công nghệ vào thì cảnh báo mới tốt và nhanh được. Thứ trưởng Bộ TN&MT có nói, hiện nay chúng ta có hơn 10 tỉnh nguy cơ thiên tai cao có bản đồ về sạt lở. Nhưng bản đồ sạt lở của chúng ta hiện nay là tỉ lệ 1/50.000. Muốn triển khai được chỉ đạo trong thực tế thì cần tối thiểu là bản đồ tỉ lệ 1/10.000, còn không thì phải là 1/5.000 và để xây dựng các điểm cụ thể thì cần bản đồ 1/500. Nhưng hiện nay chúng ta là bản đồ 1/50.000 và nếu triển khai theo bản đồ này để cảnh báo thực tế thì chúng ta một lúc phải di chuyển vài xã, điều này không thể làm nổi.
Đây là những vấn đề đặt ra và rút ra qua đợt thiên tai khốc liệt vừa rồi ở miền Trung cũng như trên cả nước. Sắp tới Chính phủ chắc chắn sẽ có rất nhiều chỉ đạo và có đầu tư vào công tác này.
Tôi khẳng định con người có tác động đến thiên tai. Mọi hoạt động của con người đều có tác động hoặc xấu hoặc tốt đến mọi vấn đề, trong đó có thiên tai. Quan điểm của chúng tôi là chúng ta phải thuận thiên, nhưng là thích nghi có kiểm soát, phải có giải pháp công trình để chúng ta thuận thiên. Chúng tôi chỉ đánh giá thêm dưới góc độ Ủy ban Thường trực phòng chống thiên tai.
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)